Điểm tin Kinh doanh 22/12: Giá vàng: Các thương hiệu trong nước diễn biến trái chiều, vàng Doji lội ngược dòng tăng hơn nửa triệu đồng

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 22/12/2024

Kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục thập kỷ; Một chuỗi sushi Nhật Bản muốn đến Việt Nam trong năm 2025
khach-hang-mua-sam-trong-ngay-dau-khai-truong-finelife-foodstore-lumiere-an-phu.jpg

- Giá vàng: Các thương hiệu trong nước diễn biến trái chiều, vàng Doji lội ngược dòng tăng hơn nửa triệu đồng

Giá vàng thế giới hôm 21/12 đảo chiều tăng, giao dịch ở mức 2.622,4 USD/ounce do đồng USD quay đầu giảm nhẹ. Trong nước, giá vàng các thương hiệu diễn biến trái chiều. Vàng SJC đứng yên so chốt phiên hôm 20/12. Trong khi đó, vàng Doji tăng ngoạn mục.

Cụ thể, tại thời điểm 12 giờ ngày 21/12, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào-bán ra ở mức 81,8-83,8 triệu đồng/lượng, không đổi ở cả hai chiều so chốt phiên hôm trước. Chênh lệch mua-bán ở mức 2 triệu đồng

Giá vàng nhẫn SJC 9999 mua vào 81,8 triệu đồng/lượng, bán ra 83,6 triệu đồng/lượng, giữ nguyên ở cả chiều mua vào và bán ra so kết phiên trước đó.

Trong khi đó, giá vàng miếng DOJI tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mua vào ở mức 82,4 triệu đồng/lượng và bán ra 84,4 triệu đồng/lượng, tăng 600 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so chốt phiên hôm trước.

Thương hiệu này niêm yết giá vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 mua vào-bán ra ở mức 83,4-84,4 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 150 nghìn đồng và 650 nghìn đồng so chốt phiên hôm 20/12.

Vàng PNJ mua vào ở mức 82,6 triệu đồng/lượng và bán ra mức 83,8 triệu đồng/lượng, tăng 600 nghìn đồng mỗi lượng ở chiều mua vào và 650 nghìn đồng mỗi lượng ở chiều bán ra so kết phiên liền trước.

Tính đến 12 giờ ngày 21/12 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới tăng 27,6 USD so kết phiên hôm trước lên mức 2.622,4 USD/ounce.

Vàng thế giới bật tăng trở lại nhờ được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc giảm sau khi dữ liệu kinh tế Mỹ mới công bố cho thấy lạm phát đang chậm lại.

Hôm ngày 20/12, số liệu của Cục Phân tích Kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho thấy Chỉ số Chi tiêu Cá nhân (PCE) lõi - không tính giá thực phẩm và năng lượng - chỉ tăng 0,1% so với tháng 10. Đây là tốc độ chậm nhất kể từ tháng 5. PCE là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Phản ứng thông tin này, giá trị đồng USD giảm 0,4%, khiến vàng trở nên hấp dẫn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác.

Tuy nhiên, dù đồng USD quay đầu giảm nhẹ nhưng đồng tiền nước Mỹ vẫn đang rất mạnh mẽ, hỗ trợ bởi một nền kinh tế Mỹ khá tích cực và kỳ vọng của giới đầu tư vào một chính quyền mới dưới thời ông Donald Trump.

Theo các chuyên gia, xu hướng chung trong năm 2025 vẫn là FED tiếp tục giảm lãi suất (có thể 2 lần thay vì 4 lần) và đồng USD có thể suy giảm. Vàng được hưởng lợi trong xu hướng này.

Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) và nhiều tổ chức lớn như Goldman Sachs dự báo nhu cầu vàng trong năm 2025 vẫn lớn khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục mua nhằm đa dạng dự trữ ngoại hối. Đây là yếu tố sẽ hỗ trợ vàng không giảm mạnh.

Trong tháng 11, Trung Quốc quay trở lại mua vàng khi giá xuống mức thấp nhất ở mức 2.540 USD/ounce.

- Viettel High Tech được trao chứng nhận sản phẩm Thông tin quân sự từ Bộ Quốc phòng Malaysia

Tại Lễ khai mạc Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024), Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) đã chính thức được trao văn bản chứng nhận từ Lục quân và Bộ Quốc phòng Malaysia, công nhận các sản phẩm thông tin quân sự của Viettel đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe để cung cấp cho Lục quân Malaysia. Sự kiện góp phần thúc đẩy hợp tác quốc phòng Việt Nam – Malaysia.

Viettel đã chủ các công nghệ lõi như: trí tuệ nhân tạo, các công nghệ truyền tin thích nghi băng rộng tốc độ cao ứng dụng AI… trong quá trình nghiên cứu và sản xuất các thiết bị. Nhờ ứng dụng những công nghệ mới nhất trên thế giới hiện nay nhằm thiết kế, chế tạo các thiết bị thông tin vô tuyến thế hệ thứ 4 và thế hệ thứ 5 trong lĩnh vực Thông tin quân sự, sản phẩm của Viettel không chỉ vượt đã vượt qua toàn bộ các bài kiểm tra về chất lượng và tính năng, có một số chỉ tiêu tham số vượt trội so với các sản phẩm cùng loại đã thử nghiệm tại Malaysia.

Chứng nhận này củng cố vị trí các sản phẩm thông tin quân sự của Viettel tại thị trường quốc tế, đặc biệt là Malaysia, nơi trước đây ít có thông tin về năng lực nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm quốc phòng công nghệ cao của Việt Nam.

Trước đó, tháng 5/2024, tại Triển lãm Quốc phòng và An ninh châu Á - DSA & NATSEC Malaysia, Viettel High Tech đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với MIM Defense và hai bên đã tuyên bố cùng phát triển kinh doanh quốc tế.

- Kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục thập kỷ

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/12, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ghi nhận kết quả kỷ lục hơn 10 năm (giai đoạn 2013 2024).

Theo số liệu công bố ngày 20/12 từ Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/12/2024, xuất khẩu của Việt Nam thu về 385,3 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước (YoY).

Trong 45 mặt hàng xuất khẩu chính, 34 mặt hàng có kim ngạch trên một tỷ USD, đáng chú ý có 7 mặt hàng có kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên (chiếm 66% tỷ trọng với 256 tỷ USD).

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 68,5 tỷ USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước và là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong kỳ.

Điện thoại và linh kiện đứng vị trí thứ hai với 51,6 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ; tiếp đến là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 49,7 tỷ USD, tăng 20,7% YoY.

Hàng dệt may là mặt hàng tiếp theo có kim ngạch trên 10 tỷ USD với 35 tỷ USD, tăng 10,3% YoY; giày dép với 21,7 tỷ USD, tăng 12,1% YoY; gỗ và sản phẩm gỗ với 15,4 tỷ USD, tăng 20,6% YoY và phương tiện vận tải, phụ tùng khác đạt 14,3 tỷ USD, tăng 5,7% YoY.

Trong kỳ, Việt Nam thu về 33,8 tỷ USD từ xuất khẩu mặt hàng nông thủy sản, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2023. Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất trong nhóm với 9,56 tỷ USD, tăng 11,3% YoY. Rau quả là mặt hàng đứng thứ hai với 6,85 tỷ USD, tăng 27,3% YoY; tiếp đến là gạo với 5,5 tỷ USD, tăng 21,4% YoY; cà phê với 5,19 tỷ USD, tăng 32,3% YoY.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/12/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và thế giới đạt 747 tỷ USD, mốc cao nhất kể từ năm 2013 đến nay. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu cùng đạt kỷ lục thập kỷ dù chưa qua hết 12 tháng. Cụ thể, hàng hóa xuất khẩu trong kỳ đạt 385,3 tỷ USD, nhập khẩu đạt 361,7 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu 23,6 tỷ USD.

a.06.jpg

- Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025

VinaCapital kỳ vọng, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2025, do cơ cấu tăng trưởng sẽ chuyển sang các yếu tố nội tại nhiều hơn trong năm sau.

Theo ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital, xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam sẽ khó suy giảm trong năm tới, vì dòng vốn FDI ổn định đảm bảo rằng mỗi năm sẽ có thêm các nhà máy bắt đầu sản xuất. Chúng tôi kỳ vọng, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2025, do cơ cấu tăng trưởng sẽ chuyển sang các yếu tố nội tại nhiều hơn trong năm sau.

Theo VinaCapital, năm 2025 sẽ có nhiều biến động đối với nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2025, sự sụt giảm xuất khẩu có thể sẽ tác động mạnh hơn đến tăng trưởng GDP của Việt Nam so với kỳ vọng của nhiều nhà kinh tế. Sự giảm sút này có thể sẽ thúc đẩy các hành động quyết liệt của Chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh các mục tiêu tăng trưởng GDP cao.

- Một chuỗi sushi Nhật Bản muốn đến Việt Nam trong năm 2025

Chuỗi Genki Sushi (Nhật Bản) đang nhắm đến thị trường Mỹ và Đông Nam Á, với các nhà hàng đầu tiên tại Texas và Việt Nam dự kiến khai trương trong năm 2025.

Theo Nikkei Asia, Genki Global Dining Concepts, nhà điều hành chuỗi sushi băng chuyền nổi tiếng Nhật Bản, đang đặt mục tiêu chinh phục thị trường quốc tế như một trọng tâm trong kế hoạch trung hạn đến năm tài chính 2027.

Doanh nghiệp này hiện sở hữu các thương hiệu nhà hàng Genki Sushi, Uobei và Senryo. Trong năm tài chính 2023, công ty đạt doanh thu 61,8 tỷ yen (tương đương 395 triệu USD), trong đó 14% đến từ các thị trường ngoài Nhật Bản.

Sang năm tài chính 2025, doanh nghiệp dự kiến mở nhà hàng đầu tiên tại Việt Nam, khởi đầu kế hoạch sở hữu 4 cơ sở cho đến năm tài chính 2027.

Việt Báo (Tổng hợp)