Kẹt xe kéo dài ở nhiều giao lộ trung tâm TPHCM

Nhịp sống - Ngày đăng : 16:01, 09/01/2025

Ngành giao thông TPHCM cho biết sẽ rà soát các vị trí giao lộ phù hợp bố trí biển cho phép rẽ phải khi đèn đỏ để giải tỏa bớt áp lực giao thông những ngày qua.

Mấy ngày qua, kẹt xe diễn ra ở khắp ngả đường trên địa bàn TPHCM, đặc biệt là khu trung tâm như giao lộ Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ, Lý Chính Thắng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Thị Sáu...

Phản ánh đến Dân trí vào chiều 9/1, chị Phan Thị Phương Nhi (28 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) cho biết, chị vừa di chuyển từ quận Phú Nhuận đến quận 1 để làm việc. Tuy nhiên, với quãng đường chỉ khoảng 5km, người phụ nữ này mất hơn 30 phút di chuyển.

"Tôi nghĩ mọi người đều cảm nhận được tình trạng ra đường là kẹt xe, ùn tắc giao thông tại TPHCM những ngày gần đây rất thường xuyên, buổi chiều gần như mất phải gấp đôi hoặc gấp ba thời gian so với trước đây để về nhà. Đặt xe công nghệ thì cũng phải chờ mãi mới có chuyến, hầu như rất lâu", chị Nhi phàn nàn.

Kẹt xe kéo dài ở nhiều giao lộ trung tâm TPHCM - 1

Người dân chờ nhiều lượt đèn trên đường Điện Biên Phủ hướng về quận Bình Thạnh vào giờ tan tầm (Ảnh: Thư Trần).

Còn anh Nguyễn Quyết Thắng (33 tuổi, ngụ quận Tân Bình), làm việc tại quận 1, cho biết thường xuyên đi qua giao lộ Hai Bà Trưng - Võ Thị Sáu để về nhà. Theo anh, trước đây, người dân vẫn được rẽ phải ở giao lộ khi đèn đỏ theo đúng chiều Võ Thị Sáu, hướng từ chợ Tân Định về chợ Bến Thành.

Tuy nhiên những ngày qua, hai đầu từ Võ Thị Sáu hướng Bình Thạnh về quận 1, 3 và từ đường Hai Bà Trưng hướng từ chợ Tân Định về chợ Bến Thành, các phương tiện không được rẽ phải.

"Dòng xe bị dồn ứ từ hai hướng này gây kẹt xe nghiêm trọng. Phải chờ qua mấy lượt đèn mới đi qua được một giao lộ", anh Thắng kể.

Ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải TPHCM), cho biết, Sở GTVT đã nắm được tình hình. Đơn vị này cũng đang rà soát, lắp đặt biển cho phép xe rẽ phải khi đèn đỏ ở một số tuyến đường phù hợp.

Theo ông Vinh, quy định mới có mức phạt cao, người dân chấp hành tốt hơn khi dừng đèn đỏ, hạn chế rẽ phải. Tuy nhiên, việc này cũng kéo theo ùn tắc nhiều hơn tại một số giao lộ.

Kẹt xe kéo dài ở nhiều giao lộ trung tâm TPHCM - 2

Các tài xế chờ hàng dài trên tuyến đường Võ Văn Tần, quận 3 TPHCM vào trưa 9/1 (Ảnh: Thư Trần).

Theo Nghị định 168, người lái ôtô hoặc các loại xe tương tự bị phạt 18-20 triệu đồng nếu vi phạm các lỗi như: không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông hoặc hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển, kiểm soát giao thông; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "cấm đi ngược chiều". Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị trừ 3 điểm giấy phép lái xe.

Mức phạt này cao gấp hơn 3 lần so với Nghị định 100 và Nghị định 123. Hiện nay, người điều khiển ôtô vượt đèn đỏ hoặc các hành vi trên sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng. Tài xế còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ một đến 3 tháng.

Với người chạy xe máy, trường hợp vượt đèn đỏ bị phạt 4-6 triệu đồng (Nghị định 100 và Nghị định 123 là 800.000-1 triệu đồng); đi ngược chiều phạt 4-6 triệu (Nghị định 100 và Nghị định 123 là 1-2 triệu); lạng lách, đánh võng phạt 8-10 triệu đồng (Nghị định 100 và Nghị định 123 là 6-8 triệu)...

Kẹt xe kéo dài ở nhiều giao lộ trung tâm TPHCM - 3

Đèn xanh nhưng dòng xe không thể di chuyển trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3 (Ảnh: Thư Trần).

TPHCM đang quản lý hơn 9,5 triệu xe các loại, trong đó hơn một triệu ôtô, gần 8,5 triệu xe máy. Mật độ đường giao thông trên địa bàn TPHCM là 2,34 km/km² (theo quy định phải đạt 10-13,3 km/km²); diện tích đất dành cho giao thông đạt 13,04% (theo quy định phải đạt 24-26%).

Với tốc độ tăng trưởng phương tiện giao thông như hiện nay, kết cấu hạ tầng giao thông TPHCM bị quá tải, vượt năng lực thông hành.

Bên cạnh việc xung đột giao thông tại các giao lộ do nhiều người dân không dám rẽ phải khi đèn đỏ, những ngày qua, trung tâm TPHCM cũng diễn ra nhiều hoạt động diễn tập phòng cháy chữa cháy. Các tuyến đường chính bị hạn chế xe trong nhiều ngày.

Ngoài ra, dịp cuối năm, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, sản xuất của người dân, doanh nghiệp tăng lên. Điều này cũng khiến tình trạng ùn tắc nhiều hơn.

Thư Trần