Điểm lại các thương vụ mua đất mở rộng lãnh thổ của Mỹ

Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 21:29, 09/01/2025

Với việc mua lãnh thổ Louisiana (hiện gồm 13 bang của Mỹ) từ Pháp, mua Florida từ Tây Ban Nha, mua Alaska từ Nga, ... gần 40% lãnh thổ hiện tại của Mỹ có được nhờ vào các thương vụ mua đất mở rộng lãnh thổ.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gần đây đề xuất các ý tưởng Mỹ giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama, sở hữu đảo Greenland, và sáp nhập Canada. Ông Trump nói rằng ông không loại trừ sẽ có các hành động quân sự hoặc kinh tế để đưa Greenland, Kênh đào Panama thành một phần của Mỹ, cũng như biến Canada trở thành một tiểu bang của Mỹ.

Nhìn lại lịch sử thì đây không phải là lần đầu tiên Mỹ tìm cách mở rộng lãnh thổ của mình. Trong quá khứ, Mỹ đã sáp nhập nhiều vùng lãnh thổ thông qua các thương vụ từ các cường quốc thực dân và các quốc gia trong khu vực.

mở rộng lãnh thổ của Mỹ.jpg
Cờ Mỹ tại Nhà Trắng. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Theo hãng thông tấn Anadolu, gần 40% lãnh thổ hiện tại của Mỹ có được nhờ vào việc bỏ tiền mua đất, từ việc mua lại Louisiana từ Pháp, Florida từ Tây Ban Nha, Alaska từ Nga đến một phần quần đảo Virgin từ Đan Mạch.

Dưới đây là những thương vụ mua đất mở rộng lãnh thổ của Mỹ đáng chú ý:

Mua lại Louisiana từ Pháp

Năm 1803, Mỹ đã mua lại lãnh thổ Louisiana từ Pháp với giá 15 triệu USD, tương đương khoảng 420 triệu USD theo tỉ giá hiện nay. Thương vụ này tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng lãnh thổ của Mỹ về phía tây trên khắp lục địa.

Những khó khăn về kinh tế và mối lo ngại về các vấn đề an ninh ở châu Âu đã thúc đẩy nhà lãnh đạo Pháp Napoleon Bonaparte đồng ý bán Louisiana.

Theo Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ, thương vụ mua Louisiana được coi là thương vụ bất động sản lớn nhất trong lịch sử. Lãnh thổ Louisiana hiện nay bao gồm 13 tiểu bang của Mỹ.

Mua lại Florida từ Tây Ban Nha

Florida trước đây là một trong những thuộc địa của Tây Ban Nha ở châu Mỹ. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 19, Tây Ban Nha bắt đầu mất quyền kiểm soát khu vực này do hậu quả của các cuộc chiến tranh ở châu Âu và xung đột với người dân địa phương.

Năm 1819, Mỹ đã mua Florida từ Tây Ban Nha thông qua Hiệp ước Adams-Onis với mức giá khoảng 5 triệu USD, qua đó tiếp tục mở rộng lãnh thổ của Mỹ.

Mua Alaska từ Nga

Vào nửa sau thế kỷ 19, căng thẳng kinh tế từ Chiến tranh Crimea (1853-1856) đã khiến Nga gặp khó khăn tài chính. Nga đã đề nghị bán Alaska cho Mỹ.

Năm 1867, Mỹ đã mua Alaska từ Nga với giá 7,2 triệu USD, tương đương với khoảng 153 triệu USD theo tỉ giá hiện nay.

mở rộng lãnh thổ của Mỹ
Cực quang phương bắc là cảnh tượng được săn đón ở Alaska (Mỹ). Ảnh: CNN

Giá trị của Alaska tăng lên khi phát hiện ra tài nguyên thiên nhiên và phát triển thành một điểm đến du lịch. Hiện nay, Alaska chiếm khoảng 17% lãnh thổ Mỹ.

Tầm quan trọng về mặt địa chính trị của Alaska và khu vực Bắc Cực đã trở nên rõ ràng theo thời gian. Alaska cung cấp cho Mỹ một tiền đồn chiến lược và đóng vai trò quan trọng đối với sự hiện diện và phòng thủ của quân đội Mỹ tại Bắc Cực.

Mua quần đảo Virgin từ Đan Mạch

Vào đầu thế kỷ 20, Mỹ đã tìm cách tăng cường sự hiện diện chiến lược của mình tại vùng Caribe. Kết quả là, vào năm 1917, Mỹ đã mua quần đảo Tây Ấn Đan Mạch, hiện được gọi là quần đảo Virgin, từ Đan Mạch với giá 25 triệu USD.

Việc mua lại này không chỉ củng cố vị thế của Mỹ tại vùng Caribe mà còn biến quần đảo Virgin trở thành điểm đến du lịch quan trọng của Mỹ sau Thế chiến II.

Những thương vụ bất thành

Mỹ cũng đã cố gắng mua Cuba từ Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ 19 nhưng không thành. Sau đó, Mỹ đã thuê và quản lý một phần lãnh thổ rộng lớn tại Vịnh Guantanamo của Cuba kể từ năm 1903.

Mỹ cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn mua lại đảo Greenland. Năm 1946, chính quyền của Tổng thống Mỹ khi đó là ông Harry Truman đã đề nghị Đan Mạch bán lại Greenland với giá 100 triệu USD.

Năm 2019, ông Trump đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua Greenland, dẫn đến cuộc căng thẳng ngoại giao ngắn ngủi giữa Mỹ và Đan Mạch.