VNPT cần nghiên cứu giải quyết các bài toán lớn của đất nước
Cuộc sống số - Ngày đăng : 15:32, 20/12/2024
Ngày 20/12, bên cạnh sự kiện chính thức cung cấp dịch vụ VinaPhone 5G, VNPT đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2025.
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TT&TT, ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch VNPT; nguyên lãnh đạo Bộ TT&TT và VNPT qua các thời kỳ, cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ TT&TT.
Năm 2024, tổng doanh thu toàn Tập đoàn VNPT đạt 58.540 tỷ đồng, trong đó, doanh thu công ty mẹ đạt 41.995 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo lãnh đạo Tập đoàn VNPT, con số tăng trưởng doanh thu 7% tuy còn khiêm tốn nhưng đặc biệt đáng quý trong bối cảnh thị trường ngày càng nhiều thách thức với nhiều thay đổi về chính sách quản lý thị trường, chính sách ngừng phát triển SIM mới qua đại lý, đầu tư chi tiêu công cho các dự án chuyển đổi số có dấu hiệu chậm lại...
Với những áp lực này, việc VNPT vừa hoàn thành được các trọng trách của một trong những tập đoàn công nghệ chủ lực của quốc gia, vừa đảm bảo giữ vững hoạt động sản xuất – kinh doanh là một thành tựu không nhỏ.
Nhìn nhận các thách thức khó khăn trên cũng như tìm cơ hội từ chính bối cảnh đó, Tập đoàn VNPT xác định tiếp tục thực hiện tăng cường năng lực cho hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin theo hướng cập nhật công nghệ mới như AI tạo sinh, IoT, Cloud, 5G… và đặc biệt là an toàn thông tin.
Cụ thể, năm 2024, dung lượng kết nối Internet quốc tế của VNPT tăng 20%, mạng truyền dẫn trục, liên tỉnh của VNPT tăng 20%, Internet cáp quang tới 100% xã, phường và 96% số thôn, bản trên toàn quốc.
Trong năm qua, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao năng lực cho mạng 4G, VNPT đã chính thức khai trương VinaPhone 5G.
Đến thời điểm này, Vinaphone 5G đã hiện diện phủ sóng tại 63 tỉnh thành trên cả nước, chú trọng phủ sóng và cung cấp dịch vụ tại các khu vực trọng điểm về kinh tế xã hội như Trung tâm hành chính quận/huyện, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay, trường học, bệnh viện, khu du lịch.
Năm qua, VNPT đã và đang tìm kiếm các sản phẩm mới, thúc đẩy các nguồn doanh thu từ các không gian tăng trưởng mới với nhiều thành công đáng ghi nhận: Lĩnh vực ATTT tăng trưởng 58% so với cùng kỳ; lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cũng tăng trưởng 60% so với cùng kỳ.
Với việc triển khai quyết liệt chương trình chuyển đổi thuê bao 2G, VNPT là nhà mạng có số thuê bao 2G còn lại ít nhất, tỷ lệ thuê bao chuyển đổi đạt 94%.
Theo ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, năm 2024 tập đoàn đã hoàn thành tất cả các chỉ tiêu và vượt mức kế hoạch đưa ra ban đầu. Lợi nhuận đảm bảo mức độ tăng trưởng mà Ủy ban quản lý vốn nhà nước giao cho, đặc biệt tất cả VNPT các tỉnh thành đều tăng trưởng doanh thu, có nơi đạt tăng trưởng 25-27%.
Một điều đáng ghi nhận là trong cơn bão Yagi vừa qua, VNPT đã huy động 1.000 cán bộ công nhân viên trực tiếp ra với bão, lũ và VinaPhone là nhà mạng duy nhất đảm bảo liên lạc thông suốt để phục vụ cho chính quyền và người dân trong bão.
Ông Huỳnh Quang Liêm cho biết, một trong những nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm của VNPT trong năm 2024 và những năm tiếp theo là xây dựng các chương trình hành động để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra trong Đề án cơ cấu lại Tập đoàn VNPT giai đoạn đến hết năm 2025 và Chiến lược phát triển tập đoàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Năm 2025, Tập đoàn VNPT sẽ tiếp tục đầu tư bài bản vào công nghệ và con người, nâng cao năng lực quản trị, xây dựng văn hóa doanh nghiệp linh hoạt và mở rộng hợp tác với các đối tác.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ghi nhận và biểu dương các thành tích VNPT đạt được trong năm 2024.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, năm 2025 mở ra nhiều thách thức và cơ hội, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đổi mới, sáng tạo và thích ứng nhanh chóng.
Ông Nguyễn Hoàng Anh đề nghị VNPT cần tổ chức truyền thông, triển khai sâu rộng đề án cơ cấu lại, chiến lược kinh tế theo kế hoạch 5 năm Chính phủ đã phê duyệt trong năm 2024; thúc đẩy mạnh mẽ quản trị đổi mới sáng tạo ở tất cả các đơn vị trực thuộc, giữ vững và phát triển thị phần dịch vụ viễn thông, đồng thời khai phá phát triển thị trường, cần tìm giải pháp đổi mới, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng về công nghệ thông tin năm 2025; VNPT cần quan tâm đến công tác đào tạo, phát triển công tác nhân sự đảm bảo nắm bắt kịp với các xu hướng kinh doanh công nghệ mới, hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2025.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đánh giá cao kết quả VNPT đã đạt được, đặc biệt là kết quả kinh doanh tăng trưởng toàn diện trong năm qua.
Đồng thời Thứ trưởng yêu cầu VNPT nhanh chóng đổi mới để chuyển thành doanh nghiệp số, thể hiện vai trò và vị trí của tập đoàn trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong đó, VNPT cần quan tâm đến cuộc cách mạng chuyển đổi số, bởi đây là nền tảng để đất nước đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới như mục tiêu của Đảng và Nhà nước đề ra.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, với cuộc cách mạng chuyển đổi số, VNPT cần phải chuyển đổi nhanh và mạnh hơn nữa để tạo ra lực lượng sản xuất chất lượng mới.
Đồng thời chuyển đổi số sẽ tạo ra công cụ sản xuất mới, lúc này sẽ là sản xuất số, tất cả mọi hoạt động sản xuất đều dựa trên công nghệ số, sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh, xã hội thông minh…
Tất cả sẽ cùng chuyển đổi theo cuộc cách mạng mới và VNPT phải thực hiện tái cơ cấu mình.
Thay mặt Bộ TT&TT, Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng yêu cầu VNPT thực hiện một số nhiệm vụ trong thời gian tới.
Đầu tiên, VNPT phải làm chủ các công nghệ chiến lược như AI, dữ liệu mới, điện toán đám mây, blockchain…. Theo Thứ trưởng, VNPT hoàn toàn có tiềm lực để thực hiện điều này khi trở thành doanh nghiệp công nghệ số.
VNPT cần trở thành doanh nghiệp công nghệ số mang tầm thế giới và cần đầu tư cho hạ tầng số, điển hình như khai trương 5G hôm nay (20/12) và hạ tầng số phải đi trước một bước, vì đây là nền tảng cho chuyển đổi số.
Hạ tầng số phải tiên tiến, hiện đại, đặc biệt là quan tâm về hạ tầng dữ liệu. VNPT phải mạnh dạn làm trước, đây là một yêu cầu đối với doanh nghiệp công nghệ số nền tảng, để chăm lo cho cuộc cách mạng chuyển đổi số quốc gia.
VNPT cần nghiên cứu giải quyết các bài toán lớn của đất nước thay vì chờ được giao. Cần đề nghị được làm những bài toán lớn như y tế, giáo dục về khoảng cách nông thôn – thành thị hay bài toán phòng chống thiên tai... Chỉ khi nhận giải quyết các bài toán lớn VNPT mới trở thành doanh nghiệp lớn về mặt công nghệ và giải pháp.
VNPT cũng cần quan tâm đến nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực quản lý. Thứ trưởng Phạm Đức Long đánh giá, VNPT đã làm tốt khi luân chuyển cán bộ; trong thời gian tới cần mạnh dạn hơn nữa bổ nhiệm các cán bộ trẻ có điều kiện và cam kết, lúc đó mới tạo ra lực lượng cán bộ trẻ nhanh luân chuyển. Với nguồn nhân lực tốt sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch VNPT ghi nhận và cảm ơn sự chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban quản lý vốn nhà nước và Bộ TT&TT, đồng thời tin tưởng với sự nỗ lực của toàn đội ngũ, VNPT có thể làm được các yêu cầu mà các lãnh đạo đưa ra.