Tạo hành lang pháp lý thực thi các chính sách của Luật Viễn thông mới
Cuộc sống số - Ngày đăng : 08:27, 04/01/2025
Nghị định 163 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông đã được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 24/12/2024.
Để độc giả hiểu rõ hơn về những chính sách mới trong quản lý lĩnh vực viễn thông, phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT):
Phóng viên:Trước tiên, xin ông cho biết Nghị định 163 được ban hành hướng tới giải quyết những vấn đề gì?
Ông Nguyễn Thành Phúc: Gồm 7 chương với 86 điều, Nghị định 163 được xây dựng với mục đích hướng dẫn chi tiết các nội dung được Luật Viễn thông giao thẩm quyền cho Chính phủ và quy định một số biện pháp thi hành Luật Viễn thông; bảo đảm tính minh bạch, thống nhất trong tổ chức thực thi một số quy định của Luật; đảm bảo công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực viễn thông được hiệu quả, hiệu lực và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Với 5 nhóm chính sách lớn, Nghị định sẽ tạo hành lang pháp lý thực thi các chính sách của Luật Viễn thông về cấp phép viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông, quản lý thị trường viễn thông, tạo điều kiện thúc đẩy thị trường viễn thông, phát triển dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường; quản lý phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông tiên tiến, hiện đại, đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật các ngành khác; quản lý đăng ký thông tin thuê bao đầy đủ chính xác.
Đồng thời, hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc cung cấp 3 dịch vụ mới gồm dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet; góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng số, hạ tầng của nền kinh tế số, xã hội số; và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động viễn thông.
So với quy định trước đây, chính sách quản lý lĩnh vực viễn thông có những thay đổi ra sao, thưa ông?
Với việc Nghị định 163 được ban hành và có hiệu lực, nhiều chính sách mới về quản lý lĩnh vực viễn thông được cụ thể hóa, tập trung vào 5 nhóm vấn đề chính: Cấp phép viễn thông; quản lý thị trường viễn thông; quản lý hạ tầng viễn thông; quản lý thông tin thuê bao di động; và quản lý 3 dịch vụ mới.
Đơn cử như, về cấp phép viễn thông, Nghị định quy định về điều kiện cấp phép đối với giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng thuộc trường hợp cấp phép nhóm; đồng thời, quy định thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy phép viễn thông và các mẫu biểu để các tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng thực hiện.
Nghị định cũng quy định danh mục dịch vụ viễn thông áp dụng hình thức đăng ký cung cấp dịch vụ viễn thông; danh mục dịch vụ viễn thông áp dụng hình thức thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông; điều kiện cung cấp dịch vụ viễn thông và quy trình thủ tục thực hiện đăng ký, thông báo trên nguyên tắc đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường.
Theo đó, từ ngày 1/1/2025, các doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu phải thực hiện thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ viễn thông; doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ thư điện tử, dịch vụ thư thoại, dịch vụ fax gia tăng giá trị, tổ chức nước ngoài cung cấp qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây phải thực hiện thủ tục thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông theo quy định tại Nghị định này.
Về quản lý thị trường viễn thông, Nghị định 163 quy định về quản lý doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường; quản lý thẻ trả trước dịch vụ viễn thông di động và tài khoản SIM di động, trong đó quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc phát hành và sử dụng thẻ trả trước dịch vụ viễn thông di động; điều chỉnh các quy định về bán lại dịch vụ viễn thông; bổ sung quy định về cung cấp dịch vụ chuyển mạng viễn thông di động giữ nguyên số thuê bao.
Việc quy định trách nhiệm chung của doanh nghiệp viễn thông trong quản lý hoạt động thanh toán cho dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động qua tài khoản SIM nhằm quản trị rủi ro, ngăn chặn việc lạm dụng, lợi dụng cho các hoạt động vi phạm pháp luật.
Đối với quản lý các dịch vụ mới, Nghị định quy định việc lưu trữ, quản lý thông tin người sử dụng dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây cung cấp khi giao kết hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức nước ngoài cung cấp qua biên giới 3 dịch vụ này; đồng thời quy định việc cung cấp và sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
Chính sách quản lý hạ tầng viễn thông là mối quan tâm chung của các địa phương và doanh nghiệp. Xin ông chia sẻ điểm mới quan trọng của nội dung này?
Nhằm tạo thuận lợi cho phát triển hạ tầng viễn thông tại Việt Nam, Nghị định 163 đã quy định chi tiết về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động và quy trình lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, cung cấp thông tin, thực hiện, đánh giá cũng như điều chỉnh quy hoạch này trên cơ sở nâng cấp có kế thừa quy định hiện hành.
Theo đó, cơ quan tổ chức lập quy hoạch là UBND cấp tỉnh và cơ quan lập quy hoạch là cơ quan chuyên môn về viễn thông thuộc UBND cấp tỉnh (Sở TT&TT).
Về hạ ngầm, chỉnh trang đường cáp viễn thông, quy định UBND cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch và tổ chức triển khai kế hoạch hạ ngầm và chỉnh trang đường cáp viễn thông tại địa phương; quy định các doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm ngầm hóa theo kế hoạch được phê duyệt, với nguyên tắc bảo đảm tối đa việc sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật, phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật về viễn thông và xây dựng.
Bên cạnh việc quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông trong việc bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động viễn thông, Nghị định 163 còn quy định thẩm quyền giải quyết việc chia sẻ cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trong trường hợp các doanh nghiệp viễn thông không thống nhất được (trừ vấn đề về giá).
Việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông tích cực giữa các doanh nghiệp viễn thông trên nguyên tắc khuyến khích việc chia sẻ để tiết kiệm chi phí triển khai mạng viễn thông, đồng thời phải bảo đảm phù hợp với pháp luật về cạnh tranh, pháp luật về tần số vô tuyến điện.
Vậy việc quản lý thông tin thuê bao di động thời gian tới sẽ khác trước ra sao, thưa ông?
Ngoài việc đăng ký thông tin thuê bao tại điểm có địa chỉ xác định hoặc lưu động do chính doanh nghiệp viễn thông di động trực tiếp sở hữu, thiết lập, điểm có địa chỉ xác định được doanh nghiệp viễn thông di động ký hợp đồng ủy quyền, Nghị định 163 cho phép doanh nghiệp viễn thông di động triển khai đăng ký thông tin thuê bao theo hình thức trực tuyến (sử dụng ứng dụng) để phù hợp với xu thế chuyển đổi số.
Tuy nhiên, việc đăng ký thông tin thuê bao theo hình thức trực tuyến chỉ áp dụng với 3 số thuê bao đầu tiên trên 1 giấy tờ dùng để đăng ký.
Nghị định mới cũng quy định trách nhiệm của doanh nghiệp di động phải xác thực thông tin thuê bao di động theo các biện pháp: Xác thực trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; khi đăng ký, kích hoạt từ SIM thuê bao di động thứ hai trở lên, phải xác thực qua mã xác thực một lần gửi đến SIM đăng ký và kích hoạt trước đó; áp dụng giải pháp cuộc gọi ghi hình để thu thập, kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng hoặc các giải pháp khác do Bộ TT&TT, Bộ Công an hướng dẫn bổ sung theo từng thời kỳ.
Cục Viễn thông sẽ làm gì để những chính sách mới sớm đi vào cuộc sống?
Nghị định 163 có hiệu lực từ ngày 24/12/2024. Riêng với các quy định về quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, hiệu lực thi hành là từ ngày 1/1/2025.
Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục Viễn thông sẽ chủ trì tổ chức các hội nghị để phổ biến, quán triệt những nội dung, chính sách mới của Nghị định 163 để đảm bảo rằng việc thực thi Nghị định mới được hiệu quả, sớm đi vào thực tiễn cuộc sống.
Xin cảm ơn ông!