Hoang mang vì 'ma trận' lời khuyên sức khỏe

Tin Y tế - Ngày đăng : 18:29, 18/12/2024

Nhiều cha mẹ hoang mang rơi vào "ma trận" thông tin sức khỏe, khi cùng loại bệnh lại nhận được nhiều tư vấn chuyên môn khác nhau.

Làm mẹ ở tuổi 23, Nguyễn Hiền (SN 2001, Hà Nội) gặp không ít bỡ ngỡ. Thời gian gần đây, bé thường xuyên khó ngủ, ngủ không sâu giấc, hay giật mình, quấy khóc khiến người mẹ trẻ càng thêm áp lực.

Một lần, xem video trên mạng xã hội, chị thấy người phụ nữ mặc áo blouse giới thiệu là bác sĩ bệnh viện lớn ở Hà Nội, chuyên tư vấn các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng và giấc ngủ trẻ nhỏ. Người này cho rằng, “thủ phạm” khiến trẻ khó ngủ do cha mẹ dùng vitamin D3K2 (là loại vitamin kết hợp 2 thành phần chủ yếu là vitamin D3 và vitamin K2).

Nghe xong chị Hiền khá hoang mang vì cũng đang cho con sử dụng vitamin D3K2. Đem những thông tin vừa xem được tra cứu Google, chị thấy "ma trận" bài viết tư vấn về lợi ích của vitamin D3K2, cả những hệ luỵ khi bổ sung vitamin không đúng cách.

Không biết nghe theo nguồn thông tin nào, chị còn đăng ký vào ứng dụng sức khoẻ trên điện thoại để mua gói khám online với giá từ 50.000 đồng/5 phút, 100.000 đồng/10 phút, 200.000 đồng/20 phút, 500.000 đồng/lượt khám.

Chị Hiền được một người giới thiệu là chuyên gia dinh dưỡng đang công tác tại Hà Nội giải thích, việc bổ sung vitamin D3K2 phù hợp rất quan trọng, đặc biệt đối với trẻ. Loại vitamin này đóng vai trò quan trọng hỗ trợ quá trình phát triển và duy trì sức khỏe xương của trẻ. D3K2 được chứng minh có thể hỗ trợ giúp trẻ ngủ ngon hơn, giảm quấy khóc, đặc biệt là quấy khóc đêm.

Tuy nhiên, liều lượng bổ sung cho trẻ sơ sinh cần được điều chỉnh theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe của bé. Việc dùng D3K2 sai cách hoặc lựa chọn sản phẩm D3K2 không phù hợp có thể là lý do trẻ vặn mình, khó ngủ.

Chị Hiền được khuyên nên bổ sung vitamin D3K2 cho con trong hoặc sau bữa ăn sáng. Chúng đều tan trong dầu, nếu dùng trước bữa ăn, dạ dày của trẻ chưa có dầu và chất béo sẽ khó hấp thụ hơn. Bà mẹ trẻ cũng được chuyên gia dinh dưỡng này cung cấp số điện thoại, địa chỉ của khoa, phòng để có thể đưa con đến khám, nghe tư vấn trực tiếp.

Người dân nên tham khảo thông tin chính thống từ các bác sĩ có chuyên môn. (Ảnh minh hoạ)
Người dân nên tham khảo thông tin chính thống từ các bác sĩ có chuyên môn. (Ảnh minh hoạ)

Vợ chồng anh Nguyễn Hải Đăng, chị Lê Thị Thơm (cùng 35 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) cũng vừa trải qua một tuần hoang mang, lo lắng. Con trai anh chị mới 10 tháng tuổi, có biểu hiện ho, sốt. Khi "lướt" mạng xã hội ở hai thời điểm khác nhau, chị thấy hai bác sĩ một bệnh viện tư nhân, một bệnh viện công tư vấn cách chăm sóc sức khoẻ trẻ bị ốm khác nhau.

Cụ thể, theo chủ tài khoản mạng xã hội V.V.H hơn 10 nghìn lượt theo dõi, trẻ bị ho, sốt, không sổ mũi, không rối loạn tiêu hoá là bị sốt virus. Người nhà có thể cho trẻ uống Efferalgan 80mg x 10 gói, ngày 6 lần, mỗi lần uống 1 gói.

Cảm thấy không yên tâm, chị Thơm tiếp tục tìm tư vấn từ bác sĩ khác có tên tài khoản mạng xã hội là B.K với 12 nghìn lượt theo dõi. Người này cho rằng trẻ bị sốt, ho là do viêm amidal, chỉ cần theo dõi, nếu trẻ tiếp tục sốt cao kéo dài có thể cho trẻ uống kháng sinh Klamoks.

Chị Thơm ôm con đến bệnh viện nhi gần nhà thăm khám, kết quả trẻ bị viêm đường hô hấp trên, bác sĩ chỉ định nằm viện theo dõi và chăm sóc theo phác đồ của Bộ Y tế.

Các chuyên gia khuyên, khi trẻ có bất thường về sức khoẻ nên đưa đến cơ sở khuyên khoa thăm khám. (Ảnh minh hoạ: Như Loan)
Các chuyên gia khuyên, khi trẻ có bất thường về sức khoẻ nên đưa đến cơ sở khuyên khoa thăm khám. (Ảnh minh hoạ: Như Loan)

Người bệnh nên tỉnh táo

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện y học Ứng dụng Việt Nam, khoảng 90% các bà mẹ đưa con đến khám đều gặp các vấn đề về dinh dưỡng hoặc bệnh lý, do nhận thức sai lầm đến từ các nguồn thông tin không chính thống.

“Ví dụ áp dụng phương pháp nuôi con kiểu Nhật Bản, nuôi con ăn chỉ huy thì các phương pháp đó chỉ đúng cho từng nhóm trẻ. Trẻ đang suy dinh dưỡng cấp mà lại áp dụng ăn chỉ huy thì rõ ràng tình trạng sức khoẻ của trẻ sẽ ngày càng trầm trọng”, bác sĩ Sơn nói.

Theo chuyên gia, không thể phủ nhận vai trò của công nghệ thông tin trong việc phổ cập kiến thức y tế, truyền thông y tế đến người dân. Tuy nhiên, việc sử dụng các trang mạng xã hội hiện nay người dùng phải biết chọn lọc thông tin.

Là bác sĩ thường xuyên chia sẻ kiến thức y tế thường thức trên một số trang mạng xã hội, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho rằng, việc khám chữa bệnh online là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên để hoạt động hình thức này hiệu quả cần phải có quy định rõ ràng, chặt chẽ. Việc tư vấn sức khỏe cho người dân không khó nhưng việc khám chữa bệnh từ xa không đơn giản. Tùy từng bệnh lý, bác sĩ có thể có những tư vấn tạm thời hoặc khuyến cáo người dân nên đến cơ sở y tế để thực hiện thêm các xét nghiệm.

Bác sĩ Sơn kiểm tra sức khoẻ cho trẻ đến khám. (Ảnh minh hoạ: VIAM)
Bác sĩ Sơn kiểm tra sức khoẻ cho trẻ đến khám. (Ảnh minh hoạ: VIAM)

Lấy ví dụ về việc bệnh nhân có biểu hiện đau họng, bác sĩ chỉ nên chia sẻ những bệnh lý mà người bệnh có thể mắc phải, không thể đưa ra chẩn đoán chính xác bệnh nhân mắc bệnh gì. Để có kết quả cụ thể hơn, bệnh nhân cần phải đến các cơ sở y tế để thực hiện những xét nghiệm liên quan. Ngoài ra, khi khám bệnh từ xa, việc kê đơn thuốc cũng cần phải hết sức cẩn trọng bởi bệnh nhân có thể dị ứng thuốc.

Theo chuyên gia, việc tự tìm kiếm thông tin trên mạng có thể hữu ích trong một số trường hợp, nhưng luôn cần có sự xác nhận và tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa. Tra cứu thông tin không chính xác có thể dẫn đến lo lắng hoảng loạn, thậm chí ảnh hưởng lớn đến tâm lý. Việc thăm khám, tư vấn bởi các chuyên gia y tế là rất quan trọng để bệnh nhân được chẩn đoán chính xác, tránh những lo lắng không cần thiết.

Bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên tỉnh táo khi lựa chọn các dịch vụ tư vấn, khám bệnh trên mạng xã hội. Nhiều người nhẹ dạ cả tin, không kiểm chứng thông tin khi tìm đến các trang tư vấn, khám bệnh không đảm bảo chất lượng. Điều này khiến người bệnh bị tư vấn, chẩn đoán sai hoặc kê toa thuốc không đúng tình trạng bệnh, dẫn đến tiềm ẩn nguy hiểm sức khỏe, bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.

Chưa kể, một số “bác sĩ online” tự giới thiệu tên tuổi, chuyên môn nhưng chưa chắc đã được đào tạo bài bản, khi người bệnh tin tưởng và làm theo những hướng dẫn không có kiểm chứng dễ dẫn đến những hệ luỵ nguy hiểm không thể lường trước.

Như Loan