Hạ tầng số cho kỷ nguyên công nghệ
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 11:00, 29/12/2024
Việt Nam là quốc gia đầu tiên đưa khái niệm hạ tầng số vào luật
Chia sẻ về chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chuyển đổi số cần hạ tầng số. Hạ tầng số là hạ tầng chiến lược, giống như giao thông, điện. Hạ tầng luôn phải đi trước, đầu tư trước, có tầm nhìn xa, có khả năng mở rộng cho hàng chục năm.
Theo phân tích của Bộ trưởng Bộ TT&TT, hạ tầng số Việt Nam gồm: hạ tầng viễn thông, hạ tầng Internet, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng để số hoá thế giới thực (ví dụ như tạo ra một bản sao số về hệ thống thoát nước của TPHCM để sau đó có thể mô phỏng tìm ra giải pháp chống úng cho thành phố).
Hạ tầng số Việt Nam phải đảm bảo băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, thông minh, mở, xanh và an toàn. Hạ tầng viễn thông thì do doanh nghiệp đầu tư kinh doanh. Hạ tầng số với nhiều cấu phần phải đi trước để dẫn dắt thì cần cả sự đầu tư của Nhà nước.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đưa khái niệm hạ tầng số vào luật, thể hiện trong Luật Viễn thông năm 2023 có hiệu lực từ 1/7/2024.
Khái niệm hạ tầng số bao gồm: hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng tính toán và nhất là tính toán cho AI - hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng.
Hạ tầng chiến lược cho quốc gia
Hạ tầng kỹ thuật số được cho là “xương sống” của các quốc gia trong kỷ nguyên công nghệ, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông nhận định, hạ tầng số đã trở thành hạ tầng chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng số tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, mở ra cơ hội mới, không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp công nghệ, viễn thông.
Sự chuyển đổi này được thúc đẩy mạnh mẽ bằng các công nghệ số tiên tiến như trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, 5G và AI. Ðiều này không chỉ góp phần vào việc đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, giải quyết các bài toán Việt Nam, mà còn góp phần đưa Việt Nam phát triển bứt phá trong thời đại số.
Nhận thức được điều này, Bộ TT&TT đã ban hành Khung phát triển hạ tầng số, thiết lập một khuôn khổ rõ ràng để các doanh nghiệp xác định không gian phát triển mới.
Khung phát triển hạ tầng số bao gồm bốn thành phần chính là: hạ tầng viễn thông và Internet, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng vật lý số, hạ tầng tiện ích số và công nghệ số.
Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay, Internet tốc độ cao đóng vai trò quan trọng trong thế giới kết nối. Bộ TT&TT khuyến khích đầu tư mở rộng mạng cáp quang và đảm bảo truy cập Internet cho mọi hộ gia đình Việt Nam. Năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc triển khai 5G.
“Viettel, VNPT và MobiFone đã nhanh chóng triển khai thương mại hóa, chính thức cung cấp dịch vụ 5G. Có doanh nghiệp đã lên kế hoạch nâng số trạm 5G của mình đến 2025 đạt 50% số trạm 4G”, Cục trưởng Cục Viễn thông chia sẻ.
Trong khi đó, theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, giai đoạn năm 2008, Việt Nam đạt mốc 20 triệu người dùng Internet, chiếm khoảng 24% dân số. Ðến năm 2014, Việt Nam có hơn 40% dân số sử dụng Internet.
Nhưng số lượng người sử dụng Internet tại Việt Nam được dự báo sẽ liên tục tăng trong giai đoạn 2024-2029. Ước tính, Việt Nam sẽ có hơn 100 triệu người dùng Internet vào năm 2029.
Ðây chính là minh chứng cho sự phát triển mạnh về hạ tầng băng rộng của Việt Nam.
Cho đến thời điểm này, những doanh nghiệp như Viettel, VNPT, MobiFone đã đầu tư mạnh về hạ tầng số như xây dựng mạng cáp quang băng rộng, trung tâm dữ liệu, nhanh chóng xây dựng mạng 5G sau khi đấu thầu tần số.
Chia sẻ về tầm nhìn của Viettel, ông Tào Ðức Thắng, Chủ tịch Tập đoàn Viettel cho hay, từ khi chưa có gì trong tay, Viettel đã nuôi khát vọng “mỗi người dân Việt Nam có một chiếc điện thoại di động”.
Khát vọng đó thúc giục Viettel xây dựng hạ tầng viễn thông phủ khắp đất nước để phổ cập dịch vụ di động, biến di động từ dịch vụ xa xỉ trở thành thiết yếu.
Sau đó, Viettel tiếp tục khát vọng mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang băng thông rộng, mỗi người có một chiếc smartphone, Viettel cùng các doanh nghiệp viễn thông khác đưa Internet cáp quang đến 90% hộ gia đình Việt Nam.
Chiếc smartphone không chỉ là công cụ kết nối thông thường mà còn là phương tiện học tập, làm việc, giải trí và kiếm sống của người dân Việt Nam. Những mục tiêu ấy không nằm ngoài khát vọng tự chủ hạ tầng của Viettel.
Ngày 15/10/2024, Viettel khai trương mạng 5G đầu tiên và lớn nhất Việt Nam với hơn 6.500 trạm phát sóng với vùng phủ ngoài trời trên 90% khu vực thủ phủ 63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, trường học, sân bay, cảng biển…
Tháng 4/2024, Viettel khai trương Trung tâm dữ liệu thứ 14 và là trung tâm dữ liệu lớn bậc nhất Việt Nam hiện nay.
“Viettel đã sẵn sàng mọi điều kiện để cùng các doanh nghiệp Việt Nam làm bùng nổ dịch vụ điện toán đám mây, hiện thực hóa khát vọng mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi tổ chức, doanh nghiệp sẽ có nơi tính toán, lưu trữ trên đám mây một cách an toàn, linh hoạt và hiệu quả nhất”, ông Tào Ðức Thắng chia sẻ.