Điểm tin Kinh doanh 7/1: Giá vàng: Vàng miếng, vàng nhẫn đi ngang sau tuần tăng mạnh

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 07/01/2025

Người mua vàng sẽ không thích chính sách này; Chủ tịch ACB vừa bị tin đồn: Nắm khối cổ phiếu nghìn tỷ, thù lao 700 triệu đồng/tháng
gia-vang-25-12.jpg

- Giá vàng: Vàng miếng, vàng nhẫn đi ngang sau tuần tăng mạnh

Giá vàng thế giới hôm 6/1 đi ngang, giao dịch ở mức 2.639 USD/ounce. Trong nước, giá vàng miếng SJC đứng yên sau tuần tăng mạnh, giao dịch ở mức 85,5 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn SJC giao dịch ở mức 85,3 triệu đồng/lượng.

Tuần qua, giá vàng trong nước đã có những phiên tăng mạnh vào thứ 5 và thứ 6 trước chuyển sang trạng thái đi ngang. Sáng 6/1, giá vàng miếng và vàng nhẫn SJC bán ra giữ nguyên ở mức 85,5 triệu đồng/lượng và 85,3 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, tại thời điểm 11 giờ ngày 6/1, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào-bán ra ở mức 84-85,5 triệu đồng/lượng, không đổi so kết phiên trước đó. Chênh lệch mua-bán thu hẹp còn 1,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn SJC 9999 mua vào 84 triệu đồng/lượng, bán ra 85,3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng DOJI tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mua vào ở mức 84 triệu đồng/lượng và bán ra 85,5 triệu đồng/lượng.

Thương hiệu này niêm yết giá vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 mua vào-bán ra ở mức 84-85 triệu đồng/lượng.

Vàng PNJ giữ nguyên giá mua vào ở mức 84,4 triệu đồng/lượng và bán ra mức 85,5 triệu đồng/lượng.

Tính đến 11 giờ ngày 6/1 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới nhích nhẹ 0,3 USD so kết phiên trước đó lên mức 2.639,7 USD/ounce.

Tuần trước, giá vàng thế giới tăng mạnh vào đầu tuần, có lúc lên 2.660 USD/ounce khi căng thẳng địa chính trị leo thang ở tại Trung Đông, sau đó, các nhà đầu cơ chốt lời, chuyển sang mua USD và trái phiếu tạo lợi nhuận tốt hơn khiến giá vàng giảm.

Theo các nhà phân tích đồng bạc xanh sẽ tiếp tục tăng giá khi nền kinh tế Mỹ mạnh hơn buộc Cục Dự trữ Liên bang (FED) phải điều chỉnh chu kỳ nới lỏng chậm hơn trong năm nay khiến đà tăng giá của vàng bị kìm hãm.

Bất chấp những bất lợi này, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng như các nhà phân tích vẫn kỳ vọng giá vàng sẽ đạt mốc 3.000 USD/ounce trong năm nay.

Khảo sát vàng thường niên của Kitco News cho thấy, 266 nhà đầu tư nhỏ lẻ (tương đương 58%) trong số 457 nhà đầu tư tại Phố Chính-Main Street tham gia khảo sát kỳ vọng giá vàng sẽ tăng lên mức 3.000 USD/ounce vào năm 2025. 103 nhà đầu tư khác (22%) cho rằng giá vàng sẽ đạt đỉnh trong khoảng từ 2.800-3.000 USD/ounce. Chỉ có 30 người (7%) dự báo giá kim loại quý này sẽ giao dịch trong khoảng từ 2.600-2.800 USD. 58 nhà đầu tư còn lại (13%) hy vọng giá sẽ giảm trở lại mức 2.400-2.600 USD/ounce.

Mặc dù đồng quan điểm lạc quan về giá vàng, các nhà phân tích Phố Wall-Wall Street thận trọng hơn một chút.

Chuyên gia Chantelle Schieven, Trưởng phòng nghiên cứu tại Capitalight Research, chia sẻ, bà vẫn lạc quan về vàng trong năm 2025 như đã từng đề cập vào năm 2024.

Bà Chantelle Schieven cũng cho biết thêm rằng, giá vàng sẽ giao dịch trong khoảng từ 2.500-2.700 USD trong nửa đầu năm và vượt qua mốc 3.000 USD/ounce vào nửa cuối năm 2025.

Các nhà phân tích hàng hóa tại BMO Capital Markets dự đoán trong báo cáo triển vọng năm 2025 rằng, vàng sẽ vẫn là tài sản quan trọng trong danh mục đầu tư của nhà đầu tư vào năm 2025 và lưu ý rằng, khả năng xảy ra chiến tranh thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục thúc đẩy sự bất ổn về địa chính trị, tạo thêm động lực cho thị trường vàng.

BMO dự đoán giá vàng sẽ giao dịch ở mức trung bình khoảng 2.750 USD/ounce vào năm 2025, tăng 3% so ước tính trước đó. Trong phân tích theo quý, các nhà phân tích tại đây nhận định ​​giá sẽ đạt đỉnh vào mùa hè với mức giá khoảng 2.850/ounce.

Sáng nay, Chỉ số USD-Index ở mức cao 108,88 điểm; lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng nhẹ lên 4,616%; chứng khoán Mỹ giảm điểm; giá dầu thế giới tiếp tục tăng, giao dịch ở mức 76,18 USD/thùng đối với dầu Brent và 73,68 USD/thùng với dầu WTI.

- Người mua vàng sẽ không thích chính sách này

Giá vàng thế giới hôm 6/1 chạm mức 2.637 USD/ounce, tương đương 81,6 triệu đồng/lượng.

Theo giới phân tích, năm 2024, giá vàng thế giới đạt hiệu suất tốt nhất trong vòng 14 năm qua. Bước sang đầu năm 2025, vàng đang bắt đầu xoay xở giữ mức giá ổn định.

Vào ngày 20/1 tới, khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 47, câu chuyện của giá vàng sẽ rõ nét hơn dưới các chính sách mới của ông.

Đồng đô la Mỹ sẽ là trọng tâm trong việc tác động lên giá vàng. Khi chính sách thương mại của ông Trump tập trung phục vụ nước Mỹ, đồng đô la Mỹ sẽ mạnh mẽ hơn. Hiện đồng đô la Mỹ đang củng cố sức mạnh và tăng giá cao nhất trong vòng 1 năm qua.

Dưới chính sách này của ông Trump, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ. Điều này càng khiến đồng đô la Mỹ mạnh lên và tạo sức ép lên giá vàng.

- Cổ phiếu VTP của Viettel Post tăng trần, phá đỉnh lịch sử

Trái ngược với diễn biến chung của thị trường, mã VTP của Viettel Post đã tăng kịch trần lên vùng đỉnh 154.200 đồng/cổ phiếu, thanh khoản cũng gấp đôi những ngày gần đây.

Thị trường rơi vào trạng thái "xanh vỏ, đỏ lòng" trong phiên giao dịch đầu tuần. Trái ngược với diễn biến chung, mã VTP của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã tăng kịch trần lên 154.200 đồng/cổ phiếu.

Đây là vùng giá lịch sử của cổ phiếu này kể từ khi niêm yết. Trước đó vào đầu tháng 12/2024, mã VTP cũng từng lập đỉnh ở mốc 150.900 đồng/cổ phiếu.

Kể từ đầu tháng 11/2024, mã VTP đã tăng vọt từ vùng giá 89.000 đồng/cổ phiếu lên vùng giá hiện tại. Đà tăng này được hỗ trợ bởi thông tin Viettel Post chính thức vận hành Công viên logistics Lạng Sơn vào ngày 11/12/2024. Đây là trung tâm logistics lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam, được dự báo đem về cho Viettel Post hàng nghìn tỷ doanh thu mới.

cac-san-pham-banh-mut-tet-da-san-sang-phuc-vu-khach-hang.jpg

- Dự kiến phân loại tài sản số để quản lý

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số dự kiến giao Chính phủ quy định phân loại, thẩm quyền, nội dung quản lý tài sản số, cung ứng dịch vụ tài sản số phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Sáng 6/1, tại Phiên họp 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và sẽ biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Về tài sản số, ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội cho biết, có ý kiến cho rằng, tài sản số là vấn đề mới, thay đổi nhanh cần có sự đầu tư nghiên cứu, rà soát kỹ hơn và nên giao Chính phủ quy định chi tiết. Ý kiến khác cho rằng, cần nghiên cứu để bổ sung quy định về các loại tài sản số trong dự thảo luật.

Để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện nội dung này, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã phối hợp tổ chức làm việc với các cơ quan chuyên môn có liên quan.

Qua nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, tài sản số là vấn đề mới, phức tạp, phát triển, thay đổi nhanh chóng; hiện nay trên thế giới cũng chưa có khung pháp lý quy định đầy đủ về vấn đề này và vẫn còn có quan điểm khác nhau.

“Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, thống nhất quy định khung về vấn đề này (Điều 13 và Điều 14) như khái niệm, phân loại tài sản số dựa trên mục đích sử dụng, công nghệ và các tiêu chí khác; giao Chính phủ quy định phân loại, thẩm quyền, nội dung quản lý tài sản số, cung ứng dịch vụ tài sản số phù hợp với điều kiện thực tiễn”, ông Lê Quang Huy cho biết.

- Chủ tịch ACB vừa bị tin đồn: Nắm khối cổ phiếu nghìn tỷ, thù lao 700 triệu đồng/tháng

Ông Huy gia nhập ACB từ năm 2002 và chính thức đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT vào năm 2012, trở thành Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Ông nhận nhiệm vụ khi ngân hàng đang đối mặt với nhiều khó khăn sau sự kiện của ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) và một số lãnh đạo cũ bị khởi tố.

Theo báo cáo quản trị gần đây nhất của ACB, ông Trần Hùng Huy là vị lãnh đạo sở hữu khối cổ phiếu lớn nhất tại ACB, với hơn 153 triệu đơn vị, ước tính giá trị hơn 3.900 tỷ đồng theo thị giá tại phiên giao dịch đầu năm là 25.600 đồng/cổ phiếu.

Ngoài cá nhân ông Huy, người có liên quan là bà Đặng Thu Thủy, mẹ của Chủ tịch ACB cũng sở hữu hơn 53 triệu cổ phiếu ACB, tương đương khoảng 1.350 tỷ đồng. Bà Đặng Thu Thủy hiện là thành viên HĐQT ACB.

Bên cạnh đó, các công ty liên quan đến ông Huy, bao gồm CTCP Đầu tư Thương mại Giang Sen, CTCP Đầu tư Thương mại Vân Môn và CTCP Đầu tư Thương mại Bách Thanh, cũng sở hữu số lượng lớn cổ phiếu ACB. Cụ thể, Giang Sen nắm giữ 80,29 triệu cổ phiếu (chiếm tỷ lệ sở hữu 2,07%), Vân Môn sở hữu 44,39 triệu cổ phiếu (1,14%) và Bách Thanh sở hữu 55,9 triệu cổ phiếu (1,44%).

Như vậy, ông Trần Hùng Huy cùng với cá nhân và các đơn vị liên quan sở hữu hơn 385 triệu cổ phiếu ACB, tương đương với hơn 9.800 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024, trong 6 tháng đầu năm ACB chi hơn 23,3 tỷ đồng trả thù lao cho các thành viên HĐQT, tăng gần 5 tỷ đồng so với nửa đầu năm 2023.

Trong đó, thù lao của Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy là 4,2 tỷ đồng sau 6 tháng, bình quân 700 triệu/tháng.

Việt Báo (Tổng hợp)