Viettel kiến nghị cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, mua các bí mật công nghệ
Cuộc sống số - Ngày đăng : 15:36, 29/12/2024
Viettel sẽ phủ sóng 5G trên toàn quốc vào năm 2028
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2025 của Bộ TT&TT tổ chức ngày 29/12/2025, ông Tào Đức Thắng nhấn mạnh, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương chính sách, chiến lược để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia một cách đồng bộ. Sự chỉ đạo quyết liệt này đã có kết quả: 70% thủ tục hành chính đã được cung cấp trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia; tỷ trọng kinh tế số trong GDP năm 2024 ước tính đạt 18,3%; tỷ lệ thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh trên toàn quốc đạt gần 90% và tỷ lệ số hộ gia đình có Internet cáp quang băng rộng đã đạt 83%.
Theo báo cáo mới nhất về chỉ số phát triển hạ tầng số (ICT Development Index) của ITU, Việt Nam đạt 85/100 điểm, đứng thứ 72/170 quốc gia trên thế giới và đứng thứ 5/11 trong ASEAN sau Singapore, Brunei, Malaysia và Thái Lan.
Với vai trò là doanh nghiệp tiên phong của ngành, thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia, Viettel xác định một số nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tắt mạng di động 2G, 3G; phủ sóng 5G đến 50% dân số Việt Nam, đến năm 2028, mạng 5G sẽ được phủ sóng trên toàn quốc.
Viettel sẽ phát triển mạnh mẽ hạ tầng Internet cáp quang đến hộ gia đình, mục tiêu đến năm 2030 sẵn sàng cung cấp dịch vụ băng rộng tốc độ Gb/s đến tất cả các hộ gia đình Việt Nam và triển khai, đưa vào sử dụng 4 tuyến cáp quang biển mới, trong đó có ít nhất một tuyến do Viettel làm chủ.
Chủ tịch Viettel cho hay, với đặc thù là lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia phát triển, trong giai đoạn 2025-2030, Viettel sẽ triển khai mới 11 Trung tâm dữ liệu quy mô lớn với tổng công suất dự kiến trên 350MW, chiếm trên 40% tổng công suất của các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Đặc biệt, Viettel sẽ hợp tác với NVIDIA triển khai hạ tầng Trung tâm dữ liệu quy mô lớn với máy chủ hiệu năng cao, phục vụ nhu cầu bùng nổ các ứng dụng AI với gần 800 siêu máy tính và 6000 card GPU.
Theo định hướng của Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam, Viettel đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ làm chủ 100% thiết kế và sản xuất các sản phẩm chip phục vụ Quốc phòng An ninh và một số loại chip chuyên dụng đột phá thế hệ mới như chip AI, chip IoT… Đồng thời, đưa vào vận hành nhà máy sản xuất chip bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao.
Viettel đưa 3 kiến nghị để tạo đột phá
Tại hội nghị, ông Tào Đức Thắng cho rằng, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã thể hiện quyết tâm, tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Đảng, Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, để đưa đất nước phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, để đưa Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, Viettel đã đưa ra 3 đề xuất để tạo đột phá.
Ông Tào Đức Thắng phân tích, Nghị quyết đã xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh phí cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, xấp xỉ 9 tỷ USD/năm. Đây là một khoản ngân sách lớn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam.
Theo quy định, hiện nay Viettel được trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế dành cho quỹ Khoa học Công nghệ và đã phát huy hiệu quả rất tốt. Thực tế trong vòng 10 năm từ 2015-2024, Viettel đã chi tổng cộng 11.500 tỷ đồng dành cho nghiên cứu phát triển công nghệ 5G, thiết bị quân sự rất hiệu quả. Vì vậy, Viettel đề xuất Đảng, Chính phủ có cơ chế để phân bổ sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách này, tập trung vào các công nghệ đóng vai trò nền tảng để thúc đẩy phát triển các thành phần của nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng an ninh như chip bán dẫn, vệ tinh, công nghiệp quốc phòng…
Chủ tịch Viettel phân tích, Nghị quyết đã đưa ra rất nhiều giải pháp về hoàn thiện, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây là chủ trương đột phá cho phép các doanh nghiệp nhà nước như Viettel mạnh dạn nghiên cứu thử nghiệm, làm chủ và đưa vào áp dụng các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có rủi ro thiệt hại về kinh tế do các nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, tính chất của hoạt động đầu tư mạo hiểm là có độ rủi ro cao, tỷ lệ thành công thấp, nhưng nếu thành công sẽ có lợi nhuận lớn, bù đắp được chi phí bỏ ra, thúc đẩy phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. Vì vậy, Viettel kiến nghị sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm tại doanh nghiệp theo các quy định của pháp luật.
Về cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua các bí mật công nghệ, công nghệ tiên tiến của nước ngoài, theo kinh nghiệm của Viettel, vướng mắc lớn nhất của việc tiếp cận và mua các bí mật công nghệ là đánh giá và xác định giá trị của các công nghệ này, do đây là các công nghệ đặc thù, độc quyền và rất khó tham chiếu, so sánh. Do vậy, Viettel kiến nghị cần có hướng dẫn về nguyên tắc đánh giá và xác định giá trị của công nghệ trong quá trình chuyển giao bí mật công nghệ tiên tiến của nước ngoài.
Ông Tào Đức Thắng cho hay, Nghị quyết đã đề cập đến giải pháp về hình thành quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược, trong đó ưu tiên các lĩnh vực quốc phòng, không gian, năng lượng, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn… Viettel kiến nghị sớm ban hành hướng dẫn để kịp thời triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đã đặt ra trong các Chiến lược bán dẫn quốc gia, Chiến lược về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng tuệ nhân tạo…
“Để thúc đẩy việc phát triển đột phá khoa học công nghệ, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam rất cần hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới. Trong quá trình hợp tác đó, để đạt được mục tiêu tiếp cận và làm chủ công nghệ, đôi khi sẽ có những chính sách hợp tác có lợi ích trước mắt cho đối tác dẫn đến mâu thuẫn với một số quy định, ví dụ như các thỏa thuận cung cấp dịch vụ với giá ưu đãi dưới mức giá thành trong giai đoạn hợp tác ban đầu. Viettel kiến nghị sớm ban hành hướng dẫn về cơ chế chính sách, cho phép doanh nghiệp nhà nước hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới để phát triển khoa học công nghệ, chấp nhận từ bỏ một số lợi ích ngắn hạn để hướng tới các lợi ích lâu dài”, ông Tào Đức Thắng nói.