Năm 2024, các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 191 nghìn tỷ đồng

Kinh doanh - Ngày đăng : 16:23, 31/12/2024

Chiều 31/12, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc.
Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Bộ Tài chính, cùng với việc tổ chức thực hiện tốt các Luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền tiếp tục ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, với quy mô hỗ trợ khoảng 191 nghìn tỷ đồng; trong đó, số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 95 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm khoảng 96 nghìn tỷ đồng.

Các giải pháp chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất được ban hành, thực hiện trong năm 2024 và năm 2025, với quy mô hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã phát huy hiệu quả tích cực, hỗ trợ kịp thời các hoạt động sản xuất – kinh doanh; tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, năm 2024 nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm đạt khoảng 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6 - 6,5%), thuộc nhóm ít nước đạt tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân được củng cố. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, bội chi ngân sách nhà nước và nợ công được kiểm soát thấp hơn mục tiêu, giới hạn cho phép, góp phần củng cố an ninh tài chính quốc gia; thị trường tài chính, chứng khoán phát triển; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thu hút vốn đầu tư; mở rộng đối ngoại, ngoại giao kinh tế, củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Cụ thể, thu ngân sách cả năm 2024 ước đạt 2.025,4 nghìn tỷ đồng, tăng 19,1% (324,4 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 15,5% so thực hiện năm 2023. Đến cuối năm 2024, chỉ tiêu dư nợ công khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 33-34% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so thu ngân sách nhà nước khoảng 20-21%, thấp hơn mức trần Quốc hội cho phép.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030; đồng thời, chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo phát triển an toàn, bền vững thị trường chứng khoán hướng tới mục tiêu nâng hạng trong thời gian tới.

Trong năm 2024, thị trường chứng khoán có biến động với các phiên tăng, giảm đan xen, với xu hướng phục hồi so cuối năm trước. Tính đến ngày 27/12/2024, chỉ số VN - Index đạt 1.275,14 điểm, tăng 12,9% so với cuối năm 2023. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối năm 2023, tương đương 70,4% GDP ước tính năm 2023; giá trị giao dịch bình quân đạt 21,1 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 19,9% so với bình quân năm trước.

Đặc biệt, thị trường trái phiếu đã phục hồi mạnh mẽ, có 96 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với với khối lượng 396,7 nghìn tỷ đồng, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2023; khối lượng mua lại trước hạn là 187 nghìn tỷ đồng (giảm 24,7% so với cùng kỳ năm 2023); có 1.431 mã trái phiếu của 326 tổ chức phát hành đã thực hiện đăng ký giao dịch. Tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đạt 1.026,6 nghìn tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 4.224,8 tỷ đồng/phiên.