Cô giáo viên dạy trẻ đặc biệt ‘vượt ngàn chông gai’

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 09:20, 26/12/2024

Dạy trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ tự kỷ còn khó gấp trăm, ngàn lần. Thế nhưng, nhiều giáo viên đã vượt qua mọi khó khăn, vất vả để gắn bó với trẻ tự kỷ.

Sự hy sinh thầm lặng của cô đã giúp biết bao trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ có thể trở thành những đứa trẻ có thể đến trường để học tập, vui chơi, lớn lên và trưởng thành.

Trẻ mắc chứng tự kỷ, tăng động, mỗi em có biểu hiện, hành vi khác nhau, có em thu mình vào một góc riêng, em thì la hét, đập phá, em thì lên cơn cào cấu, gào khóc, lao ra ngoài trong vô thức… Vì vậy, gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ tự kỷ các cô giáo phải thường xuyên quan sát, ghi chép hành vi để theo dõi và có phương pháp can thiệp phù hợp.

co-giao-tu-ky2.jpg
Gắn bó với trẻ tự kỷ cô giáo phải thật kiên trì và có tình yêu trẻ mãnh liệt.

Những lúc trẻ có hành vi thách thức, mất kiểm soát, các cô phải nhẹ nhàng, tìm cách chuyển hướng hành vi cho trẻ rồi ôm các em vào lòng vỗ về yêu thương. Nhiều em la hét, gào khóc, mất kiểm soát cào cấu thâm tím cả tay chân, các cô vẫn vui vẻ, kiên nhẫn tận tâm hết lòng thương yêu, mong muốn bù đắp phần nào những thiệt thòi cho các em.

Xem thêm: Các phương pháp can thiệp sớm dành cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ

Đối với giáo dục trẻ tự kỷ, giáo viên không đơn thuần chỉ là một người truyền đạt kiến thức mà còn định hướng, trau dồi các kỹ năng cơ bản nhất, bồi đắp cảm xúc trong trái tim khiếm khuyết của trẻ. Đôi khi cha mẹ cảm thấy bất lực trong việc giáo dục con thì chính sự chuyên môn và tâm huyết của các cô là sự chia sẻ, hỗ trợ đắc lực.

Cô Lan - Giáo viên lớp Chim non (Trung tâm Sao Mai, Hà Nội) lại ghi nhớ thật nhiều kỷ niệm. Bé Tài có thói quen đưa tay vào… khoắng bồn cầu, các cô phải sử dụng lời nói nghiêm nghị với bé để tạo phản xạ có điều kiện, giúp bé nhận thức đó là hành động xấu. Bé Hiếu lại thích đu bàn ghế và hay cào cấu các cô, cô nhiều lúc bật khóc nhưng vẫn không đầu hàng, sau nhiều tháng liền được rèn, bé đã thay đổi. Có bé chỉ ăn khi được cô nhá và mớm cơm, có bé bữa ăn phải mất hơn tiếng đồng hồ và sẽ không chịu nuốt nếu cô không hát hết bài này sang bài khác.

co-giao-tu-ky.jpg
Mỗi học sinh lại có cách dạy và cách chăm sóc đặc biệt. Ảnh minh họa.

Hầu như không trọn vẹn ngày nào các cô được ở nhà vì trong tuần lên lớp, cuối tuần lại phải theo học các khóa đào tạo do Trung tâm phối hợp với chuyên gia nước ngoài giảng dạy.

Tất bật vừa làm vừa học là tình trạng chung của các giáo viên dạy trẻ tự kỷ. Bởi các em là những đối tượng đặc biệt, cách tiếp cận, chăm sóc mỗi em một khác, cho đến nay vẫn chưa có giáo trình chung nào cho việc dạy trẻ tự kỷ, giáo viên phải chủ động cập nhật kiến thức.

Xem thêm: Giáo viên dạy trẻ đặc biệt cần kỹ năng nào?

Cô Hồ Hải Hậu - cô giáo dạy trẻ tự kỷ ở Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An (Ba Vì – Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi trẻ tự kỷ có những đặc điểm riêng, không trẻ nào giống trẻ nào. Mỗi trẻ tự kỷ là một thế giới, thế giới ấy đầy bí ẩn nhưng cũng chứa rất nhiều yêu thương, cảm thông và hy vọng. Với chúng tôi, mỗi tiến bộ của các bé là một sự cố gắng liên tục bền bỉ.

Đơn giản như có bé vào trường không biết cả đi vệ sinh, nhưng giờ, lúc nào “buồn”, các bé biết tự kéo quần xuống hoặc nắm lấy tay cô giáo chỉ vào nhà vệ sinh để ra hiệu. Và chỉ cần được như thế thôi là đã mừng lắm rồi”!.Vất vả là vậy, nhưng hạnh phúc lại thật giản đơn.

Nữ giáo viên này cũng không ít lần rơi nước mắt hạnh phúc khi chứng kiến học trò của mình làm được những điều quá đỗi bình thường để đổi lấy một tiếng gọi mẹ, gọi ba. Thậm chí chỉ là một ánh mắt “biết nói” của các em sau khi cô đánh đổi biết bao giọt mồ hôi, cũng làm cô vui như mình vừa làm nên chiến công.

Quả thật, khác với những nhà giáo bình thường, chỉ truyền đạt kiến thức, giáo viên dạy trẻ tự kỷ phải hướng dẫn các em từ những kỹ năng tối thiểu như biết đòi khi muốn đi vệ sinh, biết chào hỏi, tự xúc cơm ăn cho đến kỹ năng đọc sách, đếm số, nhận biết mặt tiền... Hoạt động trên lớp của các cô đa dạng và phức tạp, ngoài tắm rửa, bón cho các cháu ăn, còn phải dạy chữ, dạy số, tập múa hát, yoga và thực hiện những liệu pháp điều trị hành vi, tâm lý mỗi khi trẻ bộc phát cơn giận dữ, tự làm đau mình hoặc tấn công người khác.

Những cô giáo dạy trẻ đặc biệt đều hiểu, với trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật, chuyên môn thôi là chưa đủ mà cần có tình thương yêu vô bờ bến, đặt hết tâm sức, tình cảm của mình để thay đổi chúng, trao đi giá trị để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.

Can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ ở đâu?

Trung tâm Can thiệp sớm Sunshine

Địa chỉ: 110 Đường 40, KDC Tân Qui Đông, Phường Tân Phong, Quận 7, TP.HCM

Hotline/ Zalo: 0934 567 244.

MINH AN (t/h)