Hàng triệu người dân lên môi trường số từ chủ trương tắt sóng 2G
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 13:24, 20/12/2024
Sự cần thiết phải tắt sóng 2G đối với nền kinh tế số Việt Nam
Thống kê của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) tại thời điểm tháng 1/2024, các nhà mạng còn khoảng 18,2 triệu thuê bao 2G Only. Sau khi Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng thúc đẩy nhanh quá trình tắt sóng 2G và hỗ trợ máy đầu cuối cho khách hàng, số lượng khách hàng chuyển sang 4G đã tăng rất mạnh. Tính đến sáng ngày 15/10/2024, vẫn còn hơn 400.000 thuê bao 2G Only đang hoạt động. Tuy nhiên, đến 0h ngày 16/10, chỉ còn 234.000 thuê bao 2G Only chưa chuyển lên thiết bị 4G. Như vậy, chỉ trong vòng 10 tháng tính từ đầu năm 2024, đã có tới xấp xỉ 18 triệu thuê bao 2G only được chuyển đổi lên 4G, trong số đó có một tỷ lệ lớn chuyển sang sử dụng các thiết bị smartphone – điều kiện cần thiết để người dân có thể triển khai sử dụng các dịch vụ số, trở thành những công dân số mang tính thời đại mới. Những con số này cho thấy sự thành công trong triển khai Lộ trình tắt sóng 2G của Bộ TT&TT, các địa phương và các doanh nghiệp viễn thông trong cả nước. Điều này cũng sẽ tạo tiền đề quan trọng trong việc tiến tới phủ sóng 5G theo mục tiêu của chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, mục tiêu đến năm 2030.
Theo chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, một trong những mục tiêu quan trọng của Việt Nam là xây dựng xã hội số, thu hẹp khoảng cách số với việc phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh vào năm 2025, tiến tới phổ cập dịch vụ mạng di động 5G vào năm 2030.
Việc tắt sóng 2G là một xu thế chung, đang diễn ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới khi mạng này đã hoàn thành sứ mệnh mang tính lịch sử của mình và đang nhường bước cho những thế hệ mạng sau 3G/4G/5G mạnh mẽ hơn, an toàn và ưu việt hơn. Đặc biệt là mạng 5G được xem là một yếu tố có tính quyết định để có thể xây dựng được một xã hội số tiên tiến, toàn diện.
Với Việt Nam, 5G được xem là tương lai của xã hội số, giúp xây dựng các thành phố thông minh, xây dựng chính phủ điện tử, triển khai giáo dục, y tế từ xa, xây dựng nền công nghiệp 4.0 giúp tăng năng suất lao động với máy móc kết nối trực tiếp và robot thông minh. 5G cũng là cơ sở để có thể kết nối hàng triệu thiết bị IoT cùng lúc, phục vụ nhiều ngành nghề,… Với người dân, mạng 5G cũng đem đến những tiện ích, trải nghiệm số hóa chưa từng có như công nghệ thực tế ảo/thực tế ảo tăng cường (AR/VR), trải nghiệm xe tự lái, phát video 4k/8k, game đa nền tảng…
Có thể nói, 5G sẽ mở ra kỷ nguyên số với nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến được phát triển trên khả năng kết nối siêu nhanh và ổn định, tạo ra cơ hội mới cho sự phát triển và ứng dụng công nghệ trong xã hội.
Muốn phát triển mạng 5G và thực hiện được những mục tiêu quan trọng của chiến lược chuyển đổi số quốc gia, buộc chúng ta phải lựa chọn. Việc duy trì đồng thời nhiều hệ thống mạng 2G/3G/4G/5G và tương lai là 6G sẽ khiến cho hạ tầng viễn thông bị phân tán, gây sức ép cho các nhà mạng lẫn mạng lưới. Không những vậy, mạng 2G không còn đủ để có thể đảm nhiệm những yêu cầu của thời đại mới, không còn đủ an toàn để bảo vệ người dân trước những cuộc tấn công mạng, tấn công tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo,… Quan trọng nhất, 2G với những thiết bị “cục gạch” sẽ là bước cản lớn đối với người dân khi bước lên môi trường số. Trong bối cảnh đó, việc tắt sóng 2G để nhường hạ tầng cho các mạng 4G/5G là rất cần thiết.
Tại Công văn số 4833/BTTTT-CVT, ngày 27/9/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã định hướng lộ trình triển khai kế hoạch tắt sóng 2G trên toàn quốc. Theo đó từ tháng 9/2024, trên mạng di động sẽ không còn thuê bao 2G. Tuy nhiên, từ tháng 9/2024 - 9/2026, Bộ vẫn cấp phép cho các nhà mạng duy trì công nghệ 2G để cung cấp dịch vụ cho thuê bao 3G và 4G không có dịch vụ thoại. Từ tháng 9/2026, băng tần 900 MHz (đang dùng cho 2G) sẽ được thu hồi, đấu giá và cấp phép cho 4G, 5G. Chủ trương dừng công nghệ 2G, chuyển sang 4G phù hợp với xu thế chung của thế giới, góp phần thúc đẩy người dân chuyển sang dùng dịch vụ viễn thông tốc độ nhanh, chất lượng cao hơn, thúc đẩy chuyển đổi số. Đồng thời loại bỏ công nghệ cũ, lạc hậu, giải phóng băng tần, tiết kiệm được tài nguyên dành cho các công nghệ mới, cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho người dân.
Để đáp ứng lộ trình kể trên, ngay từ năm 2023, đặc biệt là bước sang những tháng đầu năm 2024, các nhà mạng càng gấp rút hơn bao giờ hết, thực hiện các phương án hỗ trợ người dân, khách hàng thực hiện chuyển đổi thiết bị từ 2G only lên 4G. Không dừng lại ở các biện pháp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nhà mạng còn thiết thực đem đến những ưu đãi, hỗ trợ như tặng gói cước, tặng điện thoại di động 4G, hỗ trợ kinh phí mua máy mới,… cho người dân. Sự hỗ trợ kịp thời, đúng nơi, đúng đối tượng, nhất là đối với khách hàng, người dân ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng nhiều khó khăn và những khách hàng có hoàn cảnh đặc biệt tại các thành phố…đã giúp cho số thuê bao 2G only giảm đi từng ngày.
Bão Yagi với những thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền núi phía Bắc đã khiến cho lộ trình tắt sóng 2G chậm 1 tháng, tuy nhiên đến 15/10/2024, các nhà mạng trong cả nước vẫn đồng loạt tắt sóng 2G. Con số sau cùng cho thấy sự thành công trong triển khai của Bộ TT&TT, các địa phương cùng các nhà mạng. Tuy nhiên, con đường chuyển đổi số của người dân, của các cấp bộ ngành và của cả nước vẫn chưa thể dừng lại ở đó…
Hành trình tiến tới một xã hội số toàn diện
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) thì việc dừng công nghệ 2G là cơ hội tốt cho người sử dụng làm quen với dịch vụ trên môi trường số. Những đối tượng sử dụng ở các thành phố lớn, thị trấn, thị xã, tiếp nhận thông tin đầy đủ và tương đối sẵn sàng chuyển sang smartphone. Nhưng với những người vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, người già, trẻ em, những người không có cơ hội tiếp cận thông tin đầy đủ như lớp trẻ, công tác truyền thông của nhà mạng, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị thuộc Bộ TT&TT cần được tăng cường.
Lãnh đạo Cục Viễn thông khẳng định, việc tắt sóng 2G sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân, xã hội và các doanh nghiệp. Theo đó, người dân khi chuyển sang các thiết bị 4G sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều dịch vụ mới, trong đó có các dịch vụ hành chính công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, tiếp cận thông tin qua các ứng dụng internet… Đối với các doanh nghiệp viễn thông, tắt sóng 2G sẽ giúp giảm chi phí vận hành để tăng cường nguồn lực đầu tư cho hạ tầng mạng tiên tiến hơn. Đối với nhà nước, việc không khai thác các mạng sử dụng công nghệ lỗi thời, tiêu hao năng lượng lớn sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính, dần từng bước triển khai mạng di động sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng…
Đồng thời với lộ trình tắt sóng 2G, những năm qua, Bộ TT&TT cùng các bộ ngành, địa phương, các nhà mạng trong nước cũng tích cực triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển và triển khai mạng 5G. Sau khi trở thành một trong những quốc gia đầu tiên triển khai thí điểm thành công mạng 5G trên bản đồ công nghệ thế giới từ những năm trước, Việt Nam tiếp tục tiến tới thương mại hóa 5G.
Việc đấu giá thành công 3 dải băng tần 5G quan trọng cho 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone đã tạo cơ sở cho các nhà mạng này gấp rút triển khai hạ tầng để đưa dịch vụ đi vào hoạt động chính thức. Tháng 3/2024, Viettel đấu giá thành công dải băng tần “vàng” 2500 - 2600 MHz và được quyền khai thác trong 15 năm, VinaPhone đấu giá thành công dải băng tần “hạnh phúc” 3.700 – 3.800 MHz chỉ ít ngày sau đó. Đến tháng 7, MobiFone tiếp tục đấu giá thành công băng tần 5G 3.800-3.900MHz. Đến tháng 15/10/2024, Viettel chính thức khai trương mạng 5G thương mại đầu tiên trong cả nước. Về phía VinaPhone, nhà mạng cũng đã sẵn sàng khai trương mạng 5G thương mại của mình vào ngày 20/12 này, MobiFone cũng đang trong những giai đoạn cuối để có thể hoàn thành, đưa 5G thương mại tới khách hàng của mình.
Như vậy, về cơ sở hạ tầng, những yếu tố quan trọng phục vụ cho chuyển đổi số, cho phát triển nền kinh tế số, xã hỗi số đã sẵn sàng. Cùng với các giải pháp công nghệ và sự quyết tâm của chính phủ, của các bộ ngành, địa phương, chuyển đổi số hứa hẹn những thành công chắc chắn ở phía trước.
Tắt sóng 2G là một bước đi cần thiết để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà còn góp phần phát triển kinh tế, xã hội, và cải thiện an toàn thông tin. Qua đó, Việt Nam sẽ từng bước hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế số toàn cầu, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo ra nhiều cơ hội mới cho mọi người. Việc hỗ trợ người dân chuyển đổi sang thiết bị 4G, 5G sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai.