10 năm Bộ đội Cụ Hồ tham gia gìn giữ hòa bình: Tiếng Việt râm ran ở các khu chợ tại Abyei
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 22:22, 22/12/2024
“Ở đây, Liên hiệp quốc (LHQ) là UNISFA, còn Việt Nam là LHQ với cả trái tim”- Hiệu trưởng một trường Mầm non Abyei đã nói như thế về những người lính mũ nồi xanh.
Tiếng Việt không còn xa lạ ở Abyei
Trung tá Đặng Quốc Tuấn, Tổ công tác Phái bộ UNISFA (phái bộ an ninh lâm thời) mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi bằng nhận định: “Ở đâu có bộ đội, ở đó có công tác dân vận”.
Theo trung tá Tuấn, thực tế này còn được minh chứng rõ nét ở khu vực Abyei - vùng đất rộng hơn 10.000km2 đang trong tình trạng tranh chấp - nơi có các quân nhân Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình (GGHB).
Công tác dân vận được triển khai thực hiện một cách nhanh chóng và hiệu quả bằng những việc làm, công trình dân sinh rất cụ thể, thiết thực kể từ khi Đội Công binh số 1 (ĐCB1) được triển khai tới Abyei.
Những con đường được nâng cấp; những ngôi trường, phòng học, bàn ghế học sinh được đóng mới, sửa chữa; những giếng nước sinh hoạt mới được khoan; những chiếc thuyền bàn giao cho người dân là những việc làm thường xuyên của lực lượng GGHB LHQ của Việt Nam hỗ trợ cộng đồng địa phương.
“Gần dân, hiểu dân, giúp dân với cả tấm lòng nhân ái thì ắt người dân sẽ yêu quý. Thế nên, tiếng Việt đang dần được phổ biến ở Abyei. Đi quanh khu vực Đội Công binh Việt Nam đóng quân có thể sẽ nghe được đâu đó giọng trẻ con ê a hát “Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm. Tóc bà trắng, màu trắng như mây…” mà ngỡ như đang ở một miền quê nào đó tại Việt Nam.
Hay đến một góc chợ mới Abyei cũng có thể dễ dàng bắt gặp những người bán hàng nơi đây đang chào bán "rau đây, đậu bắp đây, bắp, gà, bò, dê… đây" và nói giá cả 1 nghìn, 5 nghìn, 10 nghìn, “được-không”… mà ngỡ như đang ở một phiên chợ của Việt Nam”- Trung tá Đặng Quốc Tuấn kể lại.
Theo Trung tá Tuấn, việc dạy những người bán hàng nơi đây những câu từ đơn giản, dễ hiểu nhất để họ có thể giao tiếp Bộ đội Việt Nam khi mua bán tuy đơn giản nhưng lại mang ý nghĩa thiết thực.
Mỗi khi gặp bộ đội Việt Nam, người dân nơi đây đều niềm nở chào đón bằng nụ cười và cử chỉ thân thiện như những người bạn, người thân của họ.
Nói về tình cảm của người dân với bộ đội Việt Nam, Trung tá Đặng Quốc Tuấn kể lại kỷ niệm tại Trường Mầm non Abyei. Khi đoàn công tác tới thăm, người dân và học sinh đã tụ tập từ lâu, xếp thành hai hàng dài từ ngoài đường chính vào tới cổng trường học.
Trên tay các em học sinh và người dân là cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm vàng cùng tiếng hò reo hân hoan không ngớt “Việt Nam - Hồ Chí Minh” đan xen với những bài hát và điệu nhảy của cộng đồng địa phương thể hiện sự vui mừng, phấn khởi và chúc phúc khi đoàn công tác tới thăm.
Người dân nơi đây cho biết: “Đã từng có rất nhiều đoàn thể, cá nhân tới thăm địa phương và trường học này, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi được tổ chức đón tiếp long trọng như vậy, bởi đây là những người tới từ Việt Nam, đây là những người bạn, những người anh em thân thiết của chúng tôi”. Hiệu trưởng ngôi trường khẳng định: “Ở đây, Liên hiệp quốc là UNISFA, còn Việt Nam là LHP với cả trái tim”.
Làm đường được dân tặng dê
Thiếu tá, quân nhân chuyên nghiệp Chu Bá Hiếu, tổ trưởng tổ vận hành thiết bị khoan giếng, lọc nước phân đội công binh công trình 1 cũng không thể quên được tình cảm của người dân địa phương với bộ đội Việt Nam.
“Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở đội 1, chúng tôi đã tham gia làm đường, cầu cống cho nhân dân. Kỷ niệm tôi nhớ mãi là vào đầu tháng 9-2022, tôi cùng một tổ công tác làm cống cho nhân dân. Lúc đấy, người dân nhìn chúng tôi với sự nghi ngờ, dò xét. Nhưng khi làm xong người dân ấn tượng với Bộ đội công binh Việt Nam”- Thiếu tá Chu Bá Hiếu nhớ lại.
Anh cũng cho biết, sau khi công trình được hoàn thành, Chủ tịch thị trấn đã tặng tổ công tác hai con dê.
“Bây giờ khi có dịp đến đó bà con nhân dân vẫn nhớ chúng tôi. Có lần, tôi bế một cháu bé lên, đến khi ra về cháu vẫn ôm chặt lấy tôi, khi bị bố mẹ tách ra, cháu vẫn lẽo đẽo chạy theo xe. Hình ảnh đó làm tôi rất cảm động”- Thiếu tá Hiểu xúc động.
Thượng uý quân nhân chuyên nghiệp Phạm Thanh Hải, người đang thực hiện nhiệm vụ tại ĐCB3 cũng ấn tượng với tình cảm của người dân dành cho mình và đồng đội.
“Đến đây, khi đoàn Việt Nam đi qua, tất cả người dân, từ cháu bé rất nhỏ đều đứng lại giơ tay chào và nở nụ cười rất tươi, thân thiện và thể hiện thái độ tôn trọng bộ đội Việt Nam”- Thượng uý Phan Thanh Hải nói.
Không trực tiếp tiếp xúc nhiều với người dân nhưng Thiếu tá, quân nhân chuyên nghiệp Định Thị Phương ở tổ hậu cần, thuộc phân đội hậu cần bảo đảm lại chinh phục bằng những món ăn thuần Việt.
Mỗi kỳ cuộc, khi có quan khách quốc tế đến tham dự, chị Phương và đồng đội lại được trưng dụng trổ tài nấu nướng của mình. Khi là bánh đa nem, khi là nấu phở, những món ăn đó không chỉ khiến cho cán bộ, chiến sĩ Việt Nam vơi bớt nỗi nhớ tổ quốc mà còn quảng bá ẩm thực Việt tới bạn bè quốc tế. Có những hôm, thức cả đêm để chuẩn bị đồ ăn cho các bữa tiệc nhưng Thiếu tá Phương vẫn không cảm thấy mệt mỏi khi nhận được những lời khen về món ăn.
“Sáng tạo các món ăn và dành tâm sức cho nấu nướng giúp cho tôi không có thời gian rảnh, nhờ vậy mà vơi bớt nỗi nhớ người thân, nỗi nhớ nhà”- Thiếu tá Đinh Thị Phương tự hào kể.