Người dân 'tâm phục khẩu phục' khi được xem lại hình ảnh lỗi vi phạm giao thông

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 09:50, 04/01/2025

Sau khi CSGT Hà Nội triển khai các camera nghiệp vụ gắn trên người chiến sĩ, người dân cảm thấy 'tâm phục khẩu phục' khi được xem lại hình ảnh lỗi vi phạm giao thông.

Vài ngày trở lại đây, nhiều người cảm thấy bất ngờ khi chứng kiến hình ảnh các chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT) đeo thiết bị camera ghi hình xuất hiện tại nhiều ngã tư đường phố.

Không chỉ ghi hình người tham gia giao thông, hình ảnh do camera thu lại còn được trích xuất để người vi phạm giao thông xem lại, thậm chí in ra thành ảnh rồi ký tên xác nhận.

Trao đổi với VietNamNet, Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội) cho hay, camera cầm tay, gắn người đang được triển khai là camera nghiệp vụ do Bộ Công an phát cho Công an thành phố Hà Nội.

Theo đó, tất cả các cán bộ phòng cảnh sát giao thông đều được phát camera nhằm phục vụ việc ghi nhận các hành vi vi phạm và tình hình giao thông trên tuyến tuần tra. Bên cạnh chức năng ghi hình, camera còn lưu lại thông tin ngày, giờ và tọa độ định vị.

W-z6186783159585_a544b7e6816f2aa7917471976ca00174.jpg
Chiến sĩ CSGT sử dụng camera nghiệp vụ để ghi hình người tham gia giao thông. Ảnh: Đình Hiếu

Theo Trung tá Phạm Văn Chiến, kể từ khi triển khai hệ thống camera nghiệp vụ, tình hình vi phạm giao thông giảm hẳn, một phần nhờ các bài viết chia sẻ trên báo chí và mạng xã hội.

Ý thức tham gia giao thông của người dân về việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ và tín hiệu đèn giao thông cũng có chuyển biến.

Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, người tham gia giao thông có thể nhìn lại hành vi vi phạm của mình một cách thực tế. Khi được xem lại hình ảnh vi phạm, người dân cảm thấy tâm phục khẩu phục, thấy cách làm này rất văn minh. Đơn vị đã đề xuất lãnh đạo tăng cường thiết bị nghiệp vụ mới hơn, sâu rộng hơn, lắp nhiều camera xử phạt ở các ngã tư hơn”, Trung tá Phạm Văn Chiến cho biết.

Bình luận về câu chuyện ứng dụng camera để ghi hình người vi phạm giao thông, ông Lê Tuấn Khôi, Giám đốc công ty phát triển camera MK Vision cho rằng, camera nghiệp vụ là thiết bị hỗ trợ rất tốt trong quá trình công tác của CSGT.

Dữ liệu hình ảnh, đặc biệt với video, là dạng dữ liệu rất trực quan, dễ dàng để thể hiện cho người vi phạm biết được lỗi mình gặp phải”, ông Khôi nói.

W-camera-make-in-vn-mk-vision-3-1.jpg
Một mẫu camera gắn người dùng cho lực lượng công an do doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển. Ảnh: Trọng Đạt

Theo vị chuyên gia này, trước kia nhiều chiến sĩ CSGT chưa được trang bị camera gắn người nên thường phải dùng điện thoại cá nhân để ghi hình, dẫn đến các tranh cãi không đáng có.

Thắc mắc này của người dân là có cơ sở khi hiện nay hình ảnh, thậm chí video có thể được chỉnh sửa dễ dàng thông qua các phần mềm. Do đó, việc sử dụng một thiết bị chuyên dụng, với phần mềm được viết riêng cho CSGT và bộ các tính năng bảo mật dữ liệu (mã hoá, ký số,..) là điều rất tốt, giảm thiểu những tranh cãi khi các chiến sĩ CSGT thực hiện nhắc nhở, xử phạt”, ông Khôi lý giải.

Trên thực tế, việc sử dụng camera trong giám sát, xử phạt vi phạm giao thông đã được triển khai tại Việt Nam nhiều năm nay. Tuy nhiên, do giới hạn về hạ tầng, công nghệ và ngân sách nên số lượng triển khai chưa nhiều, thời gian triển khai tại nhiều nơi cũng bị kéo dài.

Camera cầm tay, gắn người sẽ biến mỗi chiến sĩ CSGT thành một chiếc camera xử phạt di động với tính cơ động cao mà không cần dựng cột, đi dây, lắp đặt...

Ở góc độ đơn vị cung cấp thiết bị camera gắn người cho lực lượng Công an một số tỉnh tại Việt Nam, theo ông Khôi, đa số các chiến sĩ khi sử dụng đều phản hồi tích cực về sản phẩm.

Phần mềm được phát triển bám sát các nhu cầu thực tế của đơn vị, giao diện tiếng Việt dễ sử dụng, tính nhỏ gọn và sự tiện lợi khi đeo trên người là các tính năng được nhiều chiến sĩ quan tâm.