Cấm thi lớp 6, phụ huynh bức xúc 'vài nghìn học bạ toàn điểm 10 sẽ xét ra sao'
Nhịp sống - Ngày đăng : 13:46, 09/01/2025
Từ khi nghe tin Bộ GD&ĐT bỏ thi tuyển vào lớp 6 từ năm 2025, kể cả các trường THCS chất lượng cao, chị Đặng Thuý Quỳnh (41 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) đứng ngồi không yên, lo lắng cho tương lai của cậu con trai lớp 5.
Đặt mục tiêu vào trường chất lượng cao THCS Thanh Xuân và THCS chuyên Ngoại ngữ nên từ năm lớp 2 chị Quỳnh đầu tư cho con học hành nghiêm túc, đều đặn mỗi tuần học thêm đủ 4 buổi các môn Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ.
Mỗi buổi học ở trung tâm giá 250.000 đồng, trung bình tháng học 16 buổi, tiêu tốn khoảng 4 triệu đồng. Tính trung bình một năm, chỉ tiền học thêm cho con gần 50 triệu đồng. Tính tổng từ lớp 2, 3, 4 số tiền này lên tới gần 120 triệu đồng, chưa tính lớp 5 vì số buổi học thêm tăng gấp đôi để chạy đua. Dẫu vậy, chị Quỳnh cho rằng mức đầu tư này vẫn "chưa ăn thua" so với nhiều gia đình khác.
"Con bỏ công, bố mẹ bỏ của, cùng nhau chạy đua vào trường chất lượng cao gần 4 năm qua, giờ Bộ GD&ĐT ra quy định cấm thi tuyển vào lớp 6 khiến cả gia đình sốc và tiếc nuối với số tiền đã đầu tư" chị Quỳnh nói.
Nhiều phụ huynh cũng rơi vào tình cảnh tương tự, họ không đồng tình với phương án này và cho rằng chỉ có thi tuyển mới đánh giá đúng năng lực của học sinh và công bằng.
Ngoài việc tiếc công sức và tiền bạc cho con ôn luyện trong suốt thời gian qua, anh Bùi Thế Phong (39 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) băn khoăn, các trường THCS nếu chỉ xét tuyển học sinh dựa vào học bạ sẽ không công bằng. Bởi, tình trạng xin điểm, thậm chí mua điểm vẫn còn tồn tại. Việc đánh giá, cho điểm của các trường THCS có sự khác nhau, khó phản ánh đúng khả năng của học sinh.
"Cấm các trường chất lượng cao thi tuyển đầu vào là điều bất cập, không hợp lý. Thực tế như ở các năm trước, chuyện học sinh 5 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, học bạ toàn điểm 10 nhưng khi thi tuyển lớp 6 bị điểm liệt không hiếm", anh Phong đưa dẫn chứng.
Cũng theo nam phụ huynh, thời gian qua, con anh dồn sức ôn thi vào cấp 2, bỏ qua hết các cuộc thi, giải thưởng. Nếu giờ các trường chuyển qua xét tuyển, thì ngoài cuốn học bạ toàn điểm 10, con anh sẽ không có thành tích gì để điền vào hồ sơ.
"Với trường chất lượng cao, nếu không kiểm tra đánh giá năng lực đầu vào, vậy nhà trường sẽ dựa trên tiêu chí gì để xét tuyển khi cả Hà Nội có đến vài chục nghìn học bạ toàn điểm 10 và hồ sơ nộp vào vượt chỉ tiêu?", anh Phong đặt câu hỏi.
Chị Phạm Thị Yến (37 tuổi, Long Biên, Hà Nội) cũng bức xúc khi bỏ thi vào lớp 6 và lo xét tuyển sẽ dễ phát sinh nhiều tiêu cực hơn, đặc biệt tình trạng xin cho, đi cửa sau để chạy suất vào trường top.
"Chỉ tiêu thì có giới hạn, số lượng hồ sơ nộp vào các trường top đầu cao, rất dễ xảy ra tình trạng phụ huynh nhà giàu chạy điểm từ lớp 1 và mua các giải thành phố cho con. Trong khi kỳ thi tuyển sinh sẽ giúp phân loại học sinh tốt hơn, đảm bảo việc dạy thật học thật, thi thật, thực chất, công tâm. Các trường cũng có thể an tâm về chất lượng đầu vào", chị Yến nói.
Các phụ huynh đều mong mỏi, nếu quy định được đưa ra, nhà trường cần có những hướng dẫn cụ thể và chi tiết, để thí sinh cảm thấy thực sự minh bạch và công bằng trong cuộc đua vào trường điểm, chất lượng cao.
Theo quy chế tuyển sinh THCS và THPT vừa được Bộ GD&ĐT công bố, từ năm học 2025-2026, việc tuyển sinh lớp 6 thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, thông tư mới nhằm giảm áp lực thi chuyển cấp cho học sinh tiểu học. Vì vậy trường tư hay trường chất lượng cao cũng xét tuyển, không thi tuyển.
Tiêu chí xét tuyển do Sở GD&ĐT mỗi tỉnh, thành hướng dẫn; đảm bảo công bằng, khách quan và phù hợp với tình hình thực tế. Riêng với các trường THCS thuộc đại học, tiêu chí xét tuyển có thể theo hướng dẫn của cơ quan chủ quản hoặc của địa phương nơi đặt trụ sở.
Về quy trình, UBND cấp quận, huyện sẽ phê duyệt kế hoạch tuyển sinh lớp 6, gồm các thông tin về đối tượng, chỉ tiêu, địa bàn, tiêu chí, thời gian xét tuyển và công bố kết quả. Kế hoạch tuyển sinh được công bố trước ngày 31/3 hàng năm.