Giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên: Cần quan tâm hơn nữa tới đối tượng trẻ khuyết tật

Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 13:00, 08/01/2025

Giáo dục giới tính cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ cùng các phương pháp phù hợp với lứa tuổi sẽ giúp trẻ nâng cao nhận thức về việc bảo vệ bản thân, tránh nguy cơ bị xâm hại tình dục từ những đối tượng xấu, giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, tỷ suất sinh con ở vị thành niên (từ 15-19 tuổi) vẫn còn cao, trên toàn quốc là 42 trẻ sinh ra sống/1000 phụ nữ, cao nhất ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc (115) và Tây Nguyên (76), nơi tập trung đông các dân tộc thiểu số 3.

Nhiều nguy cơ xấu cho mẹ và bé

Việc mang thai ở tuổi vị thành niên sẽ dẫn đến các biến chứng do thai nghén như: Dễ bị sảy thai, đẻ non, nhiễm độc thai nghén, làm tăng nguy cơ tử vong mẹ. Tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong của trẻ sơ sinh ở người mẹ nhỏ tuổi cao hơn nhiều so với các bà mẹ ở tuổi trưởng thành. Dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có cả HIV/AIDS.

Mang thai ngoài ý muốn sẽ dẫn đến tình trạng nạo hút, phá thai, gây nguy hiểm lớn cho cơ thể của các trẻ em gái. Việc nạo hút thai tùy tiện có thể gây chấn thương như thủng tử cung, thủng bàng quang, thủng ruột non... gây nhiễm trùng, nhiều bạn trẻ đã mất cơ hội làm mẹ sau này vì nạo hút thai nhiều lần.

Quan hệ tình dục sớm không chỉ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe sinh sản mà còn để lại những tổn thương tâm lý sâu sắc, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của các em. Nỗi sợ mang thai, sợ bị phát hiện có thể khiến các em rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng thường xuyên, khủng hoảng tâm lý, ảnh hưởng đến quá trình học tập và thiếu điều kiện tốt trong cuộc sống.

Theo TS. BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, những bạn gái mang thai và sinh con ở tuổi VTN đem theo gánh nặng rất lớn về chi phí kinh tế và xã hội thông qua các tác động trước mắt và lâu dài đến cha mẹ và con cái của họ.

Thiếu sự chăm sóc trước sinh, trẻ VTN khi mang thai thường thiếu sự giúp đỡ từ gia đình, không được chăm sóc trước sinh đầy đủ, trẻ có nguy cơ bất thường cao, nguy cơ sinh non, nguy cơ trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng... Đặc biệt là người mẹ dễ bị trầm cảm khi mang thai và sau sinh. Đây là nguyên nhân dẫn đến những hành động đáng tiếc xảy ra như tự tử, bỏ con sau sinh…

Mặt khác, khi mang thai ngoài ý muốn, nếu phát hiện sớm thì những trẻ VTN này thường dắt nhau đến những "dịch vụ phá thai không an toàn" để bỏ thai, từ đó gây ra những biến chứng nặng nề như sót nhau, sót màng, băng huyết, thủng tử cung, thậm chí là đe dọa tính mạng. Những biến chứng do phá thai không an toàn nếu không được xử lý kịp thời không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến chức năng sinh sản về sau. Nguy cơ vô sinh hiếm muộn là rất cao. Nếu phát hiện muộn khi thai đã lớn thì vẫn có trường hợp để sinh bình thường nhưng sau đó cho con vào trại trẻ mồ côi hoặc cho người khác nuôi...

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, bà Lê Thị Thùy Dương - Giám đốc Chiến lược, Chất lượng và Hiệu quả chương trình, Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SC) cho biết, quan hệ tình dục sớm gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ vị thành niên. Về sức khỏe, trẻ có nguy cơ tổn thương cơ quan sinh dục vì cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, tăng nguy cơ mắc bệnh lây qua đường tình dục, mang thai ngoài ý muốn với nhiều biến chứng nghiêm trọng như vô sinh, sinh non hoặc tử vong, đặc biệt ở nữ dưới 18 tuổi.

Về tâm lý, quan hệ sớm khi chưa chuẩn bị đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm có thể khiến trẻ bị rối loạn, lo âu, hành vi tình dục khó kiểm soát hoặc làm suy giảm sức khỏe tâm thần. Đặc biệt, đối với đối tượng trẻ khuyết tật, các em phải đối mặt với rủi ro cao hơn bởi các em thiếu tiếp cận với các thông tin chính thống, dịch vụ hỗ trợ, và biện pháp bảo vệ phù hợp. Điều này cũng khiến các em dễ bị xâm hại và tổn thương lâu dài.

lê thị thùy dương
Theo bà Lê Thị Thuỳ Dương, sự hạn chế trong giao tiếp khiến các vấn đề sức khỏe của trẻ khó được nhận biết kịp thời, dẫn đến nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại cao hơn do trẻ không thể bày tỏ sự phản đối hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ.

Còn hạn chế việc tiếp cận các dịch vụ dân số

Theo số liệu báo cáo từ Cục Dân số, Bộ Y tế cho thấy, hiện nay "Giảm số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn" không đạt kế hoạch đề ra (năm 2023 giảm 15% so với năm 2022). Nguyên nhân không đạt là do vị thành niên và thanh nhiên còn nhiều hạn chế trong tiếp cận với các dịch vụ dân số, kế hoạch hoá gia đình, chưa được giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính; Chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường – gia đình – xã hội trong việc giúp các em được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong tương lai; Gia đình vị thành niên, thanh niên còn chưa chú trọng việc giáo dục sức khỏe sinh sản để phòng tránh mang thai ngoài ý muốn cho các em.

Do đó, khi có con trong độ tuổi VTN, cha mẹ nên quan tâm đến con cái nhiều hơn. Các bậc cha mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện tâm sự với các em, cho con cái những định hướng đúng đắn về tình cảm. Cha mẹ và nhà trường nên phối hợp để trang bị cho các em những kiến thức về sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính cho các em, giúp các em có kiến thức và nhận thức đúng đắn, tránh được những sai lầm không đáng có.

Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tăng cường giáo dục, chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, hướng dẫn các biện pháp tránh thai phù hợp, hạn chế tình trạng phá thai và ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục. Đặc biệt, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường – gia đình – xã hội. Từ đó, giúp các em được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong tương lai.

skss2
Việc kết hợp với chuyên gia tâm lý, giáo dục đặc biệt và nhân viên y tế cũng rất cần thiết để đảm bảo trẻ được hướng dẫn đúng cách, tự tin hơn trong việc bày tỏ nhu cầu và bảo vệ bản thân.

Quan tâm hơn nữa tới đối tượng vị thành niên là trẻ khuyết tật

Theo bà Lê Thị Thuỳ Dương, đối với nhóm trẻ khuyết tật, sự thiếu quan tâm từ cộng đồng và nhận thức sai lệch về quyền chăm sóc SKSS của sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đến học tập, mối quan hệ gia đình, bạn bè và làm gia tăng sự cô lập của xã hội đối với các em.

Trẻ khuyết tật, đặc biệt là những trẻ có khiếm khuyết về thần kinh, tâm thần, hoặc trí tuệ, thường gặp khó khăn trong việc diễn đạt cảm xúc và nhu cầu liên quan đến sức khỏe sinh sản (SKSS), gây ra nhiều rào cản trong việc chăm sóc sức khỏe. trẻ không được trang bị đầy đủ kỹ năng để tự bảo vệ bản thân, không có cơ hội tham gia vào các quyết định liên quan đến sức khỏe của mình.

Việc khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế, thiếu sự hỗ trợ từ người chăm sóc, nhân viên y tế, và các công cụ giao tiếp đặc thù khiến nhu cầu SKSS của trẻ bị bỏ qua, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, sự phát triển và chất lượng cuộc sống của trẻ. Do đó, nhiệm vụ đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức, và phát triển các phương pháp giao tiếp phù hợp là cần thiết để đảm bảo mọi trẻ khuyết tật đều được chăm sóc đầy đủ và an toàn.

Trẻ khuyết tật cần được hướng dẫn về cơ thể, quyền riêng tư, và kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Do vậy, để giúp trẻ khuyết tật tiếp cận và hiểu kiến thức về SKSS, cần áp dụng các phương pháp trực quan, cá nhân hóa và phù hợp với từng loại khuyết tật, các tài liệu như sách minh họa, tờ rơi cần phải dễ hiểu, sử dụng ngôn ngữ đơn giản, ngoài ra áp dụng các ứng dụng công nghệ hỗ trợ, ngôn ngữ ký hiệu để tuyên truyền về SKSS cũng rất hữu ích.

Đặc biệt, phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường tin cậy cho sự phát triển của trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật. Các bậc cha mẹ luôn phải quan sát kỹ các thay đổi trong hành vi của trẻ để kịp thời hỗ trợ, dạy trẻ từ cảm giác, những thay đổi cơ bản về cơ thể cho tới quyền của các em.