Đặt tên cho nơi an vị tượng vua Lê Lợi tại TPHCM
Dòng chảy - Ngày đăng : 13:25, 17/12/2024
UBND TPHCM vừa báo cáo, kiến nghị Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM chấp thuận nội dung về vị trí đặt tượng vua Lê Lợi tại phía trước trụ sở Quận ủy, UBND quận 6. Trong đó, thành phố đã tính toán việc đặt tên cho nơi an vị bức tượng này.
Trước đó, quận 6 đã đề xuất đặt tên cho vị trí mới của tượng vua Lê Lợi là Hoa viên Lê Lợi. Tên gọi này nhằm tôn vinh vị vua đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, giành độc lập cho đất nước, thể hiện niềm tự hào và lòng biết ơn đối với vị anh hùng dân tộc.
Góp ý về tên gọi trên, Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) TPHCM đã đề xuất UBND TPHCM giao quận 6 nghiên cứu, sử dụng tên Công viên Lê Lợi. Tên gọi Công viên Lê Lợi sẽ đảm bảo ý nghĩa lịch sử, tính khoa học, sự tôn trọng của chính quyền thành phố, quận 6 và phù hợp các quy định pháp luật liên quan.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch UBND quận 6, cho biết, ban đầu, chính quyền quận đề xuất sử dụng tên Hoa viên Lê Lợi vì diện tích khu đất đặt tượng không quá lớn. Tuy nhiên, sau khi rà soát các quy định pháp luật, Sở VH&TT đưa ra phương án sử dụng tên Công viên Lê Lợi và quận cũng đồng tình với phương án này.
Về thiết kế và thi công, Sở VH&TT kiến nghị UBND TPHCM giao UBND quận 6 điều chỉnh các nội dung theo góp ý của các nguyên lãnh đạo thành phố, các vị lão thành cách mạng, chuyên gia và nhà sử học. Quận 6 cần chuẩn bị thực hiện thực hiện thiết kế và thi công phần móng cọc, trụ đứng, hệ thống chiếu sáng để sẵn sàng tiếp nhận và đặt tượng vua Lê Lợi khi được bàn giao.
Hiện tại, UBND TPHCM đã thống nhất và đề xuất Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chấp thuận phương án đặt tượng vua Lê Lợi tại phía trước trụ sở Quận ủy, UBND quận 6.
Trung tâm hành chính của quận 6 có sự liên kết với các trục đường chính như đại lộ Võ Văn Kiệt, Hậu Giang, Phạm Văn Chí, cầu đường Bình Tiên, cùng các công trình khác đang được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Vị trí mới cho tượng vua Lê Lợi cũng có sự kết nối, gắn bó với Chợ Bình Tây đã hình thành, phát triển hơn 100 năm, đi vào tiềm thức của người dân Sài Gòn - Chợ Lớn và sự phát triển của TPHCM.
UBND quận 6 cũng phân tích, nếu an vị tượng vua Lê Lợi tại đây cũng tạo trục liên kết trong phát triển du lịch chung với Chợ Bình Tây - Nhà truyền thống cách mạng người Hoa - hầm in bí mật Ban Tuyên huấn Hoa vận. Bức tượng sẽ gắn với hình ảnh trên bến dưới thuyền của tuyến kênh Lò Gốm, Bến Bình Đông, kênh Hàng Bàng…
Theo phương án trên, tượng vua Lê Lợi sẽ được thiết kế, phục dựng gần như nguyên bản với hình ảnh vị vua đứng trên đài sen, mô đất được cách điệu hình tròn - vuông nhô cao của đỉnh nhụy sen, hạt sen là hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật, vật liệu sử dụng là đá xanh rêu Thanh Hóa. Phương án này sẽ tiết kiệm 8 tỷ đồng so với việc đặt tượng vua Lê Lợi tại Công viên Phú Lâm.