Quân sự thế giới hôm nay (12-12): Hệ thống phòng thủ tên lửa mới của Mỹ vượt trội hơn S-400 và S-500?
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 07:13, 12/12/2024
* Hệ thống phòng thủ tên lửa mới của Mỹ vượt trội hơn S-400 và S-500?
Nhờ những tiến bộ trong phòng thủ tên lửa, Mỹ gần đây đã phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa tầm trung mới có tên gọi Dark Eagle. Hệ thống tên lửa này, được tích hợp hệ thống vũ khí siêu vượt âm tầm xa phóng thẳng đứng (LRHW AUR), trang bị tên lửa đẩy hai tầng chứa đầu đạn lượn siêu vượt âm (C-HGB), có khả năng đạt tốc độ lên tới Mach 17. Việc thử nghiệm hệ thống tên lửa này đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình phát triển công nghệ siêu vượt âm của Mỹ.
Dark Eagle là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm trung, được tích hợp hệ thống vũ khí siêu vượt âm tầm xa phóng thẳng đứng. Ảnh: US DoD |
Quân đội Mỹ có kế hoạch sẽ hoàn tất việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa này trong vòng 1-2 năm. Dự kiến hệ thống này sẽ được đặt tại Đức, trong khu vực MRBM (tên lửa đạn đạo tầm trung) được chỉ định để ngăn chặn hỏa lực tầm xa của đối phương và tiêu diệt các mục tiêu có giá trị ở phạm vi lên tới 3.000km.
Khi ở trên cao, đầu đạn C-HGB sẽ tách khỏi tên lửa đẩy và bắt đầu lượn nhanh xuống mục tiêu, có khả năng đạt tốc độ từ 3.000- 3.700m/giây ở độ cao dưới 50km. Sự kết hợp giữa tốc độ và tính không thể đoán trước này khiến việc đánh chặn một loại vũ khí như vậy gần như là không thể với hầu hết các hệ thống phòng không hiện tại. Đây chính là lý do Dark Eagle được đánh giá là vượt trội hơn các hệ thống S-300V4, S-400 và S-500. Các hệ thống này dù đạt hiệu quả ở độ cao thấp hơn nhưng có thể gặp khó khăn trong việc đánh chặn đầu đạn siêu vượt âm có tính cơ động cao.
So với các hệ thống phòng thủ tên lửa nêu trên, Dark Eagle có sự khác biệt đáng kể về thiết kế, công nghệ và khả năng đánh chặn. S-500 tích hợp các công nghệ để đánh chặn tên lửa ở độ cao rất lớn, nhưng hệ thống này cũng có thể gặp khó khăn trong việc theo dõi đầu đạn siêu vượt âm ở độ cao thấp hơn. Mặt khác, Dark Eagle dường như được thiết kế để khai thác những điểm yếu này, đặc biệt là bằng cách di chuyển ở tốc độ và độ cao vượt qua khả năng các hệ thống nói trên, tạo ra một cuộc chạy đua công nghệ để liên tục thích ứng và tăng cường khả năng phòng thủ trước các mối đe dọa siêu vượt âm.
* Pháp sản xuất pháo tự hành Caesar 8x8 cho Cộng hòa Czech
Mới đây, tập đoàn KNDS của Pháp đã hoàn thành việc chế tạo 2 pháo tự hành Caesar 8x8 đầu tiên cho Quân đội Czech theo hợp đồng 62 tổ hợp pháo. Những pháo tự hành này đang được thử nghiệm tại cơ sở sản xuất ở Pháp, trước khi chuyển giao cho Cộng hòa Czech vào tháng 3-2025. Tất cả 62 tổ hơp pháo dự kiến sẽ được chuyển giao vào cuối năm 2026, thể hiện nỗ lực hiện đại hóa năng lực pháo binh của Cộng hòa Czech.
Theo hợp đồng, KNDS sẽ sản xuất 62 pháo tự hành Caesar 8x8 cho Cộng hòa Czech, trong đó 4 tổ hợp đang được lắp ráp tại Pháp, số còn lại được sản xuất tại Czech. Ảnh: Army Recognition |
Theo đó, biến thể pháo tự hành Caesar của Czech được lắp trên khung gầm Tatra 8x8, cho phép cải thiện khả năng cơ động và sức chứa đạn so với phiên bản 6x6 tiêu chuẩn. Caesar được trang bị pháo 155mm/52 có tầm bắn 40km khi sử dụng đạn pháo tầm xa mở rộng (ERFB) và lên tới 55km khi sử dụng đạn chuyên dụng. Hệ thống này cũng được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực và liên lạc tự động.
Việc thử nghiệm pháo tự hành Caesar 8x8 ban đầu được lên kế hoạch vào năm 2023, sau đó bị hoãn lại đến năm 2024 do điều chỉnh chuỗi cung ứng. Các cuộc thử nghiệm sẽ được tiến hành tại Cộng hòa Czech, bao gồm các đánh giá về độ chính xác khi bắn và độ tin cậy khi vận hành.
Chương trình hiện đại hóa Lực lượng vũ trang Czech là một phần trong chương trình điều chỉnh năng lực phòng thủ quốc gia theo yêu cầu của NATO. Chương trình này bao gồm tăng cường phạm vi phát hiện radar tới 40km, cải thiện khả năng sẵn sàng hoạt động trong môi trường khó khăn và triển khai các hệ thống tự động cho các hoạt động phi tập trung.
* Mỹ cung cấp linh kiện trực thăng MH-60R cho Ấn Độ
Theo thông tin do Chính phủ Mỹ công bố, Bộ Ngoại giao nước này đã phê duyệt một thỏa thuận vũ khí quan trọng với Ấn Độ, ước tính trị giá 1,17 tỷ USD. Thỏa thuận này bao gồm thiết bị tiên tiến hỗ trợ cho trực thăng đa nhiệm MH-60R.
MH-60R Seahawk là trực thăng hàng hải đa nhiệm do bộ phận Sikorsky của Lockheed Martin sản xuất. Ảnh: US DoD |
Theo đó, Ấn Độ đã mua lại 30 hệ thống phân phối thông tin đa chức năng - hệ thống radar liên kết dữ liệu chiến thuật chung (MIDS-JTRS), cùng với một loạt các hệ thống và dịch vụ hỗ trợ. Ấn Độ sẽ nhận được các hệ thống truyền dữ liệu tiên tiến, thùng nhiên liệu ngoài và hệ thống hồng ngoại để nâng cao hiệu quả hoạt động của trực thăng MH-60R. Hợp đồng này cũng bao gồm việc phát triển phần mềm, tích hợp đạn dược, hỗ trợ hậu cần, đào tạo nhân sự và khả năng sửa chữa.
MH-60R Seahawk là trực thăng hàng hải đa năng do bộ phận Sikorsky của Lockheed Martin sản xuất. Việc đưa trực thăng này vào biên chế Hải quân Ấn Độ đánh dấu nỗ lực hiện đại hóa nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng hoạt động và tăng cường an ninh hàng hải ở Khu vực Ấn Độ Dương. MH-60R được thiết kế cho hoạt động tác chiến chống ngầm (ASW), tác chiến chống tàu mặt nước (ASuW), thu thập thông tin tình báo và nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.
Được trang bị các cảm biến và hệ thống nhiệm vụ tiên tiến, MH-60R cung cấp khả năng nhận thức tình huống vượt trội. Radar đa chế độ AN/APS-153(V) giúp tăng cường khả năng tìm kiếm trên mặt nước và phát hiện kính tiềm vọng, trong khi sonar tần số thấp trên không AN/AQS-22 cung cấp khả năng phát hiện tàu ngầm. Hệ thống quang điện tử và hồng ngoại của trực thăng đảm bảo khả năng nhắm mục tiêu chính xác trong những môi trường nhiều thách thức.
QUỲNH OANH (tổng hợp)