Giá điện điều chỉnh 2 tháng/lần: Ổn không?

Kinh doanh - Ngày đăng : 11:02, 29/12/2024

Theo dự thảo nghị định mới, khi giá bán điện bình quân tăng từ 2% trở lên, thay vì 3% như hiện nay, thì EVN có thẩm quyền điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Một trong những điểm mới của dự thảo lần này là đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 3 tháng xuống 2 tháng/lần.

Tác động đến giá bán điện

Dự thảo nghị định quy định nếu giá bán điện bình quân tính toán thấp hơn từ 1% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm điều chỉnh giảm giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng.

Ngược lại, khi giá bán điện bình quân tăng từ 2% trở lên, thay vì 3% như hiện nay, so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, EVN có thẩm quyền điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện. Trong khi đó, thẩm quyền điều chỉnh giá của Bộ Công Thương giữ như hiện nay, khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 5% đến dưới 10%; tăng trên 10% sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Hiện nay, giá bán lẻ điện được thực hiện theo Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, có hiệu lực từ ngày 15-5-2024, với quy định 3 tháng/lần. Bộ Công Thương cho biết việc sửa đổi nguyên tắc về mức, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân để phù hợp với Luật Điện lực (sửa đổi) được Quốc hội thông qua cuối tháng 11 vừa qua.

Theo cơ quan soạn thảo, giá bán lẻ điện được phản ánh và điều chỉnh kịp thời theo biến động thực tế của thông số đầu vào, bù đắp chi phí hợp lý, hợp lệ với lợi nhuận hợp lý để bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ và cấp độ thị trường điện cạnh tranh; đồng thời phù hợp với chỉ đạo của Thường trực Chính phủ về việc "tránh giật cục" trong quá trình điều chỉnh giá điện, có thể điều chỉnh nhiều lần trong năm.

Biểu đồ giá bán lẻ điện được điều chỉnh từ năm 2009 đến nay. Đồ họa: LÊ THÚY
Biểu đồ giá bán lẻ điện được điều chỉnh từ năm 2009 đến nay. Đồ họa: LÊ THÚY

Vừa qua, quy định về thời gian điều hành đã rút ngắn từ 6 tháng xuống 3 tháng, song quá trình điều chỉnh giá điện vẫn chưa diễn ra như quy định. Quyết định số 05/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 15-5-2024, đến nay gần 7 tháng nhưng giá điện bán lẻ bình quân mới chỉ được điều chỉnh tăng 1 lần, vào giữa tháng 10 vừa qua.

Đại diện Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương lý giải việc điều hành giá điện là một mắt xích trong tổng thể chung điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Vì vậy, có một số thời điểm, để bảo đảm kinh tế vĩ mô và các cân đối khác nên phải giữ ổn định giá điện, dẫn đến giá điện chưa phản ánh đầy đủ biến động của chi phí (có xu hướng tăng so với giai đoạn trước đây).

Tuy nhiên, với quy định mới được cụ thể hóa tại Luật Điện lực (sửa đổi), sắp tới đây, Chính phủ sẽ ban hành nghị định nhằm nâng cao tính thực thi trong điều hành giá điện. Khi đó sự biến động của thông số đầu vào như giá nhiên liệu, cơ cấu sản lượng điện, tỉ giá ngoại tệ sẽ tác động đến việc tăng, giảm của giá bán điện bình quân.

Phải linh hoạt

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình đánh giá vừa qua, việc điều hành giá điện còn nhiều bất cập, như việc kìm giá không điều chỉnh trong một thời gian dài dẫn đến khi điều chỉnh là chỉ có tăng chứ không giảm. Do vậy, muốn tăng - giảm thì phải điều chỉnh nhiều lần. Tuy nhiên, ông nêu quan điểm nên giữ thời gian điều hành giá điện như hiện nay là 3 tháng/lần, nếu làm tốt vài năm thì mới tính tới lộ trình rút ngắn, thậm chí giá điện hoàn toàn có thể được điều hành như giá xăng dầu.

Cũng theo chuyên gia Đào Nhật Đình, trong điều hành giá điện, cần minh bạch chi phí sản xuất điện ở từng loại nguồn điện, từng khâu vận hành. Ông dẫn chứng ở Thái Lan, điện khí tự nhiên chiếm tỉ trọng lớn nên họ chốt cố định giá thành sản xuất điện; sau đó, cứ 3 tháng họp một lần để xem xét các yếu tố tăng - giảm của nguyên liệu đầu vào, từ đó mới điều chỉnh giá. Trong khi ở Việt Nam, chi phí sản xuất - kinh doanh điện thường công bố mỗi năm 1 lần nên nhiều người vẫn băn khoăn về tính minh bạch, hiệu quả kinh doanh của ngành điện, nhất là khi thị trường điện chưa cạnh tranh hoàn toàn.

Trong khi đó, ông Lê Trường Thủy, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Thủy điện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), cho rằng điều chỉnh giá điện phải linh hoạt theo thời điểm, mùa và khả năng tiêu thụ hoặc theo phụ tải. Thực tế, với nguồn thủy điện, nếu mưa nhiều, thủy điện nhiều nước, giá điện có thể điều chỉnh giảm; trong khi đó nắng nhiều, nhiệt điện phải phát liên tục hay phải huy động các nguồn điện chạy dầu đắt đỏ, giá điện bán lẻ cần tăng cao hơn để bù đắp chi phí.

Còn theo TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, để thực hiện lộ trình cải cách toàn bộ ngành điện với định hướng tiến tới mục tiêu Net Zero và phát triển bền vững của Việt Nam, việc đầu tiên là phải cải cách giá điện, trong trường hợp đó mới có được những định chế, nền tảng cơ bản để chuyển đổi, chuyển dịch năng lượng theo hướng đưa nhiều hơn nguồn điện "sạch, xanh" trong cơ cấu sản xuất điện.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, nguồn điện gió, điện mặt trời có những yếu tố thách thức rất lớn, như không ổn định, phụ thuộc thời tiết, biến động bất thường. Trong trường hợp này, vai trò của EVN là làm sao bảo đảm được nguồn điện khi có những yếu tố biến động hay những tác nhân không kiểm soát được để bảo đảm đáp ứng nhu cầu cấp thiết nhất và an sinh xã hội. "Còn những yếu tố khác liên quan đến kinh doanh phải để thị trường quyết định, để cho các doanh nghiệp tư nhân có cơ hội đàm phán, điều chỉnh giá. Rõ ràng, chúng ta hoàn toàn có thể bán điện cho người dân với những giờ khác nhau, giờ này có thể bán cao, giờ kia có thể bán thấp" - ông Sơn nói thêm.

EVN chỉ chiếm 36%-37% công suất lắp đặt của cả nước

Liên quan đến điều hành giá điện, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV EVN, cho biết nhiệm vụ của ngành điện là phải tiếp tục bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội ở tốc độ cao hơn và chuẩn bị cho năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Chủ tịch EVN cho hay: "Chúng tôi đã tính toán và được Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch tăng 12,2%, đây là con số rất thách thức và trước mắt sẽ phải vượt qua mùa khô năm 2025".

Cũng theo ông An, nhiệm vụ này một mình EVN không thể làm được vì EVN chỉ chiếm có 36%-37% công suất lắp đặt của cả nước, sản lượng còn lại là các doanh nghiệp, tập đoàn khác. Vì vậy, EVN mong muốn bên cạnh sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, sự tham gia hiệu quả trong vận hành thị trường điện của các doanh nghiệp trong ngành cũng rất quan trọng.

Mua bán điện trực tiếp không thông qua EVN còn vướng

Muốn giá điện theo cơ chế thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng cần sớm vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2004/NĐ-CP (ngày 3-7-2024) về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn được gần nửa năm nay, song quá trình triển khai trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn, như nguồn cung chưa đáp ứng được do quy mô điện mặt trời mái nhà đã đạt đến giới hạn Quy hoạch điện VIII dành cho cơ chế điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (2.600 MW), trong khi các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn cần thời gian để triển khai.

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình kiến nghị nên hỗ trợ các dự án lỡ giá FIT (giá ưu đãi) được tham gia vào cơ chế mua bán điện trực tiếp nhằm tận dụng nguồn cung. Cơ quan chức năng và bên mua - bên bán cần tháo gỡ những vướng mắc, rắc rối trong quá trình thực hiện thủ tục mua bán điện. Hiện nay, muốn mua điện trực tiếp không thông qua lưới điện quốc gia, doanh nghiệp phải xây dựng đường dây truyền tải bảo đảm có nguồn lực và tuân thủ quy hoạch.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận (BWEA), kiến nghị cần có quy định rõ ràng để các bên tham gia; khi đó 85 doanh nghiệp năng lượng tái tạo chuyển tiếp cũng có thể tính tới phương án tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp.