Điểm tin Công nghệ 25/12: 'Vũ khí' giúp Amazon chiếm lĩnh thị phần giá rẻ từ Temu, Shein
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 25/12/2024
- Từ ngày 25/12, tài khoản mạng xã hội phải xác thực số điện thoại hoặc định danh cá nhân mới được đăng bài
Từ 25/12, các mạng xã hội xuyên biên giới và mạng xã hội trong nước phải xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại hoặc định danh cá nhân mới được viết bài, bình luận, livestream và chia sẻ trên mạng xã hội.
Theo Nghị định 147 về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng do Chính phủ ban hành và bắt đầu có hiệu lực từ 25/12, tài khoản mạng xã hội phải xác thực bằng số điện thoại di động hoặc mã số định danh cá nhân mới được phép hoạt động, đăng bài (viết bài, bình luận, livestream, chia sẻ thông tin).
Cụ thể, trong vòng 90 ngày tới, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam và tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước phải thực hiện xác thực những tài khoản đang hoạt động của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
Quy định về bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội sẽ ràng buộc trách nhiệm của người dùng và các nhà mạng nhằm sàng lọc nội dung xấu độc, bảo vệ thông tin người dùng.
Các tài khoản phải được xác thực bằng số điện thoại di động. Trong trường hợp người dùng không có số điện thoại di động tại Việt Nam, tài khoản sẽ được xác thực bằng số định danh cá nhân.
Đặc biệt, những người sử dụng dịch vụ mạng xã hội để livestream với mục đích thương mại phải được thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Như vậy, những người dùng các dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam hiện nay như: Facebook, Instagram, Youtube, TikTok… phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động cá nhân mới được viết bài, bình luận, livestream, chia sẻ thông tin…
- VNPT MOOC – giải pháp học tập tiện ích trong kỷ nguyên số
Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, giáo dục không còn gói gọn trong những lớp học truyền thống mà đã mở rộng không biên giới nhờ sự hỗ trợ của công nghệ và Internet. Đứng trước xu thế đó, VNPT MOOC ra đời như một nền tảng học trực tuyến mở tiên phong tại Việt Nam, không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập linh hoạt của người học mà còn thúc đẩy chuyển đổi số của ngành giáo dục.
Được thiết kế để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng, VNPT MOOC có khả năng hỗ trợ hàng triệu học viên cùng lúc mà vẫn đảm bảo hiệu suất và chất lượng cao. Nền tảng này không chỉ cung cấp các khóa học được soạn thảo bài bản mà còn tích hợp các buổi học trực tuyến tương tác (liveclass), mang lại sự linh hoạt tối đa cho cả người dạy và người học. Các khóa học có thời gian bắt đầu và kết thúc cụ thể, giúp học viên dễ dàng lập kế hoạch và quản lý tiến độ học tập của mình.
VNPT MOOC được xây dựng như một nền tảng học tập trực tuyến với khả năng đáp ứng đa dạng nhu cầu học tập của mọi đối tượng. Nền tảng này cung cấp một hệ sinh thái học tập toàn diện, không chỉ giới hạn ở các buổi học trực tuyến (liveclass) mà còn tích hợp các công cụ quản lý lớp học, quản lý nội dung và cấp chứng chỉ.
VNPT MOOC cũng mang đến một môi trường học tập mở, nơi mọi người, bất kể tuổi tác, nghề nghiệp hay vị trí địa lý. đều có thể tiếp cận các khóa học chất lượng. Với tiêu chí “học tập không biên giới”, nền tảng này cho phép các học viên dễ dàng truy cập các khóa học trực tuyến mọi lúc, mọi nơi chỉ với thiết bị kết nối Internet. Dù bạn là học sinh, sinh viên, người đi làm hay đơn giản là người đam mê tri thức, VNPT MOOC đều sẵn sàng chào đón.
VNPT MOOC không chỉ là công cụ hỗ trợ học tập mà còn là giải pháp toàn diện cho các cơ sở giáo dục, tổ chức đào tạo, doanh nghiệp, và chính quyền địa phương. Đặc biệt, hệ thống hỗ trợ quản trị viên dễ dàng quản lý thông tin của các đơn vị tham gia đào tạo, bao gồm việc tạo lập, cập nhật và theo dõi nội dung đào tạo được cung cấp trên website. Điều này giúp tập trung hóa và tối ưu hoá việc quản lý các tổ chức đào tạo, đại diện VNPT cho hay.
- Goertek muốn tăng gấp đôi công suất nhà máy sản xuất UAV ở Bắc Ninh
Goertek Vina chuẩn bị tăng gấp đôi sản lượng sản xuất máy bay không người lái từ 30.000 sản phẩm/năm lên 60.000 sản phẩm/năm trên 8 dây chuyền.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, Goertek Vina - công ty con của Tập đoàn Goertek (Trung Quốc) - chuẩn bị tăng gấp đôi sản lượng sản xuất máy bay không người lái (UAV) lên 60.000 sản phẩm/năm trên 8 dây chuyền tại nhà máy ở Việt Nam.
Hiện nhà máy của doanh nghiệp này đặt tại KCN Quế Võ (Bắc Ninh) đang sản xuất 30.000 UAV/năm trên 4 dây chuyền. Hai dòng sản phẩm chính được sản xuất tại đây là Wing/7000 MP3 và Wing 7000 W-B.
Dự án mở rộng này không chỉ tập trung vào việc tăng sản lượng UAV mà còn bổ sung sản xuất và lắp ráp các thiết bị hỗ trợ như thẻ bản đồ nhận dạng vị trí, thiết bị sạc, bộ điều khiển quản lý pin và thiết bị điều khiển... Các thiết bị này dự kiến có sản lượng 31.000 sản phẩm/năm.
Wing là dự án nghiên cứu của Google X - đơn vị nghiên cứu phát triển của Google - từ năm 2012. Lĩnh vực hoạt động của Wing là vận chuyển bằng UAV và quản lý bay của UAV.
Khi Alphabet trở thành công ty mẹ của Google vào năm 2017, Wing cũng trở thành công ty con của tập đoàn công nghệ. Năm 2018, Wing trở thành công ty độc lập sau khi dự án nghiên cứu thành công.
- 'Vũ khí' giúp Amazon chiếm lĩnh thị phần giá rẻ từ Temu, Shein
Hai tuần trước Black Friday, Amazon âm thầm bổ sung mục mới vào ứng dụng di động. Được gọi là Haul, đây là khu vực dành riêng cho các mặt hàng giá cực thấp, chủ yếu được vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc.
Haul là câu trả lời của Amazon cho sự bùng nổ của các ứng dụng tới từ Trung Quốc như Temu của PDD Holdings và nhà bán lẻ thời trang nhanh Shein. Nói với CNBC, Amazon cho biết Haul đã có hàng triệu lượt truy cập kể từ khi ra mắt hồi tháng 11.
Giống như Temu, Haul cung cấp các mặt hàng với giá hời, chẳng hạn như giày thể thao với giá 9,98 USD, đồ dùng nhà bếp với giá 5,99 USD và ốp điện thoại với giá 2,99 USD. Không như Temu, Haul giới hạn giá của mỗi sản phẩm ở mức 20 USD. Haul cung cấp dịch vụ giao hàng miễn phí cho các đơn hàng trên 25 USD và giảm giá ngày càng mạnh khi giá trị của giỏ hàng càng cao. Điều này khuyến khích người mua sắm mua nhiều mặt hàng cùng một lúc, do đó có tên là Haul.
"Một trong những điều thực sự thú vị mà Amazon đã làm là tách biệt hoàn toàn mục này khỏi trang chính Amazon. Như vậy, Amazon vừa giữ chân được nhóm khách hàng cao cấp, mà vẫn mở rộng được lượng khách hàng phân khúc giá rẻ", Neil Saunders, giám đốc điều hành của GlobalData Retail nhận định.
- Vietcombank triển khai thanh toán QR xuyên biên giới Việt Nam - Lào
Sau khi triển khai thành công thanh toán QR xuyên biên giới với Thái Lan, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng tiên phong triển khai thanh toán QR xuyên biên giới Việt Nam - Lào...
Từ ngày 20/12/2024, khách hàng của Vietcombank khi đi du lịch, công tác tại nước bạn Lào có thể sử dụng ứng dụng VCB Digibank để quét mã QR và thanh tại bất cứ điểm bán hàng nào có biểu tượng LAPNET (tổ chức chuyển mạch tại Lào).
Khi khách hàng mua sắm và thanh toán, hệ thống Vietcombank sẽ trừ tiền từ tài khoản bằng đồng VND và tự động thanh toán cho điểm bán bằng đồng LAK.
Toàn bộ quá trình này được xử lý tự động, giúp khách hàng trải nghiệm giao dịch thanh toán liền mạch và nhanh chóng.