Điểm tin Kinh doanh 23/12: Giá vàng: Vàng miếng SJC ‘bốc hơi’ gần 3 triệu đồng sau 1 tuần giảm giá
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 23/12/2024
- Giá vàng: Vàng miếng SJC ‘bốc hơi’ gần 3 triệu đồng sau 1 tuần giảm giá
Giá vàng thế giới hôm 22/12 phục hồi lên mức 2.622 USD/ounce sau những phiên giảm liên tiếp trong tuần khi thị trường phản ứng thận trọng trước thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ chỉ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm % thay vì 1 điểm % vào năm 2025 như dự báo trước đó. Trong nước, giá vàng miếng SJC chốt tuần ở mức 83,8 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn giao dịch ở mức 83,6 triệu đồng/lượng.
Tuần qua, giá vàng trong nước liên tiếp điều chỉnh giảm. Chốt tuần, giá vàng miếng SJC giao dịch ở mức 83,8 triệu đồng/lượng, "bốc hơi" 3 triệu đồng/lượng so chủ nhật tuần trước.
Cụ thể, tại thời điểm 7 giờ 30 phút ngày 22/12, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào-bán ra ở mức 81,8-83,8 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn SJC 9999 chốt tuần mua vào 81,8 triệu đồng/lượng, bán ra 83,6 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng DOJI tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mua vào ở mức 82,4 triệu đồng/lượng và bán ra 84,4 triệu đồng/lượng, cao hơn 600.000 đồng lượng so giá vàng miếng SJC.
Thương hiệu này niêm yết giá vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 mua vào-bán ra ở mức 82,9-84,4 triệu đồng/lượng.
Vàng PNJ chốt tuần mua vào ở mức 83,4 triệu đồng/lượng và bán ra mức 84,4 triệu đồng/lượng.
Tính đến 7 giờ 30 phút ngày 22/12 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới tăng 27,7 USD so kết phiên trước đó lên mức 2.622,4 USD/ounce.
Sau những phiên giảm liên tiếp, giá vàng thế giới vẫn giữ được mốc hỗ trợ quan trọng quanh 2.600 USD/ounce mặc dù tiến trình cắt giảm lãi suất trong năm 2025 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể chậm lại.
Tuần qua, tại cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng của năm 2024 diễn ra vào hai ngày 17 và 18/12, FED đã chính thức cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm %, đưa mức lãi suất hiện tại của FED trong khoảng 4,25%-4,5%.
Về định hướng nới lỏng năm 2025, FED dự kiến chỉ thực hiện cắt giảm tổng cộng thêm 0,5 điểm % vào cuối năm 2025 thay vì 1 điểm % do thị trường lao động vững chắc và lạm phát chậm lại.
Lập trường thận trọng của FED cùng với xu hướng nghỉ ngơi dịp cuối năm khiến vàng đang phải đối mặt với thách thức nhất định khiến giá giảm trong tuần vừa qua.
Kỳ nghỉ Giáng sinh đang đến gần. Hầu hết các nhà đầu tư sẽ tập trung vào kỳ nghỉ lễ. Các nhà phân tích lưu ý rằng, thị trường vàng tuần tới sẽ trầm lắng hơn với khối lượng giao dịch thấp.
Về tầm nhìn trung và dài hạn, nhiều chuyên gia dự đoán giá vàng sẽ đạt 3.000 USD/ounce vào năm tới nhưng đà tăng này dự kiến sẽ không diễn ra cho đến nửa cuối năm 2025. Đồng thời, theo các nhà phân tích, mục tiêu tăng giá của năm tới sẽ là 13% thay vì mức tăng mạnh mẽ gần 30% của năm nay.
Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs cho rằng, nhu cầu vàng sẽ vẫn tăng trong bối cảnh các ngân hàng Trung ương tiếp tục mua vàng như 1 cách để đa dạng hóa dự trữ, đặc biệt việc ngân hàng Trung ương Trung Quốc tăng cường tích trữ vàng sẽ đẩy giá kim loại quý này lên mức 3.000 USD/ounce vào cuối năm 2025.
Sáng nay, Chỉ số USD-Index ở mức cao 107,62 điểm; lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 4,529%; chứng khoán Mỹ tăng mạnh sau số liệu lạm phát yếu hơn dự kiến; giá dầu kết thúc tuần mới mức giảm 3% do nỗi lo lãi suất, giao dịch ở mức 72,94 USD/thùng đối với dầu Brent và 69,46 USD/thùng với dầu WTI.
- Giá lúa gạo tiếp tục giảm
Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm nhẹ. Cùng với đó, giá gạo xuất khẩu cũng giảm, được chào bán ở mức 495-508 đô la Mỹ/tấn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá các loại lúa phổ biến như IR 50404 giảm 200 đồng/kg còn 7.400-7.600 đồng/kg, OM 5451 giảm 200-300 đồng/kg còn 8.400-8.500 đồng/kg, Đài thơm 8 và OM 18 đều giảm 100 đồng/kg so với trước, lần lượt bán ở mức 9.100-9.200 đồng/kg và 8.900-9.000 đồng/kg, TTXVN đưa tin.
Với mặt hàng gạo bán lẻ, gạo thường dao động từ 17.000-18.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài từ 20.000-22.000 đồng/kg, gạo Jasmine từ 18.000-20.000 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 17.500 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 21.500 đồng/kg. Về gạo nguyên liệu, IR 504 có giá từ 9.000-9.200 đồng/kg, gạo thành phẩm IR 504 từ 11.100-11.300 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 12-12, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch 602.000/710.000 hecta lúa Thu Đông, đạt năng suất bình quân 58,84 tạ/hecta. Sản lượng ước tính 3,542 triệu tấn.
Đến nay, vụ Đông Xuân 2024-2025 đã xuống giống được 965.000/1.490.000 hecta.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang được chào bán trong khoảng từ 495-508 đô la Mỹ/tấn, giảm từ 1-14 đô la Mỹ so với mức 509 đô la Mỹ/tấn của tuần trước.
- Những ngân hàng đầu tiên vượt chỉ tiêu lợi nhuận 2024
Đến thời điểm này một số ngân hàng đã bắt đầu công bố lợi nhuận 2024, trong đó một số nhà băng vượt chỉ tiêu cả năm.
Sacombank cho biết, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng trong quý IV/2024 ước đạt hơn 4.600 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ và cả năm 2024 ước đạt trên 12.700 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay, vượt chỉ tiêu ĐHĐCĐ giao. Các chỉ tiêu sinh lời ROA ước đạt 1,46%, ROE ước đạt 20,23%, đều cao hơn cùng kỳ năm trước.
Tại thời điểm ngày 31/12/2024, tổng tài sản Sacombank ước đạt trên 29 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2023. Huy động vốn và dư nợ tín dụng ước đạt lần lượt 649 nghìn tỷ đồng và 542 nghìn tỷ đồng, đều tăng 12% so với cùng kỳ. Đồng thời, Sacombank tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hồi trong năm 2024 khi xử lý gần 10.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, góp phần củng cố chất lượng tài sản.
Năm 2024, kênh ngân hàng số tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng khách hàng mới và số lượng giao dịch, ước tăng lần lượt là 6,9% và 34,8% so với năm trước. Qua đó, giúp Sacombank mở rộng hệ khách hàng lên đến 20 triệu, trải nghiệm khách hàng được nâng cao với tỷ lệ khách hàng hài lòng trên 90%.
Tại Nam A Bank, 11 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 4.100 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm (mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm 4.000 tỷ đồng). Tỷ lệ NIM ngày 30/11/2024 lên mức 3,68% so với 3,6% tại cuối quý II/2024. Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi những thách thức của nền kinh tế nhưng tỷ lệ an toàn vốn của Nam A Bank đang được kiểm soát chặt chẽ với hệ số CAR đạt 11% vượt xa mức quy định của NHNN là 8%. Các chỉ số an toàn khác đảm bảo các chỉ số trong giới hạn cho phép của NHNN.
Đó cũng là điều kiện cần và đủ để được nhận thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng từ NHNN. Cụ thể, ngày 28/11, NHNN điều chỉnh room tín dụng với các ngân hàng - đây là đợt tăng room tín dụng thứ 2 năm nay, theo đó Nam A Bank được NHNN duyệt tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 là 18,4%.
TPBank cũng vừa công bố kết quả kinh doanh 11 tháng đầu năm 2024, với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 7.100 tỷ đồng, tăng gần 28% so với cuối năm trước. Như vậy, tổng lợi nhuận của TPBank trong 11 tháng đã cao hơn lợi nhuận cả năm 2023 và Ngân hàng dự kiến cả năm 2024 sẽ tăng 34% so với năm 2023. Tổng huy động của TPBank tính đến 30/11 cán mốc 338.700 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm.
Thu nhập hoạt động của TPBank đạt hơn 16.300 tỷ đồng. Các mảng kinh doanh đều khởi sắc giúp tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) tiếp tục duy trì ở mức tương đối cao gần 18%. Dư nợ tín dụng bao gồm cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp của TPBank cán mốc 254.740 tỷ đồng, tăng 17% so với hồi đầu năm, vượt xa trung bình ngành.
Trong khi đó, chia sẻ tại Hội nghị nhà đầu tư HDBank 2024 mới đây, ông Phạm Văn Đẩu – Giám đốc Tài chính HDBank cho biết, Ngân hàng tin tưởng sẽ vượt các chỉ tiêu lợi nhuận 15.852 tỷ đồng đã thông qua trước đó, dự kiến đạt tới trên 16.000 tỷ đồng. Về kế hoạch kinh doanh năm tới, Giám đốc Tài chính HDBank cho biết, Ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 20.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2024. Đồng thời, Ngân hàng sẽ tiếp nối truyền thống trả cổ tức cao và đều đặn như kế hoạch ĐHCĐ đã thông qua.
Trước đó, HDBank đã ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong 9 tháng đầu năm với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 12.655 tỷ đồng, tăng 47% và thực hiện 79,8% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Nếu đạt được kết quả như kỳ vọng, HDBank sẽ xác lập mức kỷ lục mới về quy mô lợi nhuận và nằm trong Top 5 ngân hàng tư nhân lãi lớn nhất năm 2024.
Với nhóm Big 4, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025 mới, lãnh đạo bốn ngân hàng lớn nhất hệ thống là Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ trong năm 2024. Trong đó, các ngân hàng này tự tin hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận được giao, ước tính đều vượt mốc tỷ USD.
Agribank cho biết, năm 2024 Ngân hàng sẽ đạt kết quả kinh doanh cao nhất sau 4 năm triển khai Phương án cơ cấu lại. Cụ thể, tổng tài sản tăng 7%, nguồn vốn tăng trên 6%, dư nợ tăng 11%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,6%, lợi nhuận trước thuế tăng 8%. Giai đoạn 2021-2024, các chỉ tiêu cơ bản đảm bảo tiến độ, trong đó một số chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra tại Phương án (tổng tài sản, nguồn vốn, dư nợ, thu nợ sau xử lý và lợi nhuận).
Tại VietinBank , ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho biết, tính đến hết tháng 11/2024, tổng tài sản của ngân hàng ước đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2023; tín dụng tăng trưởng 14,2% so với năm 2023 (đến ngày 10/12 tăng 14,8%); nguồn vốn huy động đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 11,3% so với cuối năm 2023; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,1%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức cao.
Còn tại BIDV, dự kiến kết thúc năm 2024, Ngân hàng sẽ hoàn thành toàn diện, đồng bộ các mục tiêu, chỉ tiêu của NHNN và đại hội cổ đông giao. Theo đó, quy mô tổng tài sản sẽ vượt mốc 2,6 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt gần 2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 14%, vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN.
Vietcombank cũng cho hay, đến nay, Ngân hàng đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch do NHNN và đại hội đồng cổ đông giao. Cụ thể, dự kiến đến cuối năm 2024, tăng trưởng tín dụng ở mức 13% đạt quy mô trên 1,4 triệu tỷ đồng, tổng tài sản đạt gần 2 triệu tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1%...
- Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
Bộ Tài chính kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2030, thay vì kết thúc vào ngày 31/12/2025 như quy định hiện hành.
Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các cơ quan liên quan để lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Theo đó đề xuất trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2030, thay vì kết thúc vào ngày 31/12/2025 như quy định hiện hành.
Điều này được Bộ Tài chính đánh giá là giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
- Kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể tăng lên vùng 1.270 điểm
Chuyên gia kỳ vọng thị trường tài chính toàn cầu bình ổn hơn sẽ giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư trong nước và thúc đẩy các chỉ số chứng khoán phục hồi. Chỉ số VN-Index có thể tăng lên vùng quanh 1.270 điểm.
Trong tuần vừa qua, sau 3 phiên giao dịch giằng co ở biên độ hẹp, phiên ngày 19-12, chỉ số VN-Index giảm hơn 11 điểm trong bối cảnh thị trường quốc tế đi xuống sau thông điệp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về lãi suất. Tuy nhiên, lực cầu cũng luôn trực chờ ở các vùng hỗ trợ, chỉ số cho thấy phản ứng mạnh tại ngưỡng 1.250 điểm và tiếp tục quán tính hồi phục trong phiên cuối tuần. Đóng cửa tuần giao dịch 16/12-20/12, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.257,5 điểm, giảm 5,07 điểm (-0,4%).
Thanh khoản thị trường sụt giảm. Lũy kế đến cuối tuần giao dịch, thanh khoản giao dịch bình quân trên sàn thành phố Hồ Chí Minh đạt 13.784 tỷ đồng (-3,38%). Khối ngoại bán ròng hơn 1.300 tỷ đồng trên sàn thành phố Hồ Chí Minh.
Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect Đinh Quang Hinh nhìn nhận, chỉ số VN-Index chỉ ghi nhận mức sụt giảm nhẹ 0,4% trong tuần giao dịch vừa qua, song áp lực trong thực tế mà giới đầu tư chứng khoán phải trải qua lớn hơn nhiều. Việc Fed đưa ra lộ trình giảm lãi suất “thận trọng hơn” trong năm tới đã khiến thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh, đẩy chỉ số đo lường mức độ sợ hãi (VIX) tăng vọt trong phiên ngày 18-12 lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 11. Thị trường chứng khoán Mỹ, do đó, điều chỉnh mạnh và việc dòng tiền tìm nơi trú ẩn khiến chỉ số sức mạnh đồng USD tăng.
Những yếu tố này đã gây sức ép lên tỷ giá trong nước, khiến tâm lý của giới đầu tư chứng khoán trong nước chịu nhiều áp lực và chỉ số VN-Index lùi về sát vùng hỗ trợ 1.250 điểm.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy điểm tích cực là áp lực bán không quá mạnh và việc dòng tiền bắt đáy nhập cuộc đã giúp VN-Index giữ vững vùng hỗ trợ trên.
Bước sang tuần giao dịch tới, vị chuyên gia này dự báo, thị trường tài chính quốc tế có thể diễn biến tích cực hơn khi những thông tin tiêu cực đã được phản ánh phần lớn vào giá, đặc biệt là việc Fed thận trọng hơn về lộ trình cắt giảm lãi suất trong năm 2025 do những bất định trong chính sách thương mại của Tổng thống đắc cử Trump.
Đáng chú ý, thị trường cũng đón nhận một vài thông tin tích cực hơn trong ngày cuối tuần, bao gồm việc thước đo lạm phát ưa chuộng của Fed là chỉ số PCE (chi tiêu tiêu dùng cá nhân) chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, đều thấp hơn 0,1 điểm % so với dự báo, cho thấy xu hướng lạm phát vẫn đang hạ nhiệt. Đồng thời, việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngân sách mới nhằm ngăn Chính phủ Mỹ đóng cửa vào phút cuối cũng giúp giảm thiểu rủi ro bất ổn, kéo chỉ số VIX giảm mạnh trong phiên cuối tuần.
“Tôi kỳ vọng thị trường tài chính toàn cầu bình ổn hơn sẽ giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư trong nước và thúc đẩy các chỉ số chứng khoán phục hồi. Chỉ số VN-Index có thể tăng lên vùng quanh 1.270 điểm. Nhà đầu tư nên tận dụng nhịp phục hồi để tái cơ cấu danh mục đầu tư, hạ bớt tỷ trọng đòn bẩy nếu đang ở mức cao, đồng thời xây dựng danh mục đầu tư xoay quanh các nhóm ngành có thông tin hỗ trợ và triển vọng kinh doanh cải thiện, bao gồm nhóm vận tải biển, logistic, xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản) và ngân hàng”, ông Đinh Quang Hinh khuyến nghị.