Động thái mới dự án cải tạo khu tập thể cũ Hà Nội
Bất động sản - Ngày đăng : 13:07, 31/12/2024
6 tháng phải xong quy hoạch chi tiết khu tập thể Nghĩa Tân
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 6742/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân, tỷ lệ 1/500 tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Theo đó, tổng diện tích nghiên cứu lập nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết là khoảng 31,66 ha.
Một góc khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Trần Hoàng. |
Quy mô dân số quy hoạch cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân sẽ được xác định chính xác trong quá trình nghiên cứu lập đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trên cơ sở kết quả điều tra khảo sát, đánh giá hiện trạng dân số thực tế tại các nhà chung cư cũ cải tạo xây dựng lại và các nhà ở hiện có, đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu dân số theo định hướng của các đồ án quy hoạch cấp trên có liên quan được duyệt, tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng, các quy định hiện hành có liên quan của Nhà nước và Thành phố.
Thời gian hoàn thành lập đồ án Quy hoạch chi tiết là 6 tháng kể từ ngày phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch.
Được biết, khu tập thể Nghĩa Tân là khu chung cư cũ đầu tiên được thành phố duyệt chi phí lập quy hoạch chi tiết với số tiền dự toán lập quy hoạch hơn 1,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.
Khu tập thể Nghĩa Tân gồm 29 nhà chung cư, cao từ 3 đến 5 tầng, diện tích trung bình căn hộ 18-20 m2, xây dựng năm 1987 nhưng tình trạng cơi nới, lấn chiếm đã khiến tập thể này xuống cấp nghiêm trọng.
Thúc công tác lập quy hoạch
Liên quan tình hình triển khai Đề án và các Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, UBND TP Hà Nội mới đây yêu cầu các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ công tác nghiên cứu, trình duyệt quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, làm cơ sở để triển khai các nội dung khác theo quy trình, quy định.
Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND quận Ba Đình hoàn thành việc trình duyệt quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể: Thành Công, Ngọc Khánh, Giảng Võ trong tháng 12/2024; khẩn trương nghiên cứu, trình duyệt Tổng mặt bằng cải tạo, xây dựng lại Tập thể Bộ Tư pháp và nghiên cứu phương án quy gom các chung cư độc lập, đơn lẻ vào Quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ trên địa bàn quận.
UBND quận Đống Đa khẩn trương trình duyệt Quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Hào Nam trong Quý I/2025; hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại Nhà chung cư số 51 Huỳnh Thúc Kháng trong tháng 12/2024.
Quận Đống Đa là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch – Kiến trúc, Xây dựng nghiên cứu chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, đề xuất phương án cải tạo, xây dựng lại tập thể số 60 Thổ Quan, quận Đống Đa trong tháng 12/2024, đảm bảo khả thi, nhanh chóng.
UBND quận Thanh Xuân được giao nhiệm vụ lập Quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể: Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam. UBND quận Cầu Giấy khẩn trương trình duyệt quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại Khu tập thể Nghĩa Tân trong tháng 12/2024.
UBND các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng khẩn trương thực hiện công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn; Quận Hoàn Kiếm trình duyệt Đề án quy gom các chung cư độc lập, đơn lẻ trong tháng 12/2024; Quận Hai Bà Trưng nghiên cứu, đề xuất phương án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư số 33 Nguyễn Bỉnh Khiêm trên cơ sở xây dựng Đề án quy gom, hoán đổi phù hợp, hoặc thực hiện phương án quy gom các chung cư độc lập, đơn lẻ vào khu vực thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ.
TP Hà Nội có hơn 1.500 nhà chung cư cũ, bao gồm gần 1.300 nhà thuộc 76 khu chung cư. Ngoài ra, thành phố còn có 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ những năm 1960 - 1994 và trước năm 1954. Từ năm 2005, Hà Nội bắt đầu cải tạo các khu chung cư cũ nhưng do nhiều bất cập, vướng mắc nên đến nay số dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng chỉ chiếm hơn 1%.