Máy bay va chạm với chim trời có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 14:08, 30/12/2024
Sáng 29/12, máy bay của hãng hàng không Jeju Air (Hàn Quốc) gặp nạn khi thực hiện hạ cánh bằng bụng, trượt khỏi đường băng, đâm vào hàng rào và bốc cháy tại sân bay quốc tế Muan, Hàn Quốc. Hậu quả, 179 người được xác nhận đã tử nạn trong tổng số 181 hành khách và thành viên phi hành đoàn.
Đây là tai nạn hàng không nghiêm trọng nhất trên lãnh thổ Hàn Quốc kể từ năm 1993, sau thảm kịch xảy ra với máy bay của Hãng Asiana Airlines.
Hiện các nhà điều tra đang xem xét khả năng máy bay va phải chim và điều kiện thời tiết là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc này.
Trong diễn biến khác, các báo cáo của ngành hàng không cho thấy mỗi năm có hàng nghìn con chim bay quá gần gây va chạm với máy bay. Tại sân bay Nội Bài, tính đến đầu tháng 9 cũng ghi nhận 16 vụ máy bay va phải chim. Còn ở Mỹ, thống kê trong năm 2019, Cục Hàng không Liên bang (FAA) cho biết có hơn 17.000 vụ va chạm giữa chim và máy bay bên cạnh hàng ngàn vụ tai nạn khác chưa được báo cáo trên khắp thế giới.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Phạm Ngọc Sáu, chuyên gia hàng không cho biết, va chạm giữa máy bay và chim trời là một nguy cơ không thể tránh khỏi trong ngành hàng không, có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho máy bay và đe dọa an toàn bay.
Theo các chuyên gia, về lý thuyết các máy bay lớn vẫn có thể tiếp tục bay sau khi va chạm với chim nặng tối đa 2kg. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, khi chim va phải máy bay, chúng có thể bị hút vào động cơ và làm gãy cánh quạt.
Sau khi cánh quạt gãy bị hút sâu vào bên trong động cơ và làm hỏng các bộ phận khác. Chênh lệch tốc độ giữa máy bay và chim càng lớn thì tác động của vụ va chạm đối với máy bay càng đáng sợ. Một đàn chim sẽ trở nên nguy hiểm hơn nếu chúng đâm vào máy bay nhiều lần.
Để giảm thiểu nguy cơ này, ông Phạm Ngọc Sáu cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư. Chính quyền địa phương nên tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại của việc nuôi chim gần sân bay, đồng thời hạn chế các nguồn thức ăn thu hút chim như nuôi thả tôm cá ở ao, hồ, đầm hai đầu đường cất hạ cánh.
“Trong khu vực sân bay, người khai thác cần tuân thủ nghiêm ngặt sổ tay hướng dẫn kiểm soát chim và động vật hoang dã. Các biện pháp như cắt cỏ khu bay, dùng lưới phủ hồ nước, và sử dụng thiết bị xua đuổi chim bằng âm thanh hoặc hình ảnh nên được triển khai thường xuyên. Tuy nhiên, do chim có thể quen với các biện pháp xua đuổi, cần không ngừng nghiên cứu và áp dụng các giải pháp tối ưu hơn để đảm bảo an toàn cho chuyến bay.
Khi tần suất va chạm tăng hoặc vượt ngưỡng cho phép, các biện pháp bổ sung cần được thực hiện ngay lập tức. Đây không chỉ là trách nhiệm của các nhà khai thác sân bay mà còn là sự đóng góp cần thiết của toàn cộng đồng để bảo vệ an toàn cho các chuyến bay”, ông Sáu thông tin.
Hiện nay, việc kiểm soát chim và động vật hoang dã tại các sân bay ở Việt Nam được triển khai rất tốt và bài bản, được Cục Hàng không Việt Nam kiểm soát rất chặt chẽ. Chính quyền các địa phương quanh sân bay cũng nhận thức được rủi ro khi va chạm với chim trời, nên thường phối hợp rất tốt trong việc tuyên truyền về an toàn hàng không. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng vừa gửi thư chia buồn sau vụ máy bay của hãng hàng không Jeju Air- Hàn Quốc chở 175 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn đang trở về từ Thái Lan, gặp nạn khi hạ cánh. Cục Hàng không Việt Nam và cá nhân Cục trưởng gửi lời chia buồn sâu sắc tới Cơ quan Hàng không Dân dụng Hàn Quốc, các đồng nghiệp, cũng như gia đình và bạn bè của những người xấu số trong vụ tai nạn đáng tiếc này. “Cục Hàng không Việt Nam xin trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ từ Cơ quan Hàng không Dân dụng Hàn Quốc trong suốt thời gian qua. Với tư cách là người bạn đồng hành, xin được gửi đến quý cơ quan và Hãng hàng không Jeju Air lời chia sẻ chân thành nhất trong thời điểm khó khăn này. Chúng tôi hy vọng quý cơ quan và Hãng hàng không Jeju Air sẽ vượt qua mọi khó khăn và nhanh chóng hồi phục sau vụ tai nạn”, thư chia buồn viết.