Hơn 11 năm không "lên hình", sao la đã biến mất hay đang lẩn khuất?
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 09:43, 19/12/2024
Đã hơn 11 năm nay, giới nghiên cứu về sao la không ghi nhận được hình ảnh nào mới nào về loài "kỳ lân châu Á" này. Vậy sao la đang lẩn khuất ở các cánh rừng Trung Trường Sơn hay đã biến mất khỏi nơi đây?...
Dự án "Giải cứu Sao La khỏi bờ vực tuyệt chủng" do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) thực hiện, đã tổ chức tìm kiếm dấu vết sao la ở những nơi được cho là tiềm năng nhất tại 6 tỉnh miền Trung trong 18 tháng (2023-2024)... Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Thanh Hào, Điều phối viên của dự án xoay quanh kết quả tìm kiếm của dự án và sự tồn tại hay không tồn tại của sao la.
Thưa ông, nếu so với thời điểm chụp được ảnh sao la gần đây nhất - năm 2013 ở Quảng Nam - quy mô tìm kiếm của dự án "Giải cứu Sao La khỏi bờ vực tuyệt chủng" cùng các dự án khác những năm qua chắc hẳn lớn hơn và phương tiện tìm kiếm cũng hiện đại hơn, nhưng tại sao chúng ta không ghi nhận được hình ảnh mới nào về sao la?
- Thời điểm 2013 khi bẫy ảnh ghi nhận được hình ảnh sao la thì thực tế giai đoạn đó bẫy ảnh đặt không phải mục đích chính là tìm sao la. Nhưng rất may mắn, bẫy ảnh khi đó đã ghi lại được hình ảnh sao la và đó là phát hiện chấn động trong giới bảo tồn.
Với dự án "Giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng" vừa qua, chúng tôi đã triển khai tìm kiếm loài chủ đích là sao la trên địa bàn rộng lớn của 6 tỉnh miền Trung, từ Nghệ An tới Quảng Nam, với số lượng bẫy ảnh được lắp đặt ngoài hiện trường là 2.546 lượt và thu thập 1.178 mẫu vắt và mẫu nước suối.
Tuy nhiên, con số 2.546 lượt bẫy ảnh chỉ phủ được một phần diện tích các khu vực ưu tiên, chưa bao gồm toàn bộ tất cả khu vực tiềm năng có sao la phân bố ở các tỉnh này.
Cụ thể, đối với một khu vực ưu tiên chúng tôi sẽ lựa chọn khu vực ưu tiên nhất trong phạm vi khoảng 4ha cho một ô khảo sát. Trong ô khảo sát 4ha đấy, sẽ có 16-20 máy bẫy ảnh được cài đặt, thu thập 8 mẫu eDNA (4 mẫu vắt và 4 mẫu nước suối) và trong một lưu vực có 10 ô khảo sát như vậy.
Tổng số 80 mẫu eDNA và lượt đặt máy bẫy ảnh trong một lưu vực là 160-200 cái. Con số này không phải nhiều, diện tích khảo sát không phải lớn, nhưng là nỗ lực của WWF - Việt Nam trong việc tìm kiếm sao la. Rất tiếc, chúng tôi đã không ghi nhận được hình ảnh mới về loài thú này qua bẫy ảnh.
Việc tìm kiếm dấu vết của sao la dường như khó hơn so với giai đoạn 2010-2013 và phải chăng số lượng sao la đã giảm mạnh hoặc giả có kịch bản xấu về sự tồn tại của loài thú này, thưa ông?
- Thực tế như tôi đã đề cập, khu vực chúng tôi khảo sát chỉ mới chiếm một phần nhỏ diện tích các khu vực ưu tiên được xếp hạng cao nhất. Điều này có nghĩa là vẫn còn nhiều khu vực cần được nghiên cứu thêm.
Việc ghi nhận và phát hiện một loài thú có lẽ là bí ẩn nhất của thế kỷ 20 như sao la không chỉ đòi hỏi sự kiên trì và chuyên môn cao, mà đôi khi còn phụ thuộc yếu tố may mắn. Vì vậy, không phải nỗ lực ghi nào cũng đưa lại kết quả mong muốn ngay lập tức...
Để khẳng định liệu số lượng sao la có suy giảm hay không, cần phải có các dữ liệu, bằng chứng rõ ràng và đủ mạnh từ các khảo sát nghiên cứu liên tục, thay vì chỉ dựa vào sự khó khăn trong việc phát hiện chúng.
Lúc này, nếu ai đó nói, đã vơi cạn hy vọng về sự tồn tại của sao la ở những cánh rừng Trung Trường Sơn, ông phản hồi như thế nào?
- Sự tồn tại của sao la, các loại động vật hoang dã khác, phụ thuộc rất nhiều vào hành động, nỗ lực của chúng ta. Điều đáng mừng là trong nhiều năm qua WWF - Việt Nam cùng các đối tác địa phương, các khu bảo tồn, vườn quốc gia đã thực hiện nhiều biện pháp cụ thể để giảm thiểu các mối đe dọa, bảo vệ môi trường sống của các loài động vật hoang dã, bao gồm sao la.
Tuy nhiên, hy vọng không chỉ dựa trên kết quả hiện tại mà còn ở các hành động lâu dài. Những nỗ lực như kiểm soát săn bắt trái phép, cải thiện sinh cảnh, và tăng cường nhận thức cộng đồng đang dần tạo ra những thay đổi tích cực.
Dù chưa ghi nhận được sao la trong các khảo sát gần đây, điều này không đồng nghĩa với việc mất đi hy vọng. Thay vào đó, chúng ta cần kiên định hơn, tập trung vào các giải pháp hiệu quả hơn để khôi phục hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, vì mỗi hành động ngày hôm nay là nền tảng cho sự phục hồi trong tương lai.
Hiện tại, chúng ta không có bức ảnh mới nào về sao la, và các mẫu eDNA gồm mẫu vắt và mẫu nước đã được các ông gửi sang Đức để phân tích và xác định sự có mặt của sao la. Ông có thể cập nhật kết quả phân tích các mẫu eDNA này?
- Quá trình phân tích mẫu ADN môi trường là một quy trình phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian và độ chính xác cao. Tính đến thời điểm hiện tại, một số mẫu đã có kết quả phân tích sơ bộ. Tuy nhiên, kết quả đầy đủ cho tất cả các mẫu vẫn đang được hoàn thiện.
Quá trình này bao gồm nhiều bước phức tạp từ xử lý mẫu, giải trình tự ADN, đến so sánh dữ liệu với các cơ sở dữ liệu di truyền để xác định chính xác loài. Chúng tôi sẽ cập nhật thông tin ngay khi có đầy đủ kết quả từ phía phòng thí nghiệm ở Đức.
Một số mẫu đã được phân tích cho kết quả thế nào, thưa ông?
- Kết quả phân tích sơ bộ từ một số mẫu eDNA đã ghi nhận được sự hiện diện nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm như sơn dương, mang Trường Sơn, gấu… Tuy nhiên, loài chủ đích sao la thì chưa có ghi nhận nào trong các mẫu được phân tích đến thời điểm này. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin khi có thêm kết quả phân tích từ các mẫu khác.
Người ta đã nói rất nhiều về việc sao la có thể qua lại giữa Việt Nam và Lào. Vậy có dự án nào tại Lào thực hiện song song với dự án của WWF - Việt Nam hay không và kết quả tìm kiếm tại nước bạn có khả quan không, thưa ông?
- Việt Nam và Lào có một nhóm làm việc chung mang tên Sao La Working Group, bao gồm mạng lưới các thành viên tích cực cam kết bảo tồn sao la. Đây là nỗ lực hợp tác xuyên biên giới nhằm bảo vệ loài động vật cực kỳ quý hiếm này trong môi trường sống tự nhiên của chúng.
Tại Lào, cũng có những hoạt động tìm kiếm sao la, nhưng quy mô chưa lớn và cho đến nay chưa ghi nhận được bằng chứng cụ thể mới nào về sự hiện diện của loài này. Tuy nhiên, những hoạt động này vẫn rất quan trọng trong việc bảo vệ và duy trì môi trường sống tự nhiên của sao la, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các nghiên cứu và bảo tồn trong tương lai.
WWF và các đối tác tại cả hai quốc gia vẫn đang nỗ lực hợp tác để mở rộng phạm vi nghiên cứu, tăng cường quản lý sinh cảnh, và hỗ trợ công tác giám sát sao la nhằm tìm ra giải pháp bảo tồn hiệu quả hơn.
Các ông nói sao la là loài động vật bí ẩn nhất ở thế kỷ 20, vậy ở thế kỷ 21 này thì sao?
- Cho đến nay, các thông tin và bằng chứng khoa học về sao la còn rất hạn chế, từ môi trường sống, hành vi, tập tính đến quần thể loài. Sự bí ẩn này không chỉ đến từ việc sao la cực kỳ hiếm gặp, mà còn từ việc chúng sống ở những khu vực rừng núi hẻo lánh và khó tiếp cận.
Ngay trong thế kỷ 21, sao la vẫn được coi là một trong những loài thú bí ẩn nhất đối với giới khoa học. Điều này đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng tạo động lực lớn để các nhà khoa học, tổ chức bảo tồn và cộng đồng tiếp tục nghiên cứu và bảo vệ loài thú này, nhằm tránh nguy cơ chúng biến mất trước khi chúng ta kịp hiểu rõ hơn về chúng.
Trở lại với dự án "Giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng", khi triển khai, các ông đã đặt bẫy ảnh và thu mẫu eDNA ở những nơi được cho là tiềm năng nhất chưa?
- Đây là một trong những dự án lớn nhất trong nỗ lực tìm kiếm và phát hiện sao la của WWF - Việt Nam nhiều năm qua.
Hợp phần đầu tiên của dự án là khảo sát kiến thức sinh thái học bản địa của người dân địa phương tại 6 tỉnh miền Trung Việt Nam. Đây là cách tiếp cận hoàn toàn mới. Những người trực tiếp sinh sống, gắn bó lâu đời ở các vùng đó cung cấp thông tin và từ đó chúng tôi đã xác định được 55 vùng ưu tiên còn khả năng tồn tại sao la.
Dự án triển khai trực tiếp tại 16 điểm có đánh giá là tiềm năng cao nhất mà sao la có thể còn hiện diện theo kết quả khảo sát. Ngoài số lượt bẫy ảnh như đã đề cập, chúng tôi còn thu được 1.178 mẫu eDNA, bao gồm mẫu vắt, mẫu nước suối.
Phương pháp đặt bẫy ảnh thì không có sự lặp lại mà bẫy ảnh được đặt ở trong rừng với thời gian tối thiểu là 2 tháng.
Việc đặt bẫy ảnh và thu mẫu eDNA liệu đã bảo đảm để tiếp cận sao la hiệu quả nhất chưa, thưa ông?
- Chúng tôi phối hợp với các đối tác để xây dựng quy trình chuẩn khảo sát sao la.
Trong đó, khác với phương pháp đặt bẫy ảnh theo dạng lưới cách nhau 500m hay 1km, chúng tôi tập trung đặt bẫy ảnh ở các vùng thuộc lưu vực có ưu tiên cao nhất và mật độ đặt cũng dày nhất, để đảm bảo trong phạm vi khu vực nhỏ có tính ưu tiên cao nhất thì khả năng bắt gặp sao la là lớn nhất.
Phương pháp thu mẫu vắt, mẫu nước suối cũng tương tự. Trong đó, chúng tôi thu mẫu nước suối ở khu vực hạ lưu và thượng lưu để đảm bảo trong trường hợp sao la đi qua suối, lưu mẫu eDNA trong nước đủ lớn thì cơ hội, xác suất phát hiện ra sao la là lớn nhất.
Hai phương pháp bổ trợ cho nhau, trong trường hợp bẫy ảnh chưa thể ghi nhận được, mẫu eDNA thu được tại khu vực đó sẽ bổ sung cho kết quả bẫy ảnh.
Ông có thể giải thích về việc thu và phân tích mẫu vắt?
- Nếu trong vùng có sao la và cá thể vắt nào đó hút máu sao la thì máu này tồn tại trong cơ thể của cá thể vắt, eDNA còn lưu lại có thể đến vài tháng. Nếu các mẫu vắt có ghi nhận eDNA của sao la theo quy trình phân tích trong phòng nghiên cứu thì sẽ xác định được có sao la ở vùng đó.
Quy trình tìm kiếm như ông phân tích là được chuẩn hóa, vậy nếu sao la còn tồn tại trong những cánh rừng ở Trung Trường Sơn mà chúng ta chưa ghi nhận được thì điều đó thuộc khả năng nào?
- Đôi khi tìm kiếm, phát hiện ra các loài động vật hoang dã cần có cơ duyên, may mắn.
Nhưng may mắn cũng cần dựa trên kiến thức khoa học và rõ ràng WWF - Việt Nam đã cùng với các đối tác xây dựng phương pháp tối ưu để tìm kiếm sao la.
Tất nhiên, trong phạm vi thời gian còn ngắn, với nguồn lực như vậy thì chưa thể khẳng định tất cả các lưu vực được khảo sát đó không có sao la.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!