Vận hành sàn thương mại điện tử chuyên biệt về nông sản đầu tiên tại Việt Nam
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 20:37, 12/12/2024
Chiều 12/12, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - Vietnam Post đã công bố ra mắt nongsan.buudien.vn - sàn thương mại điện tử chuyên biệt về nông sản chất lượng cao đầu tiên tại Việt Nam, do Vietnam Post làm chủ về công nghệ và vận hành.
Theo Vietnam Post, sàn nongsan.buudien.vn không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hằng ngày mà còn mang đến cho người dùng nhiều lựa chọn làm quà biếu, tặng người thân, bạn bè, đối tác.
Sàn được định hướng từng bước mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia khác.
Cụ thể, với mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, quy trình lựa chọn, kiểm định chất lượng sản phẩm đưa lên nongsan.buudien.vn đã được xây dựng theo các quy định và tiêu chuẩn chất lượng quốc gia.
Các sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra thông tin sản phẩm. Ngoài ra, Vietnam Post sẽ đảm bảo để sản phẩm luôn giữ được sự ổn định về chất lượng và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Từng câu chuyện về đặc điểm vùng trồng, khí hậu, thổ nhưỡng, văn hóa, yếu tố lịch sử liên quan đến mỗi loại nông sản đều được mô tả chi tiết trên từng sản phẩm. Qua đó, giúp người dùng thấy gần gũi, thân quen, tin tưởng hơn, đồng thời gia tăng giá trị cho sản phẩm.
“Hơn cả việc mang nông sản lên môi trường số, sàn nongsan.buudien.vn sẽ đóng vai trò cầu nối, gắn kết nông sản với văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương”, ông Nguyễn Trường Giang, phụ trách HĐTV Vietnam Post cam kết.
Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT) Trần Minh Tuấn cho rằng: Việc xây dựng và vận hành một sàn thương mị điện tử dành riêng cho nông sản là giải pháp thiết thực để giải quyết 3 vấn đề trọng yếu gồm tiêu thụ nông sản bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và hỗ trợ người nông dân.
Nhận định sự ra đời sàn nông sản Bưu điện là rất kịp thời và bước khởi đầu cho chặng đường mới, ông Trần Minh Tuấn phân tích, sàn này sẽ gắn kết các công cụ số, đặc biệt là bán hàng trực tuyến – livestream với hơn 14.000 điểm phục vụ của Vietnam Post trên toàn quốc để tạo thành hệ thống ‘cửa hàng’ giao dịch nông sản lớn, nhanh và gần người dân nhất.
Ông Trần Minh Tuấn thông tin: Bộ TT&TT đang phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng bản ghi nhớ hợp tác triển khai chương trình đánh giá, thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp trong năm 2025, với 5 nhiệm vụ chính.
Trong đó, có việc xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm và dịch vụ số lĩnh vực nông nghiệp. “Sàn giao dịch nông sản phải là một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái này”, ông Trần Minh Tuấn nhấn mạnh.
Lãnh đạo Vụ Kinh tế số và Xã hội số kỳ vọng, sàn nông sản Bưu điện không chỉ là nơi giao dịch mà còn là cầu nối để kết nối chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho người dân khu vực nông thôn và những doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất trong ngành nông nghiệp; giới thiệu văn hóa nông nghiệp Việt Nam với thế giới.
Muốn vậy, Vietnam Post được khuyến nghị phải không ngừng cải tiến, hoàn thiện công nghệ, chú trọng trải nghiệm của người dùng; đảm bảo an toàn, minh bạch cho mọi giao dịch; sớm có kế hoạch cụ thể để thúc đẩy giao dịch xuyên biên giới.
Đơn vị vận hành sàn nongsan.buudien.vn cũng cần chủ động áp dụng các công cụ số, nhất là livestream để biến các điểm phục vụ của Bưu điện thành các trường quay, gắn nông sản với du lịch văn hóa, xây dựng thương hiệu nông sản Việt vươn xa.
Tại sự kiện, Vietnam Post và TikTok đã ký kết thỏa thuận hợp tác để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn.
Theo đó, Vietnam Post và TikTok Việt Nam sẽ cùng các đối tác quản lý mạng lưới nhà sáng tạo nội dung lan tỏa giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể từ các vùng miền đến người dùng trong nước và thế giới.
Hai đơn vị cũng phối hợp giúp người dân tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có thể tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện với hàng trăm đặc sản của các địa phương trên cả nước thông qua điểm Bưu điện văn hóa xã.
Đồng thời, nâng cao năng lực kỹ năng số cho nhân viên Bưu điện văn hóa xã, đưa họ trở thành những đại sứ quảng bá nông sản và giá trị văn hóa địa phương trên nền tảng số.