"Trò chơi Con mực" mùa 2 bị phản ứng vì câu thoại về chiến tranh Việt Nam

Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 15:47, 27/12/2024

Chi tiết gây bức xúc nằm trong lời thoại của một nhân vật tự giới thiệu có bố từng tham chiến tại Việt Nam. Sau lời thoại đó, các nhân vật khác đã bày tỏ sự ngưỡng mộ và coi đây như một thành tích.
471783272-577630528232871-5287704154032957835-n.jpg
Một cảnh phim chứa lời thoại gây bức xúc cho khán giả tại Việt Nam. (Ảnh từ phim)

Vừa lên sóng chiều 26/12, "Squid Game" (Trò chơi Con mực) mùa 2 đã lập tức gây phản ứng vì cuộc hội thoại của các nhân vật liên quan đến chiến tranh tại Việt Nam.

Cụ thể trong tập 5, nhân vật Kang Dae-ho (do Kang Ha Neul thủ vai) khi kể về câu chuyện gia đình mình đã nói "Bố tôi từng tham chiến ở Việt Nam," nhân vật chính Gi-hun (Lee Jung-jae) lắng nghe và nhận xét "Bố cậu là người tuyệt vời," trong khi các nhân vật khác cũng bày tỏ sự thán phục.

Thêm vào đó, tên của cựu chiến binh kia còn có ngụ ý là "Đại hổ" theo lời giải thích của nhân vật trong phim.

Những chi tiết này lập tức gây phẫn nộ trong cộng đồng người xem phim tại Việt Nam. Trong giai đoạn từ 1964-1973, hàng trăm nghìn quân nhân Hàn Quốc với tư cách là đồng minh của Mỹ đã được gửi tới Việt Nam tham chiến.

Có những bài đăng còn chỉ ra sự liên kết giữa cái tên "Đại hổ," số báo danh của người chơi 388 (nhân vật nói câu thoại trên) với vụ thảm sát Gò Dài tại huyện Tây Sơn, Bình Định năm 1966.

Phía Cục Điện ảnh cho biết đã tiếp nhận thông tin và đang tiến hành xác minh tình hình. "Chúng tôi sẽ có phản hồi và kết luận chính thức sau khi xem xét, đánh giá kỹ lưỡng. Nếu phim 'Squid Game 2' vi phạm Luật Điện ảnh, chúng tôi sẽ xử lý đúng theo quy định của pháp luật," Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, ông Đỗ Quốc Việt cho biết.

aaaaqwls4t2ols2k6gih8688ukaj-qv9bgzvyz64vtj9ifwp0f5u2yzbbhhnctoa6wdzw18rcfpcdf-gh-cmz-ozhqivrv4rqpkzhrf8qzcxiqqctig6zensd8qzerdo61emiqyhvqione9zzgdkzrqxhyks3zi.jpg
Vừa ra mắt chiều 26/12, Squid Game đã gây phẫn nộ tại Việt Nam

Tội ác chiến tranh đã khiến người Hàn Quốc nhiều lần đưa ra lời xin lỗi trong các dịp khác nhau, như phong trào "Xin lỗi Việt Nam" do Tiến sỹ ngành Lịch sử Việt Nam Ku Su Jeong khởi xướng cuối thập niên 1990, Tổng thống Kim Dae-jung xin lỗi trong chuyến thăm Việt Nam cấp nhà nước năm 2001, hay như việc người Hàn Quốc đặt tượng xin lỗi Việt Nam tại đảo Jeju năm 2017 và nhiều hoạt động khác.

Trước đó năm 2022, Netflix cũng đã phải gỡ phim "Little Women" khỏi kho phim tại Việt Nam do đưa các thông tin ca ngợi chiến sỹ Hàn Quốc là người hùng khi tham chiến tại Việt Nam. Ngoài ra phim cũng đưa nhiều chi tiết xuyên tạc vô căn cứ, đáng chú ý nhất là lời thoại "Cục tác chiến chỉ tuyển chọn những người lính dũng cảm và nhanh nhẹn nhất. Tỷ lệ giết so với tử vong là 20:1. Tức là một người lính Hàn Quốc giết 20 người Việt Cộng"...

Khi đó, cơ quan quản lý đã xác định vi phạm thuộc khoản 4, điều 9 Luật Báo chí về xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc; cùng lúc đây còn là vi phạm những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh quy định tại khoản 4, điều 11 Luật Điện ảnh với nội dung tương tự điều khoản nêu trên ở Luật Báo chí./.

Minh Anh