Quốc hội phế truất Thủ tướng Pháp, đẩy nước này vào trạng thái bất ổn sâu sắc
Tin thế giới - Ngày đăng : 21:19, 05/12/2024
Thủ tướng Pháp tại vị "siêu ngắn" sau cuộc phế truất
Mới đảm đương chức vụ Thủ tướng Pháp được 3 tháng, ông Michel Barnier đã bị buộc phải từ chức sau khi các nghị sĩ cánh hữu và cánh tả thống nhất bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại ông. Động thái này đẩy nước Pháp vào tình trạng bất ổn chính trị sâu sắc hơn nữa.
Tổng cộng 331 trong số 577 nghị sĩ Pháp đã bỏ phiếu chống nhằm vào chính phủ mong manh của Thủ tướng Barnier. Chính quyền Michel Barnier là chính phủ Pháp đầu tiên bị đáng bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ năm 1962. Ông Barnier giờ sẽ trở thành vị thủ tướng tại vị ngắn nhấn trong lịch sử Pháp.
Ông Barnier hôm 4/12 nói với các nghị sĩ Pháp rằng ông “không sợ hãi” nhưng cảnh báo rằng việc hạ bệ ông sẽ khiến “mọi thứ khó khăn hơn”.
Marine Le Pen - thủ lĩnh của đảng Tập hợp quốc gia cực hữu, nói rằng việc ông Barnier “cố bám lấy giáo điều” đã ngăn ông ấy đưa ra được sự nhượng bộ nhỏ nhất với tiềm năng ngăn chặn được kết cục hiện nay.
Vào ngày trước cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Barnier tố phe cực hữu là “tống tiền chính trị”. Ông nói phe cực hữu đã đồng ý với các nhượng bộ của ông về tăng thuế điện và về trợ cấp y tế cho những người thiếu giấy tờ hợp pháp nhưng rồi lại đưa thêm yêu sách khác.
Áp lực lên Tổng thống Macron gia tăng
Pháp hiện đang tiến tới những ngày cuối cùng của một năm đầy bất ổn trong tình trạng thiếu thủ tướng và ngân sách. Tổng thống Pháp Macron sẽ phải chọn một thủ tướng mới nhưng hiện khó tìm ra một ứng cử viên nào có khả năng nhận được sự ủng hộ của cả phe tả lẫn phe cực hữu.
Ngân sách sẽ phải được thông qua trước hạn chót 21/12. Nếu qua thời điểm này, Pháp có thể ban hành một “luật tiếp nối ngân sách” nhằm tránh đóng cửa chính phủ, cho phép chính phủ thu thuế và thanh toán lương, với mức chi tiêu ở mức năm 2024.
Hiện cũng không thể tiến hành bầu cử trước thời hạn ngay do nghị viện hiện tại của Pháp phải tồn tại đến tháng 6/2025, đúng một năm sau cuộc bầu cử gần nhất.
Ông Macron sẽ đối mặt với những lời kêu gọi từ chức. Ông hiện ngày càng giành được ít sự ủng hộ sau khi ông mạo hiểm kêu gọi bầu cử sớm nghị viện Pháp.
Ông Macron đã đi được nửa chặng đường nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 và cuối cùng của ông. Kết quả bầu cử sớm vừa qua đã làm phức tạp thêm giai đoạn cầm quyền cuối cùng của ông cũng như làm giảm quyền lực của ông ở trong và ngoài nước.
Nợ chính phủ Pháp đang tiến gần mức 111% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này - mức cao chưa từng thấy kể từ sau Thế chiến II, theo S&P Global Ratings. Tình trạng này có một phần nguyên nhân là việc chi trả để phục hồi kinh tế Pháp sau đại dịch Covid-18 cũng như tình trạng khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga - Ukraine (bắt đầu từ tháng 2/2022).
Giai đoạn quản lý đặc biệt
Một khi ông Barnier chính thức từ chức, chính quyền của ông sẽ bước vào chế độ tạm quyền duy trì cho đến khi lập được chính phủ mới. Chính quyền ông Barnier được Hiến pháp Pháp trao quyền như vậy để xử lý “những vấn đề hiện thời”, với quyền lực giới hạn.
Một chính phủ tạm quyền như vậy không được phép đề xuất luật mới hoặc ban hành sắc lệnh mới. Nó có thể chăm sóc công việc quản lý như thanh toán lương cho người lao động, phân phối lương hưu trí… Nội các không còn họp hành nữa.
Bản thân ngân sách sẽ bước vào giai đoạn treo. Thiếu một chính phủ vận hành đầy đủ, ngân sách do ông Barnier đề xuất về thực chất đã tê liệt. Còn nếu Tổng thống Macron nhanh tay bổ nhiệm được một tân thủ tướng trước khi năm 2024 kết thúc thì ngân sách của chính ;phủ mới có thể được trình, và nghị viện Pháp sẽ có 70 ngày để xem xét.
Nhưng như thế có nghĩa là Pháp sẽ không có luật chi tiêu vào đầu năm mới 2025. Theo luật pháp của Pháp, chính quyền có thể đơn giản là đề xuất một “giải pháp đặc biệt” áp dụng lại ngân sách 2024. Công chức sẽ được trả lương, còn thuế sẽ vẫn ở mức hiện nay.
Nếu Nghị viện Pháp từ chối làm theo hoặc không tiến hành bỏ phiếu, ông Macron có thể vận dụng quyền hiến pháp đặc biệt của mình để áp đặt ngân sách.