Quân sự thế giới hôm nay (30-12-2024): Thông số kỹ thuật của tiêm kích tàng hình J-36
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 07:02, 30/12/2024
Thông số kỹ thuật của tiêm kích tàng hình J-36
Theo các phân tích của Army Recognition, thông tin chi tiết về tính năng kỹ thuật của tiêm kích tàng hình J-36, loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 được phát triển bởi Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô (CAIC) của Trung Quốc, đã được hé lộ.
Tiêm kích tàng hình J-36 của Trung Quốc. Ảnh: Army Recognition |
Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của J-36 được thực hiện hôm 26-12-2024 ở khu vực Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Các video do người dân sống ở khu vực đó quay lại được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy tiêm kích J-36 nổi bật với thiết kế không đuôi và cánh hình tam giác, một thiết kế mang tính đột phá, khác xa so với các mẫu tiêm kích truyền thống. Thiết kế này loại bỏ các cánh ổn định đứng, giúp giảm đáng kể diện tích phản xạ radar và tăng khả năng tàng hình của máy bay.
J-36 được trang bị hệ thống kiểm soát bay tiên tiến (fly-by-wire), giúp thay thế phương pháp ổn định truyền thống bằng các cánh đuôi do máy tính hỗ trợ. Điều này không chỉ đảm bảo độ ổn định và khả năng cơ động mà còn giảm lực cản, cải thiện hiệu suất nhiên liệu và tầm hoạt động của máy bay. Kiểu dáng cánh tam giác giúp J-36 linh hoạt khi bay ở tốc độ cao.
Máy bay được thiết kế với các cửa hút khí nằm trên thân và hai bên hông, cho thấy máy bay sử dụng tới ba động cơ. Các động cơ ACE này không chỉ tăng cường lực đẩy và khả năng cơ động mà còn cho phép máy bay mang tải trọng lớn hơn. J-36 có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2.5 (khoảng 3.000km/giờ).
Tiêm kích J-36 có kích thước ấn tượng, với chiều dài 22,5m, sải cánh 24m và diện tích cánh 248m². Kích thước lớn hơn so với các tiêm kích thế hệ thứ 5 cho phép máy bay thiết kế nhiều khoang chứa vũ khí và gắn các thiết bị điện tử tối tân hơn. Trọng lượng cất cánh tối đa của tiêm kích J-36 là 55 tấn, cho phép nó mang theo nhiên liệu bổ sung cho các nhiệm vụ tầm xa. Tầm hoạt động của J-36 ước tính khoảng 3.000km.
J-36 được trang bị động cơ WS thế hệ mới, có thể là phiên bản nâng cấp của WS-19, với lực đẩy mạnh mẽ và hiệu suất sử dụng nhiên liệu cao. Điều này giúp J-36 đảm nhận được nhiều nhiệm vụ, từ giành ưu thế trên không đến tấn công chính xác vào các mục tiêu mặt đất và hải quân.
Khả năng tàng hình là yếu tố cốt lõi của J-36. Máy bay được thiết kế để giảm thiểu khả năng bị radar phát hiện nhờ sử dụng vật liệu hấp thụ sóng radar và thiết kế đặc biệt. Các bề mặt trơn nhẵn và góc cạnh của máy bay được thiết kế đồng bộ để giảm khả năng bị theo dõi trong môi trường tác chiến phức tạp.
J-36 được trang bị radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA), giúp phát hiện và theo dõi mục tiêu từ khoảng cách xa. Hệ thống ngắm bắn quang điện tử (EOTS) giúp tấn công chính xác các mục tiêu cả trên không và dưới mặt đất. Ngoài ra, hệ thống tác chiến điện tử hiện đại giúp máy bay chống lại các biện pháp tác chiến điện tử của đối phương.
J-36 có thể mang theo vũ khí trong các khoang kín để hỗ trợ khả năng tàng hình. Khoang vũ khí này có thể chứa nhiều loại tên lửa cho cả nhiệm vụ không đối không và không đối đất. Hệ thống vũ khí dự kiến bao gồm 2 tên lửa chống hạm YJ-12 và 4 tên lửa không đối không tầm xa PL-15. Ngoài ra, J-36 có thể mang 8 tên lửa PL-17, loại vũ khí tiên tiến có khả năng tấn công các mục tiêu có giá trị cao như máy bay cảnh báo sớm hoặc máy bay tiếp nhiên liệu trên không.
Ukraine tiếp nhận 24 tên lửa Sea Sparrow từ Hy Lạp
Ngày 28-12-2024, tờ Kathimerini của Hy Lạp đưa tin nước này đã đồng ý bàn giao 24 tên lửa RIM-7 Sea Sparrow do Mỹ sản xuất cho Ukraine.
Hệ thống tên lửa Sea Sparrow. (Bộ Quốc phòng Mỹ) |
Theo các nguồn tin từ Ukraine, tên lửa Sea Sparrow sẽ được tích hợp vào hệ thống tên lửa phòng không Buk có từ thời Liên Xô của nước này. Các hệ thống tên lửa phòng không Buk hiện đang được nâng cấp thông qua chương trình FrankenSAM, đảm bảo năng lực phóng được tên lửa Sea Sparrow và AIM-9L/I-1 Sidewinder.
Tên lửa Sea Sparrow, được phát triển bởi Tập đoàn Raytheon của Mỹ, đã trở thành một vũ khí quan trọng trong hệ thống phòng không hải quân suốt nhiều thập kỷ. Được phát triển vào những năm 1960 cho Hải quân Mỹ, Sea Sparrow sau đó được cải tiến liên tục để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của chiến tranh hiện đại. Tên lửa này hiện được triển khai trên các hệ thống phòng không cả trên đất liền và trên biển ở nhiều quốc gia.
Sea Sparrow là loại tên lửa phòng không tầm ngắn được thiết kế để đánh chặn và tiêu diệt các mối đe dọa từ trên không. Với hệ thống dẫn đường radar bán chủ động, Sea Sparrow có khả năng khóa và theo dõi mục tiêu hiệu quả. Tầm bắn của tên lửa đạt tới 40km, giúp nó tiêu diệt các mục tiêu tốc độ cao như tên lửa hành trình, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái (UAV). Tên lửa có thể đạt tốc độ vượt Mach 2.2 (hơn 2.500 km/giờ). Đầu đạn nổ phân mảnh của Sea Sparrow được thiết kế để phá hủy các tên lửa hoặc máy bay địch khi va chạm.
Công ty quốc phòng Baykar (Thổ Nhĩ Kỳ) mua lại Piaggio Aerospace (Italy)
Ngày 28-12-2024, Chính phủ Italy đã phê duyệt việc Baykar, một công ty quốc phòng chuyên về máy bay không người lái (UAV) của Thổ Nhĩ Kỳ, mua lại Piaggio Aerospace, công ty chuyên sản xuất và bảo trì máy bay và động cơ máy bay cho cả lĩnh vực dân sự và quân sự của Italy.
Máy bay chiến đấu không người lái Bayraktar TB2 do Công ty quốc phòng Baykar sản xuất. Ảnh: The Defense Post |
Theo thông báo của Bộ Doanh nghiệp Italy, các ủy viên phụ trách quản lý Piaggio Aerospace đã lựa chọn Baykar từ ba nhà thầu quốc tế. Lời đề nghị của Baykar được đánh giá là “phù hợp nhất để đảm bảo lợi ích của người lao động cũng như các chủ nợ của Piaggio Aero và Piaggio Aviation, đồng thời mang đến triển vọng phát triển mới của tập đoàn”.
Không có con số chính xác về giá trị thương vụ, nhưng Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp Italy Adolfo Urso cho biết: “Sau 6 năm chờ đợi, chúng tôi đang mang lại một tương lai mới cho Piaggio Aerospace - một tài sản chiến lược của đất nước”. Ông khẳng định thỏa thuận này sẽ tạo việc làm và mang lại “triển vọng hoạt động lâu dài” cho công ty.
Về phần mình, Hãng Baykar cho biết: “Với hợp đồng mua bán này, Baykar sẽ mở rộng ảnh hưởng tại thị trường hàng không châu Âu, đồng thời bảo tồn di sản lịch sử của Piaggio và tăng cường năng lực sản xuất của công ty”.
Piaggio Aerospace nổi tiếng với dòng máy bay phản lực hạng nhẹ P.180 Avanti được sử dụng cho mục đích kinh doanh và lưu hành trong Quân đội Italy. Công ty đã gặp khó khăn tài chính và bị đặt dưới sự quản lý nhà nước từ năm 2018. Tuy nhiên, trong 6 năm qua, công ty vẫn duy trì đầy đủ các hoạt động sản xuất.
Hợp đồng mua bán này được xem là bước ngoặt quan trọng với cả Baykar và Piaggio Aerospace, không chỉ giúp tái thiết công ty của Italy mà còn giúp hãng sản xuất UAV của Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng quy mô sản xuất và phát triển thị trường.
TRUNG THÀNH (tổng hợp)