Điểm tin Kinh doanh 31/12: Giá vàng: Vàng miếng và vàng nhẫn giảm nhẹ, thị trường trầm lắng

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 31/12/2024

Nam Long, Novaland chi hàng nghìn tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn; Giao dịch sôi động cổ phiếu ngân hàng, khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 400 tỷ đồng trong phiên 30/12
anh-chup-man-hinh-2024-04-20-luc-09-21-30.png

- Giá vàng: Vàng miếng và vàng nhẫn giảm nhẹ, thị trường trầm lắng

Giá vàng thế giới hôm 30/12 nhích nhẹ lên 2.621,7 USD/ounce khi thị trường trầm lắng vào những ngày cuối năm. Trong nước, giá vàng miếng SJC giảm nhẹ, giao dịch ở mức 84,5 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn SJC giao dịch ở mức 84,3 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường trong nước, sáng đầu tuần, giá vàng các thương hiệu điều chỉnh giảm 200.000 đồng/lượng với cả vàng miếng và vàng nhẫn, sau khi tăng gần 1 triệu đồng tuần trước.

Cụ thể, tại thời điểm 10 giờ ngày 30/12, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào-bán ra ở mức 82,5-84,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn SJC 9999 chốt tuần mua vào 82,5 triệu đồng/lượng, bán ra 84,3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng DOJI tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mua vào ở mức 82,5 triệu đồng/lượng và bán ra 84,5 triệu đồng/lượng. Thương hiệu này niêm yết giá vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 mua vào-bán ra ở mức 83,3-84,3 triệu đồng/lượng.

Vàng PNJ chốt tuần mua vào ở mức 83,6 triệu đồng/lượng và bán ra mức 84,5 triệu đồng/lượng.

Tính đến 13 giờ ngày 30/12 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới tăng nhẹ 1,4 USD so kết phiên hôm trước xuống mức 2.621,7 USD/ounce.

Tuần trước, giá vàng thế giới giao dịch trầm lắng, giá được giới hạn ở mức 2.650 USD. Tuần này, thị trường sẽ đóng cửa vào giữa tuần (ngày 1/1) để chào đón Tết dương lịch. Các chuyên gia tập trung những bữa tiệc năm mới bên người gia đình thay vì theo dõi thị trường tài chính. Dự báo, thị trường vàng sẽ tiếp tục biến động trong phạm vi hẹp với khối lượng giao dịch thấp.

Dù kết thúc năm ở vùng 2.600 USD/ounce, giá vàng cũng đã có một năm tuyệt vời khi tăng từ mốc 1.920 USD/ounce lên mốc đỉnh 2.790 USD/ounce (tăng khoảng 40%) trước khi biến động chững lại ở hiện tại.

Về biến động của giá vàng trong năm 2025, Fawad Razaqzada, nhà phân tích thị trường của City Index cho rằng, dù đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cao hơn có thể đem đến những tác động bất lợi cho vàng, nhưng vẫn có một số yếu tố hỗ trợ giúp kim loại quý này đạt mức 3.000 USD/ounce.

Chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures Daniel Pavilonis dự đoán, giá vàng có thể vượt mức 3.000 USD/ounce vào năm tới khi nhu cầu của các ngân hàng Trung ương vẫn còn đó.

Theo hầu hết các chuyên gia, những thay đổi lớn về kinh tế vĩ mô và rủi ro địa chính trị gia tăng sẽ đóng vai trò mấu chốt trong việc xác định quỹ đạo của vàng vào năm 2025. Hơn nữa, các ngân hàng Trung ương trên thế giới sẽ tiếp tục xu hướng bổ sung kim loại quý này vào kho dự trữ trong năm tới sẽ tiếp lực đẩy cho kim loại quý này trong năm 2025.

Sáng 30/12, Chỉ số USD-Index ở mức 107,99 điểm; lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức cao nhất 7 tháng, 4,628%; chứng khoán Mỹ giảm điểm; giá dầu thế giới giảm nhẹ, giao dịch ở mức 73,83 USD/thùng đối với dầu Brent và 70,64 USD/thùng với dầu WTI.

- Nam Long, Novaland chi hàng nghìn tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn

Nam Long vừa mua lại toàn bộ hai lô trái phiếu có giá trị 1.000 tỷ đồng, trong khi Novaland dự kiến chi tới 7.000 tỷ đồng cho hoạt động này.

Thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Đầu tư Nam Long (mã NLG) cho biết vừa mua lại toàn bộ hai lô trái phiếu NLGH2229001 và NLGH2229002 với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng. Hai lô trái phiếu này được phát hành vào tháng 6 và tháng 12/2022, có kỳ hạn tối đa 7 năm.

Trước đó, vào cuối tháng 11/2024, Nam Long đã hoàn tất việc phát hành lô trái phiếu trị giá 1.000 tỷ đồng với kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn vào ngày 28/11/2027, lãi suất 10,11%/năm. Tài sản đảm bảo của lô trái phiếu là 78,6 triệu cổ phần của CTCP Nam Long VCD có giá trị 2.000 tỷ đồng.

Mục đích Nam Long huy động trái phiếu chính là để tất toán hai lô trái phiếu mã NLGH2229001 và NLGH2229002.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2024, Nam Long có vay nợ tài chính gần 6.600 tỷ đồng, chiếm 22% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ trái phiếu ghi nhận hơn 3.600 tỷ đồng. Trái chủ sở hữu hai lô trái phiếu trị giá 1.000 tỷ đồng trên là International Finance Corporation (IFC), thành viên của World Bank Group (WBG).

Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã NVL) cũng mới công bố sẽ mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị tối đa lên tới 7.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, việc mua lại sẽ diễn ra từ ngày 27/12/2024 đến 30/1/2025 theo hình thức thỏa thuận giữa tập đoàn và các chủ sở hữu trái phiếu. Giá mua lại được tính bằng 100% mệnh giá, cộng thêm tiền lãi phát sinh tính đến ngày giao dịch.

7.000 tỷ đồng nợ trái phiếu sắp được Novaland mua lại trước hạn thuộc 21 lô trái phiếu có giá trị từ 100 tỷ đồng đến 480 tỷ đồng, phát hành trong năm 2020. Ban đầu, các trái phiếu này có thời hạn 36 tháng, sau đó được đàm phán để gia hạn sang 60 tháng và sẽ bắt đầu đến hạn thanh toán gốc vào tháng 6/2025.

Ngoài Nam Long, Novaland, gần đây một số công ty bất động sản khác cũng chi tiền mua lại trái phiếu trước hạn. CTCP Đầu tư và kinh doanh bất động sản Hải Phát (Hải Phát Land), ngày 10/12 vừa qua, đã hoàn tất mua lại toàn bộ lô trái phiếu mã HPLCH2124001 với giá trị còn lưu hành là 390 tỷ đồng.

Lô trái phiếu này phát hành ngày 1/9/2021 với giá trị phát hành là 400 tỷ đồng. Ban đầu lô trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm nhưng đến tháng 2/2024, Hải Phát Land đã được trái chủ chấp thuận kéo dài thời hạn thành 5 năm đồng thời điều chỉnh lãi suất trái phiếu. Với việc tất toán lô trái phiếu này, Hải Phát Land không còn ghi nhận dư nợ trái phiếu.

HĐQT Tập đoàn Bamboo Capital (mã BCG), ngày 26/12 vừa qua, phê duyệt phương án mua lại toàn bộ trái phiếu BCG122006 trước hạn. Đây là lô trái phiếu phát hành ngày 20/1/2022 có tổng giá trị 500 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, tức đáo hạn vào 20/1/2027. Bamboo Capital dự kiến thời gian tổ chức mua lại là 20/1/2025, tức trước hạn 2 năm.

- Đồng USD tiếp tục mạnh lên nhờ lợi suất trái phiếu Mỹ tăng

Giá trị đồng yen Nhật Bản so với đồng USD đã rơi xuống mức thấp nhất của 5 tháng, do áp lực từ lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao, tạo đà cho đồng USD mạnh lên. Trong phiên giao dịch 30/12, tỷ giá yen/USD ở mức 157,82 yen/USD, gần ngưỡng có thể dẫn tới sự can thiệp từ các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản.

Cùng ngày, đồng euro đứng ở ngưỡng 1 euro đổi 1,0429 USD, rất gần mức “đáy” 1,05 euro/USD ghi nhận hôm 14/11. Theo tính toán của các nhà quan sát, đồng euro đang hướng tới mức giảm khoảng 5,5% so với đồng USD trong cả năm 2024.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng là động lực chính hỗ trợ đồng USD tăng giá. Tuần trước, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đạt mức cao nhất trong hơn 7 tháng và hiện dao động quanh mức 4,625%.

Chỉ số đồng USD so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ quốc tế đang ở mức 107,99 điểm. Tính chung trong cả tháng 12, chỉ số đồng USD ước tăng 2,3%, nâng tổng mức tăng của cả năm lên khoảng 6,6%.

Đáng chú ý, đồng USD đã tăng giá liên tiếp trong ba tháng gần đây, nhờ kỳ vọng rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ điều chỉnh chính sách kinh tế, như nới lỏng quy định, cắt giảm thuế, tăng thuế quan và siết chặt nhập cư. Động thái chính sách của ông Trump có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ, làm tăng lạm phát, đồng thời giữ cho lợi suất trái phiếu quốc gia duy trì ở mức cao.

khach-hang-chon-mua-thuy-hai-san-tuoi-ngon-tai-he-thong-co.opmart.jpg

- Giao dịch sôi động cổ phiếu ngân hàng, khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 400 tỷ đồng trong phiên 30/12

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn giao dịch tích cực trong phiên đảo chiều điều chỉnh ngày 30/12 khi tiếp tục mua ròng gần 400 tỷ đồng, với tâm điểm mua bán là các cổ phiếu ngân hàng.

Trên sàn giao dịch HOSE, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 48,13 triệu đơn vị, tổng giá trị 1.468,45 tỷ đồng, giảm 17,1% về khối lượng và 19,58% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (ngày 27/12).

Ở chiều ngược lại, khối này bán ra 39,44 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.109,12 tỷ đồng, tăng 9% về khối lượng nhưng giảm 8,22% về giá trị so với phiên trước.

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 8,69 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 359,33 tỷ đồng, giảm 60,3% về lượng và 41,8% về giá trị so với phiên trước đó.

Hôm nay, khối ngoại mua ròng mạnh cổ phiếu CTG với giá trị đạt 60,84 tỷ đồng, tương đương khối lượng mua ròng đạt gần 1,6 triệu đơn vị. Tuy nhiên, PDR là mã dẫn đầu danh mục mua ròng mạnh về khối lượng, đạt 2,66 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 55,5 tỷ đồng.

Trái lại, khối này bán ròng mạnh nhất cổ phiếu TCB với khối lượng hơn 1,68 triệu đơn vị, giá trị bán ròng đạt 41,26 tỷ đồng.

Trên sàn giao dịch HNX, khối ngoại mua vào 1,31 triệu đơn vị, giá trị đạt 35,44 tỷ đồng, giảm 40,75% về lượng và 56,8% về giá trị so với phiên trước.

Ở chiều ngược lại, khối này bán ra 1,52 triệu đơn vị, giá trị bán ra đạt 29,61 tỷ đồng, giảm 17,75% về lượng và 35,4% về giá trị so với phiên trước.

Do đó, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 212.620 đơn vị, trong khi phiên trước đó mua ròng 360.540 đơn vị; tổng giá trị mua ròng đạt 5,83 tỷ đồng, giảm 83,9% so với phiên trước.

Hôm nay, khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu PVS với khối lượng 237.780 đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 8,09 tỷ đồng. Tiếp theo là IDC được mua ròng 133.160 đơn vị, giá trị mua ròng đạt 7,42 tỷ đồng.

Mặt khác, cổ phiếu SHS bị bán ròng mạnh nhất với khối lượng 541.400 đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng đạt hơn 7 tỷ đồng.

Trên thị trường UPCoM, khối ngoại mua vào 409.730 đơn vị, giá trị mua vào đạt 50,27 tỷ đồng, giảm 81,73% về lượng và 73,57% về giá trị so với phiên trước.

Ngược lại, khối này bán ra 301.600 đơn vị, giá trị bán ra đạt 34,15 tỷ đồng, giảm 61,21% về lượng và 67,85% về giá trị so với phiên trước.

Do đó, khối ngoại đã mua ròng 108.130 đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt hơn 16,12 tỷ đồng, giảm 92,62% về lượng và 80,8% về giá trị so với phiên trước đó.

Cụ thể, khối ngoại mua ròng mạnh nhất MCH với khối lượng 107.600 đơn vị, giá trị mua ròng đạt 22,3 tỷ đồng; còn ACV bị bán ròng mạnh nhất với khối lượng 57.200 đơn vị, giá trị bán ròng đạt 6,96 tỷ đồng.

Tính chung trên toàn thị trường trong phiên 30/12, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 8,59 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 381,28 tỷ đồng, giảm 63,8% về lượng và giảm 48,3% về giá trị so với phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 27/12 (mua ròng 737,63 tỷ đồng).

- Lý do thịt heo đắt đỏ trước Tết

Từ hôm ngày 30/12, giá các mặt hàng thịt heo theo chương trình bình ổn thị trường ở TP.HCM sẽ áp dụng bảng giá mới, tăng 3.000-6.000 đồng/kg.

Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2024-2025 của TP.HCM đã đề xuất các ban, ngành điều chỉnh giá mặt hàng thịt heo do giá nguyên liệu đầu vào biến động.

Cụ thể, kể từ thời điểm điều chỉnh ngày 23/11 đến nay, giá heo hơi tăng liên tục trên cả nước. Tại khu vực miền Bắc, giá heo hơi ở mức 67.000-69.000 đồng/kg; miền Trung - Tây Nguyên khoảng 64.000-68.000 đồng/kg; miền Nam 63.000-67.000 đồng/kg; nhìn chung tăng 1.000-5.000 đồng/kg tùy khu vực.

Giá thịt heo tăng do nhu cầu gia tăng giai đoạn cuối năm. Sát Tết Nguyên đán, lượng tiêu thụ thịt heo tăng mạnh, đặc biệt tại các đô thị lớn. Các đơn vị sản xuât thực phẩm đẩy mạnh thu mua nguyên liệu để sản xuất sản phẩm chế biến phục vụ người dân trong dịp Tết.

Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi diễn ra phức tạp trên cả nước đã tác động đến tâm lý của người chăn nuôi, dẫn đến tình trạng một lượng lớn heo nhỏ bán chạy dịch ra thị trường. Kết hợp xu hướng giảm đàn ở một số doanh nghiệp lớn, nguồn cung heo đủ trọng lượng xuất chuồng đang thiếu hụt.

Ngoài ra, giá thức ăn chăn nuôi, vận chuyển và các dịch vụ khác tăng, làm giá thành sản phẩm bị đẩy lên.

Chưa kể, việc nhập khẩu heo từ Campuchia hiện vẫn chưa được thông suốt, dẫn đến nhu cầu heo nội địa tăng cao.

Việt Báo (Tổng hợp)