Đề xuất nâng mức nợ thuế cá nhân bị tạm hoãn xuất cảnh lên 50 triệu
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 13:58, 20/12/2024
Sáng 20/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trả lời báo chí về quy định ngưỡng tiền thuế nợ và thời gian nợ sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh, ông Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Pháp chế - Bộ Tài chính cho biết, trong dự thảo nghị định mới nhất của Chính phủ quy định về ngưỡng nợ thuế và thời gian nợ đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức nợ thuế quá hạn 120 ngày với cá nhân, chủ hộ kinh doanh lên mức 50 triệu đồng, tăng 40 triệu đồng so với dự thảo hồi đầu tháng 12/2024.
Mức đề xuất mới này do Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến từ truyền thông và các cơ quan liên quan.
Trước khi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan quản lý thuế sẽ có văn bản đôn đốc nộp thuế; áp dụng các biện pháp như trừ tiền trong tài khoản. Cơ quan quản lý thuế cũng sẽ thông báo cho các hộ, cá nhân trước rồi mới cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh.
Theo ông Sơn, toàn quốc còn khoảng 81.000 cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế từ 50 triệu đồng.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính cho hay mức 50 triệu đồng nêu trên phù hợp với kinh nghiệm quốc tế. Một số nước như Trung Quốc, Malaysia, Mỹ... cũng áp dụng chính sách hạn chế đi lại với các cá nhân có nợ thuế lớn và thời gian nợ dài.
Theo ông Sơn, tạm hoãn xuất cảnh người nợ thuế "là biện pháp hữu hiệu trong quản lý thuế". Biện pháp này để đảm bảo người dân và chủ hộ kinh doanh thực hiện quyền và nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.
Theo số liệu của Tổng cục Thuế (công bố ngày 19/12), năm 2024, Tổng cục Thuế đã ban hành 58.687 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tổng số tiền thuế nợ là 80.512 tỷ đồng, qua đó đã thu được 4.289 tỷ đồng của 6.648 người nộp thuế.
Trong dự thảo lấy ý kiến công chúng hồi đầu tháng 12, Bộ Tài chính đề xuất: Từ 1/1/2025, cá nhân/chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế quá hạn trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Doanh nghiệp/hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã bị cưỡng chế thi hành nợ thuế quá hạn trên 120 ngày từ 100 triệu đồng trở lên thì người đại diện pháp luật sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.
Nhiều ý kiến cho rằng ngưỡng nợ 10 triệu đồng và 100 triệu đồng như vậy là thấp.
Về Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ khẩn trương ban hành nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua kênh thương mại điện tử, bảo đảm không cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với hàng giá trị nhỏ.
Trước mắt, chấm dứt ngay hiệu lực của Quyết định 78 năm 2010 của Thủ tướng, làm cơ sở cho cơ quan quản lý thuế có căn cứ pháp lý và chế tài quản lý thu đối với các sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng hóa vào Việt Nam.
Ông Lưu Đức Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, nghị quyết của Chính phủ giao cho Bộ Tài chính trình xem xét bãi bỏ quyết định 78.
Cụ thể, ngày 4/12, Bộ Tài chính đã có văn bản xin ý kiến của Bộ Tư pháp về bãi bỏ Quyết định 78 theo đúng thủ tục, trình tự. Ngày 12/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội đồng thẩm định về việc bãi bỏ Quyết định 78.
Bộ Tài chính đang chờ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để hoàn tất thủ tục, từ đó trình Thủ tướng hủy bỏ quyết định này.