Cuối năm liên hoan triền miên, cẩn thận với bệnh về giun sán
Tin Y tế - Ngày đăng : 18:27, 05/12/2024
Liên hoan nhiều, gan, tiêu hóa... "kêu cứu"
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) - cho biết, thời điểm cuối năm, các bữa tiệc tất niên liên miên, thói quen ăn nhiều món chiên, xào và nước ngọt, đồ uống có cồn… hơn, khiến nhiều người mất kiểm soát về dinh dưỡng, gây ra hệ lụy sức khỏe phải nhập viện.
Cứ vào dịp cuối năm, trung tâm liên tục tiếp nhận và điều trị nhiều ca ngộ độc do uống rượu không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần, trôi nổi ngoài thị trường. Những loại rượu này bị người sản xuất pha cồn công nghiệp vào để kiếm lợi nhuận.
Trung tâm Chống độc đã phát hiện nhiều sản phẩm cồn sát trùng có nồng độ methanol rất cao, chiếm 70-90%. Nhiều đối tượng đã mua cồn này về pha chế thành rượu bán.
Nhiều bệnh nhân bị ngộ độc, cấp cứu do liên quan đến ngộ độc rượu, hầu hết là nam giới và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Đa phần các trường hợp này đều uống quá nhiều rượu, nồng độ cồn trong máu rất cao, lên đến hàng trăm mg/dL.
Bệnh từ món ăn khoái khẩu
PGS.TS Đỗ Trung Dũng - Trưởng Khoa Ký sinh trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) - cũng cho biết, dịp cuối năm, nhiều người lựa chọn ăn các món lẩu cho những buổi liên hoan, tụ tập.
Tuy nhiên, với các loại rau thủy sinh (rau muống, rau ngổ, rau cần, diếp cá…) khi ăn chỉ nhúng qua nước lẩu, không được nấu chín khiến các ấu trùng không bị tiêu diệt. Người ăn vào không chỉ nhiễm trứng giun mà còn có khả năng nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn.
“Khi ăn rau không được rửa sạch, không được nấu chín đảm bảo sẽ có nguy cơ nhiễm sán lá gan lớn và trứng giun đũa, giun móc. Sán lá gan lớn có thể gây ra những ổ áp-xe trong gan và ấu trùng có thể đi khắp cơ thể người, gây ra tổn thương và các tổ áp-xe ngoài gan ở nách, cơ thành bụng, đầu gối, đùi, bắp chân… Để phòng sán lá gan, người dân nên bỏ thói quen ăn đồ tái, sống...” - PGS.TS Đỗ Trung Dũng khuyến cáo.
Gỏi hải sản, thịt chín tái, cá thịt ủ chua, nội tạng động vật, rau sống, nước ép rau củ… có nguy cơ nhiễm ấu trùng giun sán, gây hại cho sức khỏe. Đây cũng là những món ăn khoái khẩu được nhiều người ưa thích.
Ấu trùng giun sán có thể lây truyền cho con người qua đường ăn uống khi tiêu thụ các món tái sống, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, chứa trứng hoặc nang mang ấu trùng. Một số loại khác có thể xâm nhập vào cơ thể người qua da khi tiếp xúc.
"Khi nhiễm giun sán, người bệnh thường có các biểu hiện đau bụng, rối loạn tiêu hóa, sụt cân, mệt mỏi, ngứa da. Bệnh diễn biến âm thầm. Nhiều trường hợp vô tình phát hiện khi đi khám sức khỏe có thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu.Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, nhiễm giun sán có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như tắc ruột hay ống mật, xuất huyết tiêu hóa, thiếu máu, viêm đường mật, ho ra máu, áp xe gan, viêm não, viêm màng não... Sau khi khỏi, người bệnh vẫn có thể tái nhiễm nếu không ăn uống hợp vệ sinh và tẩy giun định kỳ"- PGS.TS Đỗ Trung Dũng cho hay.