Lời khai của những kẻ dùng 'nước kẹo' ủ gần 3.000 tấn giá đỗ

Pháp luật - Ngày đăng : 17:00, 29/12/2024

Biết "nước kẹo" 6-Benzylaminopurine dùng để ủ giá đỗ có khả năng gây dị tật nhưng chủ 6 cơ sở tại Đắk Lắk vẫn sử dụng, tuồn giá ra thị trường 8-10 tấn/ngày.

Ngày 29/12, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk thông tin về lời khai của 4 bị can trong vụ án gần 3.000 tấn giá đỗ ủ hóa chất 6-Benzylaminopurine được 6 cơ sở tại Đắk Lắk tuồn ra thị trường.

4 bị can đã bị khởi tố trong vụ án này gồm: Lâm Văn Đạo, Vũ Duy Tư, Nguyễn Văn Quynh, Nguyễn Văn Hảo đều bị bắt tạm giam về hành vi Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự.

Theo lời khai của các bị can mà Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk cung cấp, 4 kẻ này thường xuyên lên mạng xã hội để thông tin, liên lạc chuyện làm ăn và vào các nhóm như “Hội giá đỗ Miền Nam” và “Hội làm giá đỗ”. Trong 6 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột đã bị Phòng Cảnh sát kinh tế kiểm tra, thì có 2 cơ sở của bị can Lâm Văn Đạo và 2 cơ sở của bị can Vũ Duy Tư.

Tại cơ quan công an, Lâm Văn Đạo (34 tuổi, trú tại xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột), chủ của Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo (cơ sở Lâm Đạo) khai nhận, cơ sở bắt đầu làm giá đỗ nhỏ lẻ từ năm 2020.

Công an tỉnh Đắk Lắk lấy lời khai của Lâm Văn Đạo. (Ảnh: Công an cung cấp)
Công an tỉnh Đắk Lắk lấy lời khai của Lâm Văn Đạo. (Ảnh: Công an cung cấp)

Lâm Văn Đạo thừa nhận, “nước kẹo” (tức hoạt chất 6- Benzylaminopurine) gọi nôm na là thuốc diệt rễ để cho cây giá ít rễ và thân cây nó mập. Khi vào nghề thấy những người làm nghề đi trước dùng “nước kẹo” nên cũng tìm hiểu, rồi mua “nước kẹo” của một người ở TP.HCM về dùng.

Do thị trường cạnh tranh thì tôi mới dùng, chứ thị trường mà sạch hết với nhau, thì tôi cũng thích làm giá sạch cho nó nhàn”, Đạo khai với cơ quan chức năng.

Đối với việc nhập hàng vào Bách Hóa Xanh, Đạo khai bắt đầu nhập hàng cho siêu thị này từ tháng 5/2024 đến thời điểm bị công an bắt giữ. Để “hàng” vào được cửa hàng, Đạo đã đi in bao bì, có ghi hạn sử dụng 2 ngày và đóng gói giá đỗ chuyển vào Bách Hóa Xanh.

Ngày trước, họ đặt nhiều thì mình bỏ nhiều, còn đa số là cứ tầm 200-300 kg giá đỗ, có lúc hơn một tí...”, Lâm Văn Đạo khai.

Được biết, Đạo đang là chủ của 2 cơ sở sản xuất giá đỗ và cả 2 cơ sở này đều bị cơ quan công an phát hiện có dùng chất cấm để ngâm ủ giá đỗ.

Còn Vũ Duy Tư (33 tuổi, trú tại phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột) khai nhận, lúc đầu, Tư thuê 1 người tên T., người này có chỉ dạy Tư cách làm giá đỗ, chỉ phương thức mua “kẹo”, mua đậu, mua tất cả đồ nghề về làm giá.

Vũ Duy Tư tại cơ quan công an. (Ảnh: Công an cung cấp).
Vũ Duy Tư tại cơ quan công an. (Ảnh: Công an cung cấp).

"Sau này họ nghỉ, thì tôi không còn liên lạc với chỗ cũ nữa. Xong, tôi lên mạng có người giới thiệu thì biết 1 người tên Th. ở Sài Gòn mua “kẹo” rồi gửi về Đắk Lắk. Mỗi lần, tôi mua tầm 2 đến 5 thùng về dùng dần. Mỗi ngày, tôi sản xuất tương đương hơn 2 tấn giá.

Bản thân biết “kẹo” này sử dụng sau 1 thời gian sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên, do ngoài chợ mối lái yêu cầu hàng như thế nào thì tôi sẽ làm hàng như thế, tôi còn bỏ cho các xe lấy hàng về các huyện. Tôi biết hành vi của mình là sai trái, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Tôi sản xuất giá đỗ vì theo yêu cầu mối lái khách hàng. Tôi mong được sự khoan hồng của pháp luật để em có cơ hội để tôi làm lại cuộc đời”, Vũ Duy Tư khai nhận.

Trong lời khai, các bị can đều biết rõ thứ "nước kẹo" tức hoạt chất 6-Benzylaminopurine này là Nhà nước quy định cấm sử dụng và khi đưa vào cơ thể sẽ gây nguy hại cho sức khỏe con người. Nhưng vì để tạo ra sản phẩm giá đỗ có hình thức đẹp, tăng trọng lượng, có lợi nhuận cao nhất, nên các vẫn sử dụng ngâm đề làm giá đỗ bán ra thị trường với quy mô rất lớn.

Trong 20.357 kg giá đỗ mà Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk đã thu giữ, thì toàn bộ đã được nhóm này ngâm hết với hoạt chất 6- Benzylaminopurine. Và nếu như 37 can nhựa với 135 lít dung dịch lỏng, trong suốt là hoạt chất cấm này không bị phát hiện, thì các đối tượng sẽ dùng ngâm để sản xuất và đưa ra thị trưởng khoảng 675 tấn giá thành phẩm với giá bán khoảng 18,7 tỷ đồng.

Riêng bị can Lâm Văn Đạo khai nhận cơ sở của mình đã ký hợp đồng bán giá đỗ cho Bách Hóa Xanh từ đầu tháng 5/2024 đến khi bị bắt và còn ghi trên bao bì đựng thứ giá đỗ này những nhãn mác ghi rất kêu, nào là “Vì sức khỏe của mọi người”, “không hóa chất”, “không chất kích thích”, “không chất bảo quản” để lừa dối người tiêu dùng.

Như VTC News đã thông tin trước đó, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố 4 vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 bị can để điều tra tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm vì đã sử dụng hoạt chất 6-Benzylaminopurine để ngâm, ủ giá đỗ.

Theo cơ quan công an, trong năm 2024, 6 cơ sở tại Đắk Lắk đã bán ra thị trường 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine, trung bình mỗi ngày 8-10 tấn. Số giá đỗ được bán chủ yếu cho chợ đầu mối Tân Hòa (thành phố Buôn Ma Thuột) để phân phối lại khắp tỉnh.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan công an đã thu giữ hơn 20 tấn giá đỗ đã được ủ hóa chất và 37 can nhựa chứa 135 lít hóa chất 6-Benzylaminopurine. Trong số này, có cơ sở Lâm Đạo ký hợp đồng bán 350-400kg giá đỗ mỗi ngày cho cửa hàng Bách Hóa Xanh.

Cơ sở Lâm Đạo đã được Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm ngày 22/4 và có giá trị đến 22/4/2027.

Tuệ Nhi