Javelin vs Kornet: Vũ khí nào lợi hại hơn?

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 19:47, 12/12/2024

Trong các cuộc xung đột gần đây, vũ khí chống tăng, trong đó có tên lửa dẫn đường diệt tăng đã chứng minh thực tế rằng xe tăng là mục tiêu dễ tổn thương.

Vũ khí chống tăng đang thay đổi chiến trường

Nhà phân tích quân sự người Mỹ Brandon Weichert đánh giá, các hệ thống vũ khí và chiến thuật từng được coi là thiết yếu của chiến tranh hiện đại. Các tổ hợp máy bay không người lái (UAV) và đạn chống tăng dạng tandem (2 đầu nổ nối tiếp) đã xác định lại vai trò của xe bọc thép trong chiến đấu hiện đại.

Theo lời ông Brandon Weichert, có hai hệ thống tên lửa chống tăng được coi là ví dụ điển hình và quan trọng về hiệu quả của loại vũ khí này trong xung đột. Một loại này tên lửa Javelin của Mỹ và loại còn lại tên lửa Kornet của Nga. Dù các bên trong các cuộc xung đột đã thích nghi với sự hiện diện của những loại vũ khí chống tăng nguy hiểm trên chiến trường và tìm cách hạn chế hiệu quả của chúng, nhưng các loại tên lửa chống tăng vẫn tiếp tục để lại dấu ấn không thể phủ nhận.

Tên lửa Kornet thế mạnh ở chi phí rẻ, tin cậy và khả năng xuyên phá tới hơn 1.000m giáp thép. Ảnh: Rian 

Chính vì hiệu quả của vũ khí chống tăng, nhiều chuyên gia quân sự đã muốn xem xét lại vai trò của xe tăng - thiết giáp và không còn coi nó là vũ khí khả thi và hiệu quả trong chiến tranh. Đánh giá như vậy có vẻ quá sớm, nhưng điều quan trọng là phải hiểu được tầm quan trọng của loại vũ khí chống tăng trên chiến trường hiện nay.

Nhà phân tích quân sự Brandon Weichert đã đặt tổ hợp tên lửa Javelin và Kornet lên “bàn cân” để so sánh sức mạnh của chúng dựa trên hiệu quả trên chiến trường.

“Mũi lao thần thánh” Javelin

Tên lửa chống tăng Javelin là một trong những hệ thống vũ khí tốt nhất của NATO. Nó được phát triển bởi liên doanh giữa các công ty quốc phòng Mỹ Lockheed Martin và Raytheon. Việc sản xuất hàng loạt Javelin bắt đầu vào năm 1994.

Tầm bắn của tên lửa này từ 65m đến 4.000m. Đầu đạn của tên lửa là loại tandem, đa năng. Trọng lượng của tổ hợp là 15,5kg. Đây là tổ hợp vũ khí khá cơ động trên chiến trường. Việc bắn từ Javelin được thực hiện theo nguyên tắc “bắn và quên”, tức là sau khi tên lửa rời bệ nó sẽ tự tìm kiếm và tấn công mục tiêu không cần điều hướng từ xạ thủ. Đây là loại vũ khí hoạt động tốt trong mọi thời tiết cả ngày lẫn đêm. Khi bắn, hiệu quả của tên lửa chống tăng có thể bị giảm trong điều kiện khói bụi hoặc sương mù.

Tạp chí Forbes giải thích rằng loại đầu đạn tên lửa tandem đảm bảo tiêu diệt mục tiêu sau mỗi đòn đánh. Theo đánh giá của giới chức quân sự Mỹ, tỷ lệ đánh trúng mục tiêu của Javelin đạt trên 90%.

Tổ hợp tên lửa Javelin lại có thế mạnh ở khả năng bắn và quên và tính cơ động cao trên chiến trường. Ảnh: Topwar

Kornet - Sát thủ diệt tăng

Tên lửa Kornet là tên lửa chống tăng dẫn đường tốt nhất trong lực lượng vũ trang Nga. Tầm bắn của Kornet là 5,5km (các phiên bản mới nhất của hệ thống này có tầm bắn khoảng 10km). Tên lửa được điều khiển bằng chùm tia laser sử dụng đầu đạn xuyên phá nối tiếp.

Để đạt được hiệu quả cao trong tác chiến, người điều khiển Kornet phải giữ mục tiêu trong tầm ngắm của bệ phóng cho đến khi tên lửa chạm mục tiêu. Điều này mang lại độ chính xác cao so với một số tên lửa chống tăng khác. Hiệu quả của tên lửa Kornet đã được minh chứng trong nhiều cuộc xung đột trên thế giới và đã hạ bệ nhiều loại xe tăng được quảng cáo có khả năng bảo vệ hàng đầu thế giới như Merkava-4, Leopard-2, M1 Abrams hay Challenger-2...

Thực tế chiến trường chứng minh, Kornet rất hiệu quả khi đối phó với các đơn vị xe tăng phương Tây vốn được quảng cáo có khả năng bảo vệ mạnh mẽ.  Đầu đạn kiểu tandem nặng 5kg của Kornet xuyên thủng lớp giáp dày hơn 1.000mm thép sau giáp phản ứng nổ của các dòng xe tăng hiện đại. Đây là một sát thủ xe tăng thực sự.

Nhà phân tích quân sự Brandon Weichert đánh giá, dù Javelin mang nhiều công nghệ hiện đại, trong cuộc xung đột tiêu hao kéo dài, tên lửa Kornet của Nga sẽ chiếm ưu thế. Nó là loại vũ khí mạnh mẽ trong cuộc chiến bất đối xứng chống phương tiện chiến đấu hạng nặng phức tạp, đắt đỏ. Tuy nhiên, nếu trong các cuộc xung đột chớp nhoáng hay tác chiến đặc nhiệm thì tên lửa Javelin lại có lợi thế với khả năng cơ động và tính năng "bắn và quên" hiện đại hơn.

TUẤN SƠN (tổng hợp)