Thu ngân sách kỷ lục 2 triệu tỷ, riêng hai nơi này thu được 1 triệu tỷ

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 16:19, 04/01/2025

Thu ngân sách nhà nước lần đầu tiên đạt cột mốc 2 triệu tỷ đồng, trong đó chỉ tính riêng số thu của hai địa phương đã chiếm gần một nửa.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, thu ngân sách Nhà nước cả năm 2024 ước đạt khoảng 2 triệu tỷ đồng, tăng 15,5% so với thực hiện năm 2023, đánh dấu lần đầu tiên thu ngân sách của Việt Nam đạt cột mốc này.

Tuy nhiên, số thu ngân sách này lại chủ yếu phụ thuộc vào các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng...

thu ngân sách
Thu ngân sách của Hà Nội và TP.HCM đóng góp lớn vào mức thu chung của cả nước.

Dự kiến, thu ngân sách Nhà nước của Hà Nội đến hết ngày 31/12/2024 là hơn 501.600 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên thu ngân sách thành phố Hà Nội vượt 500.000 tỷ đồng.

Còn tại TP.HCM, số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện đến ngày 31/12/2024 là 505.344 tỷ đồng, tăng 13,17% so cùng kỳ.

Như vậy, số thu của hai địa phương này đã chiếm tới hơn 1 triệu tỷ đồng trong tổng số thu hơn 2 triệu tỷ của cả nước năm 2024.

Thực tế, từ lâu nay, thu ngân sách của cả nước vẫn do số ít địa phương đóng góp chính. Đó là TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Đồng Nai... 10 địa phương thu ngân sách nhiều nhất cả nước đã chiếm tới hơn 1,5 triệu tỷ đồng trên tổng số 2 triệu tỷ đồng thu ngân sách cả nước. 53 địa phương còn lại tạo ra số thu hơn 500 nghìn tỷ.

Đây cũng là một trong số hạn chế trong công tác thu - chi ngân sách hiện nay khi vẫn còn đại đa số các địa phương vẫn chưa cân đối được thu - chi. Hàng chục địa phương chưa có nguồn thu điều tiết về Trung ương, trái lại vẫn cần ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các hoạt động chi tiêu, an sinh xã hội...

Cụ thể, năm 2023, có 18/63 địa phương tự cân đối thu - chi và điều tiết ngân sách về Trung ương, gồm: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên, Quảng Nam, Đà Nẵng, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Long An và Hải Dương.

Việc có 18/63 địa phương tự cân đối được thu chi cũng là con số "có cải thiện" so với trước đây. Đơn cử như giai đoạn 2007 - 2010, chỉ có 11 địa phương có điều tiết về ngân sách Trung ương (NSTW), đến giai đoạn 2011 - 2016 có 13 địa phương điều tiết về trung ương. Đến giai đoạn 2017 - 2020, con số này đã được nâng lên 16 địa phương.

Việc có thêm nhiều địa phương cân đối được ngân sách mới tạo nền tảng vững chắc hơn cho ngân sách nhà nước, nhất là khi ngân sách không còn chỉ dựa vào dầu thô hay xuất nhập khẩu.

Các địa phương nghèo, thu ngân sách khó cũng cần nỗ lực tạo dựng nguồn thu mới, thay vì vẫn dựa vào "bầu sữa" ngân sách trung ương.