'Anh nuôi' quân đội kể lại thời gian khó, miếng thịt mỏng tới mức gió thổi bay

Nhịp sống - Ngày đăng : 09:21, 22/12/2024

Nhiều năm làm 'anh nuôi' và giáo viên hậu cần, ông Bình có những ký ức không thể quên về bếp ăn quân đội những ngày gian khó.

Năm 20 tuổi, bước chân vào quân ngũ, ông Lê Thanh Bình được phân công nhiệm vụ làm “anh nuôi”. Sau đó, ông được cử đi học ở Học viện Hậu cần, rồi về làm giáo viên ở Trường Quân sự Quân khu 3.

Dù đã về hưu 16 năm, ông Bình vẫn nhớ rõ những ngày tháng cùng đồng đội khắc phục thiếu thốn để mâm cơm bộ đội được tươm tất nhất có thể.

anh nuoi 2.jpg
Ông Bình cùng đội thi hậu cần Trường Quân sự Quân khu 3

Một thời gian khó

Nhập ngũ năm 1975, khi đất nước vừa giải phóng, còn vô vàn khó khăn, ông Bình được phân công vào Trung đoàn Tên lửa 285. Bộ phận bếp có nhiệm vụ phục vụ bữa ăn cho gần 100 cán bộ, chiến sĩ.

Trong ký ức của ông Bình, ngày ấy cái khó nhất của anh nuôi là đi chợ, nấu nướng làm sao để không ai bị đói. Các chiến sĩ ngồi ăn “phải biết nhìn nhau” vì ngồi chung theo mâm.

“Mỗi mâm 6 người có một khay thức ăn đường kính khoảng 40cm. Thức ăn có 1 món mặn, 1 món nhạt và bát canh. Món mặn thường là thịt rang hoặc thịt kho. Món nhạt là rau xào hoặc rau luộc, chủ yếu là rau muống”.

Ông Bình hài hước: “Thịt không có nhiều, phải thái lát mỏng, để trước gió là bay. Bình quân mỗi người chỉ được 2-3 miếng thịt”.

Canh “không người lái” thường được chế biến từ món rau luộc. Rau luộc xong để dư ra một ít, đổ thêm nước, nêm mắm muối vào là thành canh.

Bữa sáng của các chiến sĩ ngày ấy cũng là cơm. Cơm sáng không có thức ăn, mà chỉ ăn với nước mắm pha loãng.

“Hoặc chúng tôi chế biến một món nước canh quen thuộc từ cơm cháy. Cơm cháy nướng trên bếp để lên màu, không được để cháy đen. Sau đó, cho vào nước, hòa muối, bột canh vào, thành nước canh.

Cách nữa là chế biến nước canh bằng cách đun nước lá chuối lên. Đơn vị nào được ăn cơm sáng với muối vừng là sang lắm rồi”.

Ngày ấy còn có món cơm trộn riềng. Riềng giã ra, rang lên, nếu có mắm tôm thì trộn vào để ăn với cơm. “Khoảng sau năm 1979, bộ đội vào rừng lấy riềng hay gặp mìn nên từ đó có lệnh cấm không làm món này”.

anh nuoi 5.jpg
Ông Bình (ngoài cùng bên trái) chấm thi nấu ăn khi là giáo viên hậu cần

Không chỉ thiếu thốn thực phẩm, trang thiết bị nhà bếp ngày ấy cũng đơn sơ vô cùng. Vật dụng quen thuộc nhất là chảo gang, nồi nhôm được đúc từ những thứ như xác máy bay, vỏ bom…

Các đơn vị có quân số đông thì phải nấu cơm bằng vạc. Mỗi chiếc vạc có đường kính khoảng 1-1,2m. Nấu cơm bằng vạc, nếu kỹ thuật không tốt, rất dễ bị cơm khê, cơm cháy.

Có thời điểm, bếp ăn phục vụ tới 300-500 chiến sĩ, một mình ông Bình phải đứng nấu 6-7 vạc cơm cùng lúc, mỗi vạc cơm từ 20-25kg gạo.

“So với nồi cơm điện bây giờ, nấu bằng vạc khó hơn rất nhiều. Nhưng nếu kỹ thuật tốt, cơm nấu bằng vạc còn ngon hơn cả nấu nồi điện bây giờ”.

Những năm 1995-1996, bộ đội bắt đầu tăng gia sản xuất được một số loại rau củ, gà, lợn, cá…, bữa ăn được cải thiện dần.

Những kỷ niệm vui buồn

anh nuoi 3.jpg
Ông Bình (trái) và học viên lớp bếp trưởng nuôi quân

Ông Bình tâm sự, ngày xưa anh nuôi rất vất vả. “Thời ấy làm gì đã có điện, quạt. Suốt ngày trong bếp, trời nóng bức, ai nấy mồ hôi vã ra, rất vất vả”.

Chưa kể, anh nuôi phải dậy rất sớm để chuẩn bị bữa sáng. 5h30 sáng là phải chia cơm nên 4h nhà bếp đã phải dậy nấu nướng.

“Khi làm chỉ huy, tôi thường tỉnh giấc từ 3h30, nằm nghe ngóng xem có tiếng động trong bếp chưa. Có tiếng động tức là có người dậy rồi. Ngày ấy không có đồng hồ báo thức như bây giờ. Cả đơn vị may ra có một chiếc thì ưu tiên cho chiến sĩ trực”.

Ông Bình cho biết, theo quy định, khoảng 6h30-7h là các chiến sĩ đã vào giờ làm việc và tập luyện. Vì thế, bữa sáng phải được ăn đúng giờ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tất cả hoạt động của mấy trăm con người.

Ông nhớ lại một kỷ niệm vui những ngày đơn vị của ông vào Sài Gòn làm nhiệm vụ.

Những năm sau giải phóng, ở Sài Gòn, thịt bò là món ăn quen thuộc và rẻ tiền hơn thịt lợn. Chính vì thế, nhiều người không thích ăn thịt bò, cũng có người không ăn được món này vì dị ứng, không thể ngửi được mùi…

“Hai đối tượng này khác nhau. Nhóm không thích là những người vẫn ăn được nhưng không muốn ăn. Chỉ những người không thể ăn mới được ưu tiên nấu chế độ riêng.

Có một thời gian, tôi thấy số chiến sĩ báo ‘kiêng bò’ nhiều quá, bữa nào cũng phải có 2-3 mâm báo ‘kiêng bò’ nên tôi nghĩ ra một cách để tìm ra những người ‘kiêng giả’.

Khi nấu cơm, tôi lấy một muôi nước xào bò đổ vào nồi cơm. Đến bữa, ai ‘kiêng’ bò thật chỉ cần bưng bát cơm lên sẽ bỏ xuống ngay. Còn ai ‘kiêng giả’ vẫn cứ ăn được đến cuối bữa mà không thắc mắc gì.

Cuối cùng, tôi tuyên bố từ bữa sau sẽ không có chế độ ưu tiên cho những người ‘kiêng bò giả’, ai cũng phải chấp nhận vì tôi đã có bằng chứng”.

Trong ký ức của ông Bình, hầu như bữa ăn trong quân ngũ đều chan chứa tình đồng đội. “Ai ốm, sẽ được mọi người ưu tiên, nhường miếng ngon. Nhà bếp ưu tiên nấu cháo, làm món dễ ăn cho những ai không khỏe”.

anh nuoi 1.jpg
Ông Bình (thứ 2 từ phải sang) chụp lưu niệm với Thủ trưởng Bộ Tư lệnh quân khu và nhà trường

Cũng trong những năm ở Sài Gòn, ông Bình có một kỷ niệm vui vào dịp Tết năm 1976 mà ông còn nhớ mãi đến giờ.

“Sáng mùng 1 Tết năm ấy, Chính ủy Trung đoàn xuống tận đơn vị kiểm tra và chúc Tết anh em. Chính ủy hỏi tôi thực đơn bữa trưa hôm đó.

Mâm cơm Tết của bộ đội có khá nhiều món như gà luộc, bánh chưng, giò chả… và cả cá kho với thịt ba chỉ. Thấy món cá kho, Chính ủy phê bình nhà bếp là quanh năm ăn cá kho rồi, sao Tết vẫn cho các chiến sĩ ăn món này.

Tôi nói món cá kho này đặc biệt, không phải như ngày thường: ‘Hôm nay, anh em được ăn cá thu kho nhừ’. Hồi ấy cá thu là rất sang rồi. Chính ủy chấp nhận câu trả lời ấy của tôi.

Khi ông về, tôi gửi biếu ông một khúc cá thu kho. Về sau, Chính ủy gửi lời cảm ơn và nhắn lại cá thu kho rất ngon, xứng đáng bày mâm ngày Tết”.

Suốt thời gian làm bếp và là giáo viên hậu cần, ông Bình tự hào vì nhiệm vụ của mình và các đồng đội giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe, thể lực và tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ.

Ông bảo, làm anh nuôi, mục tiêu cao nhất là chỉ cần làm sao khi tới bữa ăn, anh em háo hức, mong chờ được thưởng thức. Đó là thành công lớn nhất của người đầu bếp.

Ảnh: Nhân vật cung cấp