Hậu quả lâu dài của tan vỡ gia đình đến trẻ em
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 16:19, 21/12/2024
Trong bài phỏng vấn với nhà văn Hoàng Anh Tú, chuyên gia tâm lý cho lứa tuổi học trò, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về những tổn thương này ảnh hưởng đến trẻ, từ việc hình thành nhân cách, khả năng xây dựng các mối quan hệ đến sự phát triển toàn diện. Đồng thời, chuyên gia cũng chia sẻ những giải pháp giúp cha mẹ giảm thiểu tác động tiêu cực, hỗ trợ trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn để phát triển lành mạnh.
Nhà văn Hoàng Anh Tú
+ Thưa nhà văn Hoàng Anh Tú, từ góc nhìn tâm lý, những tổn thương nào trẻ em thường phải đối mặt khi gia đình tan vỡ?
Đầu tiên phải kể đến đó là sự quan tâm đầy đủ của cả cha lẫn mẹ mà đứa trẻ lẽ ra được nhận sẽ bị hao hụt, sứt mẻ đi rất nhiều. Đứa trẻ sẽ phải trải qua những chấn thương tâm lý từ việc có cha thì không có mẹ, có mẹ thì lại vắng cha mình. Đặc biệt là trong các sự kiện quan trọng của con. Điều đó chắc chắn khiến cho đứa trẻ trưởng thành khó khăn hơn những bạn có đầy đủ gia đình.
Những thương tổn kế tiếp đến từ cách ứng xử của cha mẹ sau ly hôn, việc gia đình, người thân đối xử với đứa trẻ hay nói về cha mẹ chúng. Cảm giác của chính chúng khi phải sống trong một gia đình khuyết.
Về lâu về dài, đứa trẻ sẽ trưởng thành khá khó khăn, nhất là trong việc chúng nhìn nhận về sự bền vững của gia đình, quan niệm về hôn nhân, thậm chí là góc nhìn của chúng về đàn ông (từ bố) phụ nữ (từ mẹ) nếu cuộc ly hôn đó không suôn sẻ hoặc cha mẹ thù hận nhau sau ly hôn.
Còn rất nhiều những tổn thương khác mà tuỳ theo từng đứa trẻ và theo cả việc ly hôn của cha mẹ diễn ra thế nào mà đứa trẻ sẽ chịu tác động. Có khi còn là "tác động kép" như 1 đứa trẻ nghĩ quá nhiều, yếu đuối hoặc tâm lý tiêu cực mà bố mẹ ly hôn trong bất hoà, dai dẳng, có cách hành xử với nhau không tử tế, tấn công nhau hoặc biến con thành vũ khí để triệt hạ nhau.
Có nhiều những tổn thương khác nhau mà trẻ phải đối mặt khi gia đình tan vỡ. Ảnh minh hoạ
+ Vậy có cách nào giúp trẻ vượt qua những tổn thương tâm lý sau khi cha mẹ ly hôn, đặc biệt là khi trẻ còn nhỏ, thưa anh?
Tin vui là lũ trẻ… mau quên và rất nhiều bao dung cho cha mẹ. Tất nhiên, còn tuỳ từng đứa trẻ. Song phần đa chúng sẽ chấp nhận việc cha mẹ ly hôn nếu cuộc ly hôn đó êm đẹp, văn minh, cha mẹ đều là người biết nghĩ, để tâm đến con cái.
Việc cha mẹ ly hôn càng văn minh bao nhiêu, càng tử tế bao nhiêu thì khả năng con cái vượt qua chấn thương này càng đỡ đi bấy nhiêu. Nếu như người cha, người mẹ quán triệt tư tưởng: Cha mẹ ly hôn nhưng con vẫn còn đầy đủ cha mẹ. Dù không có mặt bố thì bố vẫn hiện diện trong những gì mẹ chia sẻ, và ngược lại. Hai người lớn sẽ vì con mà dành những lời tốt đẹp nhất về nhau khi nói với con. Thu xếp thời gian để con có đủ đầy cả cha lẫn mẹ dù 2 người không còn sống với nhau nữa, thậm chí 1 trong hai hoặc cả 2 đều đã có gia đình mới. Đừng tước đi người bố trong con hay xoá đi người mẹ trong con.
Những đứa trẻ không có bố hoặc không có mẹ sẽ có những khoảng trống nhất định ở trong lòng. Ảnh minh hoạ
+ Xin anh phân tích kỹ hơn về những hậu quả của việc thiếu vắng sự hiện diện của cha hoặc mẹ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ như thế nào trước mắt và lâu dài?
Trước mắt thì đó là sự thiếu hụt tình thương, con sẽ có những niềm vui không trọn vẹn. Lâu dài con sẽ suy nghĩ lệch lạc về sự vắng mặt của cha hoặc mẹ. Như cha không yêu mình, như mẹ bỏ rơi mình. Con trai luôn cần bố để học cách làm đàn ông, cần mẹ để hiểu về phụ nữ. Con gái cũng vậy, cần mẹ để học cách làm phụ nữ, nhìn bố để hiểu về đàn ông.
Những đứa trẻ không có bố hoặc không có mẹ sẽ khó khăn trong việc trưởng thành khi thiếu đi hình mẫu cũng như có những khoảng trống nhất định ở trong lòng chúng.
Cho nên, các bậc cha mẹ nếu không thể tiếp tục đồng hành cùng nhau, như tôi đã chia sẻ, cần có kế hoạch nghiêm túc về ứng xử sau ly hôn, đảm bảo không làm tổn thương đến con, hạn chế đến mức thấp nhất những tác động, ảnh hưởng của gia đình khuyết thiếu đến phát triển tâm lý của con mình.
+ Liệu trẻ em sống trong gia đình tan vỡ có dễ phát triển các vấn đề về hành vi hoặc khó khăn trong học tập không, thưa anh? Nếu có, tại sao?
Có! Vì mọi tác động từ việc gia đình tan vỡ, sống trong một gia đình khuyết sẽ khó khăn hơn rất nhiều một gia đình lành lặn. Việc giúp đỡ một đứa trẻ trưởng thành sẽ cần nhiều hơn sự để tâm của người được trao quyền nuôi dưỡng và cả người không nuôi dưỡng nhưng vẫn chu cấp.
Nhiều đứa trẻ học kém đi sau khi gia đình xảy ra chuyện vì sự phân tâm của chúng, lo lắng và bất lực trước vấn đề đang xảy ra. Tệ hơn nếu như cha mẹ ly hôn trong khủng hoảng, chiến tranh.
Trẻ em sống trong gia đình tan vỡ dễ phát triển các vấn đề về hành vi. Ảnh minh hoạ
+ Vậy bạn bè, người thân nên làm gì trong việc hỗ trợ trẻ em vượt qua những khó khăn sau khi gia đình tan vỡ?
Đầu tiên cần người thân phải hỗ trợ cuộc ly hôn đó được an toàn, lành mạnh, văn minh. Đừng chia phe để tấn công người cha hay người mẹ. Vẫn luôn phải nhấn mạnh với trẻ về việc cha mẹ không sống cùng nhau vì họ không hoà hợp nhưng cha vẫn là cha con, mẹ vẫn là mẹ con, tình yêu dành cho con không vì thế mà suy chuyển.
Thứ hai, đừng thể hiện lòng thương hại để rồi đối xử với đứa trẻ theo kiểu thương hại, hoặc phân biệt đối xử. Hãy để việc ly hôn kia là chuyện của người lớn với nhau chứ không thay đổi bất cứ điều gì trong cách cư xử, hành động của người thân với con.
Đồng thời, hỗ trợ trẻ nhìn nhận mọi thứ tích cực hơn, giúp trẻ nghĩ thoáng ra, nhận thức được việc ly hôn của cha mẹ không phải con mất mẹ hay mất cha, con vẫn còn đầy đủ.
Và đặc biệt, vấn đề kinh tế, tài chính cũng là vấn đề không nên bỏ qua nếu như việc chu cấp không đầy đủ hoặc tài chính của người được quyền nuôi dưỡng chưa đảm bảo.
+ Xin cám ơn nhà văn Hoàng Anh Tú!
Theo Phụ Nữ Việt Nam