Quân sự thế giới hôm nay (1-1): Không quân Nga nhận máy bay huấn luyện mới

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 07:37, 01/01/2025

Quân sự thế giới hôm nay (1-1-2025) có những nội dung sau: Không quân Nga nhận máy bay huấn luyện mới, Ireland mua trực thăng đa năng Airbus H145M, Thổ Nhĩ Kỳ đóng tàu cao tốc trang bị tên lửa cho Qatar.

* Không quân Nga nhận máy bay huấn luyện mới

RuAviation dẫn thông báo từ Nhà máy Hàng không dân dụng Ural (UZGA) của Nga cho biết đã bàn giao 2 máy bay huấn luyện cánh quạt UTS-800 sản xuất hàng loạt đầu tiên cho Bộ Quốc phòng nước này.

UTS-800 là thế hệ máy bay huấn luyện mới, được phát triển và sản xuất bởi UZGA, chạy bằng động cơ 5 cánh quạt, chủ yếu phục vụ mục đích huấn luyện sơ cấp phi công, trinh sát, giám sát hạng nhẹ.

Một nguyên mẫu của máy bay huấn luyện UTS-800. Ảnh: Military Review 

Đáng chú ý, UTS-800 là máy bay huấn luyện cánh quạt đầu tiên của Không quân Liên Xô/Nga, kể từ đời máy bay huấn luyện Yak-18. Việc đưa UTS-800 vào biên chế được thúc đẩy bởi nhu cầu hiện tại về một nền tảng hiệu quả về mặt kinh tế và hiện đại cho công tác đào tạo ban đầu đối với các phi công quân sự Nga.

Về thông số kỹ thuật cơ bản, máy bay có thể đạt tốc độ tối đa 410-430km/giờ, tốc độ bay hành trình 360km/giờ, trần bay tối đa 8.000m, trọng lượng cất cánh 2.150kg và trọng lượng rỗng 1.700kg.

UTS-800 có hệ thống điện tử hàng không hiện đại với kiến trúc mở để tải các mẫu tình huống chiến thuật cần thiết. Theo nhà sản xuất, thiết kế của UTS-800 bảo đảm dễ dàng bảo trì và sửa chữa trước và sau chuyến bay.

RuAviation đánh giá, UTS-800 là giải pháp lấp đầy "khoảng trống" trong đội máy bay huấn luyện của Nga, là sự bổ sung hữu ích cho phi đội máy bay huấn luyện đa năng Yak-130 chuyên thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chuyển loại phi công chiến đấu lên các dòng máy bay hiện đại hơn.

Trong khi đó, máy bay huấn luyện cánh quạt Yak-152 mới, do công ty Yakovlev của Nga sản xuất, đã hoàn thành các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước, song vẫn chưa có thông tin về việc quá trình chế tạo hàng loạt, bởi nhiều thành phần phải nhập khẩu.

* Ireland mua trực thăng đa năng Airbus H145M

Theo The Defense Post, Chính phủ Ireland gần đây đã ký một hợp đồng trị giá 91,7 triệu euro, chưa bao gồm VAT, để mua 4 máy bay trực thăng đa năng Airbus H145M.

Những máy bay này sẽ thay thế phi đội trực thăng EC-135 cũ kỹ của Không quân Ireland, hiện đã hết thời hạn hoạt động. Đợt giao hàng đầu tiên dự kiến diễn ra vào quý 1-2027.

Trực thăng đa năng H145M. Ảnh: Airbus

Là phiên bản quân sự hóa của dòng trực thăng dân sự EC145, H145M được chế tạo để thực hiện các nhiệm vụ vận chuyển, thu thập thông tin tình báo, giám sát, trinh sát mục tiêu, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ hỏa lực và sơ tán y tế.

H145M có thể chở tối đa 11 người, bao gồm 2 phi công và 9 binh sĩ, với trang bị đầy đủ. Trực thăng được thiết kế với buồng lái kính kỹ thuật số hiện đại, tích hợp bộ hệ thống điện tử hàng không và kính nhìn ban đêm, mang lại khả năng điều khiển và tấn công trong mọi điều kiện thời tiết cả ngày lẫn đêm. Hệ thống rotor cũng được thay thế bằng vật liệu composite, giúp cho chúng bền bỉ hơn trong điều kiện tác chiến.

Về vũ khí, H145M có thể được trang bị bệ phóng tên lửa, bệ pháo, bệ súng máy, tên lửa không đối đất, tên lửa dẫn đường bằng laser… cho các nhiệm vụ tấn công hạng nhẹ. Máy bay có tốc độ tối đa là 250km/giờ, trần bay 2.700m và tầm bay tối đa 662km.

Ngoài ra, máy bay được trang bị hệ thống phòng vệ AAR-60 giúp phát hiện và vô hiệu hóa tên lửa tầm nhiệt của đối phương. Các hệ thống mồi bẫy nhiệt được gắn tại 4 vị trí của máy bay, mỗi vị trí chứa 30 đạn nhiệt. Buồng lái và những vị trí quan trọng được bọc giáp tốt, có thể chống lại đạn pháo cỡ từ 20mm trở xuống. Thùng nhiên liệu được làm bằng vật liệu đặc biệt, có thể tự lành ngay cả khi trúng đạn.

* Thổ Nhĩ Kỳ đóng tàu cao tốc trang bị tên lửa cho Qatar

Naval News cho hay, nhà máy đóng tàu Dearsan của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu đóng 2 tàu cao tốc trang bị tên lửa FAC50 cho Hải quân Qatar, theo một thỏa thuận được hai bên ký tại Triển lãm Hàng hải và Quốc phòng quốc tế (DIMDEX 2024) ở Doha trước đó.

Mô hình tàu FAC50 được trưng bày tại Triển lãm DIMDEX 2024. Ảnh: Naval News

Những chiếc tàu này có chiều dài 50,76m, chiều rộng 9,53m, mớn nước 2,1m, có thể đạt tốc độ 36 hải lý/giờ (khoảng 67km/giờ), phạm vi hoạt động 1.000 hải lý.

Hỏa lực của tàu FAC50 đến từ hệ thống tên lửa hành trình đối hải và đối không, pháo bắn nhanh 40mm, súng máy 12,7mm.

Theo phía Thổ Nhĩ Kỳ, tàu được thiết kế với chức năng chính bao gồm tác chiến phòng không và trên biển, tác chiến phi đối xứng và tác chiến điện tử trong vùng lãnh hải của Qatar.

Thời gian qua, Qatar trở thành khách hàng lớn của ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, với việc mua các phương tiện bọc thép, tàu hải quân và máy bay không người lái.

MINH ANH (tổng hợp)