Tại sao ông Trump muốn Mỹ 'mở rộng' ra Panama, Greenland, Canada?
Tin thế giới - Ngày đăng : 21:23, 28/12/2024
Theo The Hill, tất cả đều cho thấy ông Trump đang tập trung vào việc mở rộng nước Mỹ bằng cách nào đó, mặc dù thật khó để biết mọi chuyện nghiêm túc đến mức nào.
Một số thành viên đảng Cộng hòa cho rằng Tổng thống đắc cử chỉ đang trêu đùa, trong khi những người khác cho rằng đây là vấn đề chiến lược liên quan đến việc thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Panama kiểm soát kênh đào nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương trong gần 25 năm. Ông Trump, trong khi đe dọa "giành lại kiểm soát" kênh đào, phàn nàn về việc các tàu Mỹ bị lấy "giá cắt cổ" khi đi qua đây, và cho rằng Mỹ đang “bị gạt ra ngoài".
Tổng thống Panama José Raúl Mulino bác bỏ tuyên bố của ông Trump, nhấn mạnh rằng giá cước vận chuyển qua kênh đào không được quyết định “theo ý thích”.
Chuyện ông Trump đòi mua Greenland cũng được xem là vấn đề an ninh quốc gia.
Bắc Cực là một khu vực trọng điểm đối với Mỹ khi cạnh tranh với các cường quốc khác, đặc biệt khi băng tan mở ra các tuyến đường vận chuyển mới. Greenland cũng rất giàu tài nguyên thiên nhiên.
Năm 2019, ông Trump từng cho biết việc mua Greenland, nơi tự quản nhưng thuộc sở hữu của Đan Mạch, là một điều thú vị “về mặt chiến lược”. Lúc bấy giờ, điều này gây ra phản ứng giận dữ của Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen.
Trong một bài đăng trên Truth Social thông báo việc chọn đại sứ tại Đan Mạch vào tuần trước, ông Trump lại tuyên bố rằng quyền sở hữu Greenland của Mỹ “là một điều tuyệt đối cần thiết”.
Lãnh đạo đảo Greenland, ông Múte Egede đáp lại rằng hòn đảo này "chưa bao giờ để bán" và Đan Mạch đã công bố chương trình mới nhằm tăng cường an ninh cho đảo.
“Ông ấy thực sự đang muốn nói gì? Có phải về việc khôi phục Học thuyết Monroe, rằng Mỹ kiểm soát Tây bán cầu hay không?”, chiến lược gia đảng Cộng hòa Ford O’Connell bình luận về những phát ngôn của ông Trump xung quanh Greenland, Canada và kênh đào Panama.
Còn việc ông Trump nói Thủ tướng Canada Justin Trudeau là "thống đốc Mỹ" có thể thực sự là trêu đùa ở một cấp độ nào đó. Nhưng những người theo dõi đảng Cộng hòa cho rằng tổng thống đắc cử cũng đang cố gắng giành được lợi thế trong các cuộc đàm phán thương mại với Canada.
Trước đó, ông Trump tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế 25% đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Canada cũng như Mexico, đồng thời cáo buộc cả hai nước không hành động đủ để ngăn chặn buôn bán ma túy và tội phạm xuyên biên giới.
Trong một bài viết vào ngày Giáng sinh, ông Trump gọi ông Trudeau là “thống đốc” và nói rằng thuế ở Canada “quá cao”, đồng thời tuyên bố nếu Canada trở thành tiểu bang thứ 51 ở Mỹ thì thuế sẽ bị cắt giảm. Ông cũng đề nghị vận động viên khúc côn cầu Wayne Gretzky nên tranh cử thủ tướng Canada, nói rằng vị trí này “sẽ sớm được biết đến với tư cách là Thống đốc Canada”.
Nhiều người ở Canada không thấy những nhận xét của ông Trump chỉ là đùa vui.
Ông Matthew Lebo, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Western Ontario và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học McGill, nói: “Thật đáng sợ khi ông ấy không thấy có vấn đề gì khi đưa ra những lời đe dọa như vậy đối với đồng minh thân cận nhất của Mỹ”.
Các nhà lãnh đạo Canada dường như cũng xem xét khá nghiêm túc những phản ứng này.
Sau những lời đe dọa về thuế quan của Tổng thống đắc cử Mỹ, ông Trudeau đã bay tới Mar-a-Lago, Florida để gặp ông Trump. Trong khi đó, Thủ hiến tỉnh Ontario (Canada) là Doug Ford đe dọa cắt nguồn cung cấp năng lượng cho Mỹ nếu ông Trump thực sự áp đặt thuế quan nghiêm trọng hơn đối với hàng xuất khẩu của Canada.
Ông Lebo bình luận thêm rằng một số nhà lãnh đạo Canada khác không chắc chắn về nhận xét của ông Trump.
Trong khi đó tại nước Mỹ, chiến lược gia đảng Dân chủ Antjuan Seawright cho rằng việc ông Trump tập trung vào ba khu vực kia "ở một mức độ nào đó là một chiến thuật đánh lạc hướng” khỏi sự hỗn loạn liên quan đến việc thông qua ngân sách chính phủ vào tuần trước.
Còn nhóm của ông Trump cho rằng chính các nhà lãnh đạo toàn cầu đang tìm đến ông vì sức ảnh hưởng ngày càng tăng.