Lâm Đồng đặt mục tiêu 100% địa bàn trọng điểm có dịch vụ 5G năm 2025

Cuộc sống số - Ngày đăng : 16:08, 28/12/2024

Năm 2025, Lâm Đồng đặt mục tiêu 100% các thành phố, huyện, khu công nghiệp, khu vực công cộng trọng điểm, các địa bàn phát triển du lịch, nhà ga, sân bay có dịch vụ di động 5G.

Vượt khó để phát triển hạ tầng viễn thông

Theo đại diện Sở TT&TT tỉnh Lâm Đồng, địa bàn tỉnh Lâm Đồng có diện tích tự nhiên rộng, dân cư thưa thớt, sống không tập trung, địa hình đồi núi; tỷ suất lợi nhuận đầu tư không cao, do đó các doanh nghiệp viễn thông gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông.

5Ganhminhoa
Năm 2025, Lâm Đồng sẽ phủ sóng 5G 100% tại các địa bàn trọng điểm. Ảnh minh hoạ: Mobifone

Bám sát Nghị quyết số 12 của tỉnh uỷ năm 2022 về chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngay từ đầu năm 2024, toàn ngành thông tin truyền thông Lâm Đồng đã tăng tốc đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng số với 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã được phủ sóng mạng băng rộng di động (3G/4G/5G); mạng băng rộng cố định (cáp quang FTTH) phủ đến 100% trung tâm cấp xã.

Hiện toàn tỉnh đã có 1.740 trạm thu phát sóng di động (BTS), trong đó triển khai được 117 trạm 5G. Người dân trong tỉnh đăng ký 1.809.382 thuê bao điện thoại di động, trong đó có 1.553.231 thuê bao sử dụng thiết bị điện thoại thông minh; chuẩn hóa 600.040/642.668 thông tin thuê bao theo căn cước công dân, đạt tỷ lệ 98,82%.

Tổng doanh thu lĩnh vực viễn thông năm 2024 ước đạt 2.550 tỷ đồng; nộp ngân sách ước đạt 103 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đại diện Sở TT&TT Lâm Đồng, để phủ sóng 100% hạ tầng viễn thông đến diện tích toàn tỉnh đòi hỏi nguồn lực lớn, cộng với gặp các khó khăn như trên, thời gian qua, Sở TT&TT đã cố gắng vận động các doanh nghiệp cân đối nguồn lực để có thể phủ sóng ở những khu vực thưa dân như trên đường đèo, một số vị trí trọng yếu, các khu vực điểm du lịch quan trọng và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, để nâng cao tỷ lệ phủ sóng rộng khắp.

Ngành thông tin và truyền thông Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025, mạng băng rộng cố định đáp ứng Quy chuẩn quốc gia (QCVN) về chất lượng dịch vụ với mục tiêu phổ cập được tới tất cả các thôn, tổ dân phố; bảo đảm 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu; với 90% người sử dụng có thể truy nhập Internet cố định, tốc độ trung bình 200 Mb/s; 90% các tổ chức kinh tế - xã hội như doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện, công sở tại khu vực thành thị có thể truy nhập Internet với tốc độ trung bình 1 Gb/s.

Mạng băng rộng di động đáp ứng Quy chuẩn quốc gia (QCVN) về chất lượng dịch vụ, đặt mục tiêu tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40 Mb/s cho mạng 4G và 100 Mb/s cho mạng 5G. 100% các thành phố, huyện, khu công nghiệp, khu vực công cộng trọng điểm, các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch, nhà ga, sân bay có dịch vụ di động 5G.

Bảo đảm an toàn thông tin là yếu tố then chốt trong chuyển đổi số

Bước vào giai đoạn chuyển đổi số, việc đảm bảo an toàn thông tin là yếu tố then chốt, dữ liệu đã trở thành một trong những tài sản quan trọng quý nhất của các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.

Trong bối cảnh các nguy cơ mất an toàn thông tin luôn thường trực, cán bộ, công chức ngành thông tin truyền thông Lâm Đồng đã tập trung duy trì vận hành thường xuyên, liên tục 24/24 Trung tâm Giám sát An toàn - An ninh mạng tập trung tỉnh (SOC) và nền tảng điều phối xử lý sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia, để giám sát, ngăn chặn các mối đe dọa và đảm bảo an toàn cho hệ thống thông tin của tỉnh.

Năm 2024, đã phát hiện kịp thời và ngăn chặn sự cố từ hơn 3 triệu cảnh báo mất an toàn thông tin từ các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh.

Đội ứng cứu xử lý sự cố mạng và máy tính tỉnh đã từng bước trưởng thành, hoạt động hiệu quả, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chỉ số an toàn thông tin, khẳng định vị thế của tỉnh trong việc đảm bảo an toàn thông tin mạng.

Thực hiện cảnh báo, kịp thời điều phối xử lý và khắc phục các sự cố, điểm yếu, lỗ hổng bảo mật, lộ lọt thông tin, giúp các đơn vị ngăn chặn và xử lý kịp thời các vấn đề mất an toàn thông tin.

Hỗ trợ kiểm tra, rà soát và tháo gỡ mã độc trong mạng nội bộ của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, qua đó nâng cao mức độ an toàn và bảo mật của hệ thống thông tin tại các cơ quan nhà nước.

Đội ứng cứu xử lý sự cố mạng và máy tính tỉnh tích cực tham gia các đợt diễn tập an toàn thông tin quốc tế và trong nước, đạt nhiều kết quả cao, như: Tham gia Diễn tập quốc tế APCERT năm 2024 xếp hạng thứ 9/98 đội; Diễn tập quốc tế ACID Singapore 2024 xếp hạng 27/104 đội.