10 năm Bộ đội Cụ Hồ tham gia gìn giữ hòa bình: Bác sĩ quân y trong hàng ngũ lính mũ nồi xanh

Cộng đồng người Việt - Ngày đăng : 09:57, 21/12/2024

Bác sĩ quân y của Việt Nam chung tay cùng bạn bè quốc tế gìn giữ hòa bình, chia sẻ khó khăn với người dân Nam Sudan.

BS Tống Vân Anh và BS Đỗ Thanh Tùng là một trong hai cặp vợ chồng trẻ cùng tham gia trong lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) tại BV dã chiến 2.3 (BVDC 2.3) ở Bentiu, Nam Sudan.

hinhchinh_p4_LHQ4.jpg
Đội ngũ bác sĩ BV dã chiến 2.3 trên máy bay vận tải C17 của Không quân Hoàng gia Úc sang Nam Sudan làm nhiệm vụ. (Ảnh do BS Vân Anh cung cấp)

Vỡ òa tiếng khóc trẻ thơ

Vợ chồng BS Vân Anh trải lòng: 18 tháng làm nhiệm vụ tại Nam Sudan là trải nghiệm khó quên trong đời lính quân y. Cả hai thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh cho nhân viên GGHB LHQ và người dân bản địa. Tuổi trẻ, nhiệt huyết và kinh nghiệm thực tiễn từ vùng đất xa xôi đã giúp cả hai cùng tiến bộ trong chuyên môn, khi về nước tiếp tục công tác tại BV Quân y 175.

BS Vân Anh cho hay từng mơ ước tham gia lực lượng mũ nồi xanh từ khi nộp hồ sơ vào BV Quân y 175. “Cuối năm 2020, khi biết mình có tên trong danh sách BVDC 2.3 đi Nam Sudan làm nhiệm vụ bác sĩ (BS) sản khoa, tôi mừng rơi nước mắt…” - BS Vân Anh nói.

BS Vân Anh chia sẻ tiếp: “Lúc tham gia học tiếng Anh, thấy một số đồng nghiệp nam có trình độ, thời gian công tác tương đương chồng mình nên tôi đã đề xuất thủ trưởng xem xét cho chồng tôi tham gia cùng. Được cấp trên chấp thuận, cả hai lao vào trau dồi tiếng Anh, cùng tham gia huấn luyện chờ ngày lên đường”.

BS Vân Anh nhớ lại kỷ niệm in đậm trong ký ức, hôm đó Phái bộ GGHB LHQ thông báo BV BS không biên giới MSF bị COVID-19, không thể điều trị được nên nhờ BVDC 2.3 đảm nhiệm phẫu thuật trường hợp cấp cứu thai phụ.

18 tháng là không dài nhưng đó là kỷ niệm để vợ chồng tôi trưởng thành hơn qua việc tiếp xúc đa dạng văn hóa, ngôn ngữ, thấu hiểu hơn về bệnh nhân… như lời các thầy truyền dạy là “điều trị người bệnh chứ không chỉ điều trị bệnh”.

Lúc đó, một số BS BVDC 2.3 cũng bị COVID-19, lực lượng mỏng nên mọi người khá lo lắng. “10 ngày đầu nhận nhiệm vụ mà trúng ca khó nên khá hồi hộp do chưa biết trang thiết bị ở BV BS không biên giới MSF có đáp ứng được ca phẫu thuật hay không. Đối với mổ bắt thai là bình thường nhưng lo nhất là biến chứng khi mổ…” - BS Vân Anh chia sẻ.

Được thủ trưởng BVDC 2.3 động viên, dù không có nhiều thời gian hội chẩn, không liên lạc được về Việt Nam nhờ đồng nghiệp hỗ trợ nên sau khi đánh giá tình trạng bệnh nhân, BS Vân Anh cùng êkíp quyết định mổ cấp cứu. “Cái khó là không thể gây vô cảm vì cột sống của thai phụ biến dạng, đường đặt ống thở rất khó nhưng rồi mọi thứ diễn ra trôi chảy. Nhờ có sự hỗ trợ của một BS người Đức, ca mổ đã thành công đến nghẹt thở… Đến khi em bé bật khóc, mọi người mới vỡ òa vui sướng. Sau này, khi sang thăm thấy sức khỏe bé phát triển tốt, bà mẹ mau phục hồi” - BS Vân Anh tâm sự.

BS Vân Anh cho hay các BS Việt Nam được các đồng nghiệp quốc tế và người dân quý mến, nể phục bởi sự quyết đoán, giỏi chuyên môn, tính kỷ luật cao.

P4_LHQ5.jpg
BS Tống Vân Anh trong ca mổ bắt thai sau 10 ngày làm nhiệm vụ lính mũ nồi xanh.
(Ảnh do BS Vân Anh cung cấp)

Tự hào trong hàng ngũ lính mũ nồi xanh

BS Đỗ Thanh Tùng, chồng BS Vân Anh, cho hay qua vài tuần giao tiếp đã nhanh chóng vượt qua rào cản ngôn ngữ, tiếp cận bệnh nhân thuận lợi, hòa đồng cùng người dân địa phương và nhân viên LHQ. Đầu tiên môi trường làm việc quốc tế đòi hỏi phải học cách giao tiếp, khám bệnh và các nguyên tắc cần tuân thủ đối với nhân viên LHQ.

Theo lời BS Tùng, anh vẫn giữ mối liên hệ với một quân nhân Mông Cổ khi đó làm việc tại phái bộ. Quân nhân Mông Cổ bị xuất huyết tiêu hóa được anh khám, điều trị nhiều lần, nhờ sự kiên trì, mát tay của anh nên bệnh thuyên giảm nhanh, phục hồi sức khỏe tốt. “Cậu ấy rất vui mừng, tặng tôi món quà nhỏ là kỷ vật cậu ấy luôn mang theo bên mình thay cho lời cảm ơn” - BS Tùng kể.

Theo BS Tùng, thời gian thực hiện nhiệm vụ không dài nhưng đã được đào tạo, chuẩn bị tốt những kỹ năng lẫn chuyên môn nên vợ chồng anh sớm hòa mình vào công việc, vơi đi nỗi nhớ nhà.

“Đó là quãng thời gian rất đẹp mà vợ chồng tôi cùng trải nghiệm. Vợ chồng tôi luôn tự hào khi đứng trong hàng ngũ lính mũ nồi xanh chung tay cùng bạn bè quốc tế GGHB, góp phần chia sẻ với những khó khăn của người dân Nam Sudan” - BS Tùng chia sẻ.

10 năm Bộ đội Cụ Hồ tham gia gìn giữ hòa bình: Bác sĩ quân y trong hàng ngũ lính mũ nồi xanh
Đội ngũ bác sĩ BV dã chiến 2.3 hòa đồng cùng người dân Nam Sudan. Ảnh do BS Vân Anh cung cấp

Chiến binh hòa bình

Thượng tá, BS CKII Trịnh Minh Hòa, Chủ nhiệm khoa Khám bệnh BV Quân y 175, nguyên Giám đốc BVDC 2.3, nhớ lại: Khi đó đang học lớp BS CKII ĐH Y Dược TP.HCM thì thủ trưởng gọi về học lớp tiếng Anh GGHB LHQ nên tạm gác việc học để làm nhiệm vụ quốc tế.

Theo BS Hòa, để tham gia lực lượng GGHB LHQ là điều không dễ, phải đạt các tiêu chuẩn châu Âu về ngoại ngữ, chuyên môn và một số chứng chỉ liên quan. Lúc này, dịch COVID-19 đang bùng phát nên không thể học ngoại ngữ tập trung bên ngoài mà phải học tại BV Quân y 175.

BS Hòa kể cảm xúc đầu tiên là tiếp xúc với máy bay vận tải C17 của Không quân Hoàng gia Úc hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất. “Cảm giác ngồi trên máy bay như những chiến binh hòa bình. Đồng hành chuyến bay là sĩ quan Úc bảo vệ máy bay, đây là kỷ niệm không bao giờ quên” - BS Hòa kể.

“Gần tới thủ đô Juba, sĩ quan Úc trên máy bay thông báo mọi người mang áo chống đạn nên cảm giác hồi hộp. Sau này, tôi mới biết có nhiều thời điểm một số chuyến bay không thể hạ cánh do tình trạng mất an ninh, phải di chuyển đến một địa điểm khác, khi sân bay đảm bảo an ninh mới quay lại” - BS Hòa chia sẻ thêm.

p4_LHQ7.jpg
Lính mũ nồi xanh ươm mầm xanh tại Nam Sudan. (Ảnh do BS Vân Anh cung cấp)

BS Hòa kể do đại dịch nên BVDC 2.3 phải cách ly, gói ghém lương khô trong hai tuần. “Niềm vui khó quên khi cách ly là dựng cờ Tổ quốc và chào cờ, hình ảnh thiêng liêng đó còn mãi trong tiềm thức” - BS Hòa nhắc lại.

Hai tuần sau, máy bay đưa đoàn về Bentiu, vùng đất xa xôi, một trong những căn cứ khó khăn của lực lượng GGHB LHQ, chính thức tiếp nhận thiết bị thực hiện nhiệm vụ chiến binh hòa bình.

BV ngay sát hàng rào một trại tị nạn lớn nhất Nam Sudan, lúc cao điểm có 150.000 người để tiện thăm khám bệnh cho nhân viên LHQ và người dân bản địa.

Đội ngũ lúc đó có tổng cộng 63 người, trong đó có 20 BS về chấn thương chỉnh hình, ngoại tiêu hóa, nội thần kinh, tai mũi họng, hồi sức, sản khoa... quy mô tương đương BV cấp huyện. Do địa hình phức tạp, phương tiện lạc hậu nên mưa không đi được nên khi có ca cấp cứu phải đi bằng đường hàng không.

BS Hòa đánh giá trong giai đoạn đại dịch, đội ngũ y, BS quân y từ Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ, để lại dấu ấn đối với người dân địa phương, nhân viên, phái bộ LHQ.

“Một nhân viên y tế người Nhật - thành viên BV BS không biên giới MSF nói chỗ nào có thể thất thủ chứ BVDC 2.3 phải bảo đảm an toàn, không để dịch COVID-19 xâm nhập để còn chữa bệnh cho người dân” - BS Hòa kể.

Theo BS Hòa, việc Nhà nước ta chủ động triển khai các hoạt động GGHB LHQ là sáng suốt, qua đó lan tỏa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đến bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình. “Từ thử thách hằng ngày trong công việc ở Nam Sudan, khi quay về BV Quân y 175 tiếp tục công việc đã không còn ngại khó, ngại khổ, nó là động lực để tôi hoàn thành chương trình BS CKII…” - BS Hòa nói.