Lo lắng mất trắng hôn nhân
Gia đình - Ngày đăng : 13:47, 05/12/2024
Tôi có cô bạn yêu đương 6 năm mới quyết định đám cưới. Lý do cô mất đến 6 năm là bởi cái tính hay lo của cô. Ban đầu định là đám cưới ngay sau khi cả 2 người đã ổn định công việc, lương bổng của 2 người đủ để mua trả góp một căn hộ.
Nhưng sau đó, họ lại hoãn cưới vì cô bảo: Mới yêu 2 năm, sợ quyết định cưới ngay thì vội vàng. Vả lại mua căn hộ kia lại phải "kéo cày" trả nợ ngân hàng, sợ những năm tháng hôn nhân mới bắt đầu đã vất vả.
Bạn trai cô đồng ý. Hai người lại yêu nhau và "kéo cày" quyết mua được nhà rồi mới cưới. Sau 2 năm nữa, hai người cũng gom đủ tiền để mua căn hộ. Nhưng ngày mang tiền đến đặt cọc nhà thì chưa có đăng ký kết hôn nên cô bạn tôi lại… suy nghĩ lại.
Cô bảo: Pháp lý loằng ngoằng nếu như mua nhà khi chưa có đăng ký kết hôn. Như người khác, họ ra phường làm đăng ký kết hôn cái roẹt là xong, đằng này, cô lại hoãn đám cưới.
Bạn trai cô thì quá yêu cô nên lại chép miệng: "Tuỳ em vậy". Bạn bè kêu ầm lên nhưng tôi hiểu: Là do cô ấy chưa sẵn sàng với cuộc hôn nhân này. Vấn đề pháp lý mua nhà chỉ là cái cớ để cô ấy trì hoãn thôi.
Lằng nhằng thế nào thêm 2 năm nữa là thành 6 năm, cô ấy với bạn trai mới quyết định về chung một nhà. Nhưng cũng chẳng mua được ngôi nhà riêng vì cô ấy không muốn bỏ ra 2/3 khoản tiền.
Chồng của cô ấy vì kẹt tiền trong đầu tư chứng khoán và những khoản đầu tư khác nên chỉ có 1/3 số tiền đóng góp. Hai người quyết định đi thuê nhà. Sau 6 năm, ngôi nhà hai người định mua đã tăng giá gấp 3 lần, khiến cô ấy cứ đấm ngực tiếc hùi hụi.
Trước đêm tân hôn, cô ấy còn gọi tôi bảo: "Ông có quen luật sư nào không? Tôi muốn hỏi luật sư vài việc về ly hôn". Tôi tá hoả, tưởng cô gặp chuyện gì vì vừa hân hoan đám cưới lúc chiều mà tối đã gọi điện thoại hỏi chuyện ly hôn.
Nhà văn Hoàng Anh Tú
Rồi tôi cũng thở phào khi cô nói: "Thì tôi chỉ muốn có tí kiến thức luật pháp cho đỡ bỡ ngỡ thôi". Thở phào xong thì tôi thở dài.
Nhiều phụ nữ giống cô bạn của tôi, trước đám cưới đã nghĩ đến chuyện sau này ly dị thì thế nào. Đúng là phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh, biết để giúp hôn nhân khoẻ mạnh hơn thôi.
Nhưng nhiều người như tôi thực sự cảm thấy bất an nếu biết người vợ mình vừa cưới đã ngâm cứu chuyện ly dị. Chưa kể còn có cả sự tham gia của… mẹ vợ, thậm chí mẹ chồng, bố chồng.
Như cậu bạn khác của tôi, bố mẹ thừa kế cho con ngôi nhà nhưng là trước hôn nhân 1 ngày để đảm bảo sau này nếu vợ chồng lục đục ly dị thì tài sản này là tài sản trước hôn nhân, tài sản thừa kế, không bị chia chác.
Hay có người mẹ cho con gái một khoản tiền lớn cũng phải cho trước hôn nhân vì sợ sau này bị chia đôi.
Lo lắng không sai nhưng những lo lắng đó khiến hôn nhân vừa bắt đầu đã đầy lo lắng thì quả là đáng lo lắng thật.
Buông nỗi lo xuống
Hôn nhân thực sự là một hành trình với rất nhiều lo toan. Không lo sao được chuyện "cơm áo gạo tiền". Không lo sao được chuyện "giường nguội chiếu lạnh". Không lo sao được chuyện con cái. Không lo sao được những gắn kết gia đình. Nhưng có những thứ lo lắng bạn hoàn toàn có thể buông xuống được.
Chuyện từ miệng người khác
Nếu chúng ta cứ bận tâm đến việc hôn nhân của mình từ miệng người khác thì chúng ta sẽ mất thời gian vô cùng. Mỗi người có một khẩu vị hạnh phúc khác nhau, bạn không cần phải cố gắng có một cuộc hôn nhân hạnh phúc theo ý kiến của người khác.
Đừng chồng nhà người ta thế này, sao chồng mình không như thế. Đừng nhìn hạnh phúc của người khác rồi tự đánh giá hạnh phúc của nhà mình, lo lắng vì nhà mình không được hạnh phúc như nhà người ta.
Hôn nhân hoàn hảo
Đừng cố tìm kiếm một cuộc hôn nhân hoàn hảo, đừng cố trở thành người vợ hoàn hảo và muốn chồng mình thành người chồng hoàn hảo để rồi lo lắng, bất an khi mình không bằng những người vợ khác ngoài kia.
Ảnh minh họa
Để rồi cáu giận khi chồng mình không hoàn hảo như mình mong đợi. Hôn nhân bình thường cũng có thể mang đến hạnh phúc. Chồng có thể sai, vợ có thể chưa ổn nhưng hành trình hôn nhân là hành trình cùng nhau hoàn thiện mỗi ngày mà, nhớ không?
Lo xa - mệt gần
Nhiều phụ nữ luôn lo xa, như chồng mắc một lỗi nhỏ cũng suy diễn thành tội lớn mai này nếu không sửa chữa ngay. Có một nghiên cứu cho thấy, 85% những lo lắng về tương lai không xảy ra.
Đó là những lo lắng thiếu căn cứ và cho thấy bản thân đang đánh mất cảm giác có thể kiểm soát chính mình. Đừng cố kiểm soát thứ chưa xảy ra.
Chuyện của hôm qua
Hôm qua ta có thể sai lầm điều này, có thể đã làm hỏng thứ nọ nhưng đó không phải lý do khiến hôm nay ta gặp điều này, thấy điều nọ là lại nghĩ rằng mình sẽ làm sai, làm hỏng nó lần nữa.
Quá khứ nhiều khi chẳng dạy ta điều gì cả, thậm chí, nó còn khiến ta không dám sống cho hiện tại. Ta có thể rút kinh nghiệm từ quá khứ chứ đừng biến quá khứ thành định kiến cản trở đời ta.
Những kỳ vọng vào bản thân
Giống như sự mong muốn hoàn hảo, đôi khi chúng ta biến sự kỳ vọng vào bản thân thành trì hoãn bản thân mình. Ta chờ đợi ai đó công nhận ta. Ta sống theo những tiêu chuẩn của người khác.
Ta chỉ thấy những thứ ta không làm được, những thứ ta đã sai, ta đã làm hỏng mà không thấy ta đã làm tốt đến chừng nào. Thương lấy bản thân mình đi, đừng để lo lắng bóp nghẹt trái tim bạn.
Những phút nản lòng
Nhiều khi nhìn lại hôn nhân của mình, chúng ta không khỏi có những tiếng thở dài. Bởi còn quá nhiều thứ chưa hoàn thành như ta đã đặt ra. Nhưng thay vì nỗ lực tiếp tục, nhiều người cảm thấy thất vọng, lo lắng.
Nhất là khi nhìn thấy "deadline" của nó. Hãy nhớ, cuộc đời là một hành trình và hôn nhân là chuyện cả đời. Đừng quá sốt ruột.
Tận hưởng hôn nhân... bình thường
Chúng ta cứ nghĩ lộng lẫy mới là hạnh phúc, chồng phải thế này, vợ phải thế nọ thì hôn nhân mới hạnh phúc. Nhưng đôi khi bình thường cũng là hạnh phúc!
Là bình thường chứ không phải tầm thường! Tôi luôn tin một điều: Chúng ta chính là những gì chúng ta làm. Nghĩ về bạn đời tầm thường thì hôn nhân hẳn chẳng bình thường chút nào.
Hôn nhân bình thường vì ta cũng là một người bình thường, chồng ta, vợ ta cũng bình thường chứ chẳng bất thường. Bởi nhiều khi sự bất thường bắt nguồn từ việc ta đặt ra tiêu chuẩn, ta so sánh, ta gắn nhãn nhau.
Như chồng của cái A nó thế, sao chồng ta lại không thế, chồng ta bất thường. Vậy ta trong mắt họ thì sao? Liệu ta cũng bất thường hay ta bình thường như cái A kia?
Hôn nhân hay bị thổi phồng lên thành những lớn lao. Như làm chồng thì phải thế này, làm vợ thì phải thế nọ. Bạn muốn vậy là đúng nhưng không có được thứ ta muốn sẽ khiến ta chẳng còn hạnh phúc nữa.
Là còn chưa kể nhiều khi thứ ta muốn chỉ có người phi thường mới làm được. Người bình thường muốn gì thì họ sẽ nghĩ ra giải pháp để làm chứ họ không bắt người khác phải làm, mặc kệ họ có làm được hay không.
Rồi bực tức vì đối phương không làm. Người bình thường sẽ nhìn mọi thứ thật bình thường chứ không nhất nhất mọi thứ phải theo ý mình mới là bình thường.
Thật ra nói "Hôn nhân bình thường" thì ý tôi chỉ là chúng ta đừng khoác lên nó những thứ nhãn mác, tiêu chuẩn này nọ của người đời. Cứ bình thường mà sống, cư xử như một người bình thường có lương tri thôi.
Đối xử với nhau tử tế như bình thường ta vẫn tử tế. Cãi nhau hay gì đó cũng bình thường thôi, ai chả thế, hết giận là lành. Cuộc sống bình thường nên có lúc vui, sẽ phải có lúc buồn, đừng nặng nề. Muốn thương nhau thì hãy hiểu nhau đi, bình thường vẫn vậy mà.
Nhạt thì thêm muối, mặn thì thêm nước, gia giảm tuỳ theo, bình thường vẫn vậy. Rồi năm tháng, như mọi người cần cù và chăm chỉ khác, hôn nhân sẽ thành khăng khít, hoa đủ nắng sẽ nở, quả đến ngày sẽ chín, vậy đi!
TẠO HORMONE HẠNH PHÚC CHO HÔN NHÂN CỦA MÌNH
Tôi đọc thấy các nhà khoa học bảo rằng: Dopamine được coi là chất dẫn truyền thần kinh tự nhiên của cơ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc của con người. Vì thế, nó được coi là hormone Hạnh Phúc bởi khi nó có nhiều trong cơ thể bạn, nó sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn. Tôi thấy hôn nhân hoàn toàn có thể tạo ra nhiều dopamine cho chúng ta. Ngoài việc ăn uống bổ sung protein, axit amin, tôi đề xuất với những cuộc hôn nhân cũng nên bổ sung dopamine cho nhau. Bằng vài gợi ý thế này, bạn có thể thử:
Đi bộ, tập thể dục cùng nhau: 10- 20 phút mỗi ngày thôi cũng được, ngại gì mà không thử bổ sung bài tập này vào danh mục những hoạt động cùng nhau?
Ngủ đủ giấc: Là lên giường thì bỏ lại bên ngoài những lo lắng, bực dọc với nhau đi. Đừng giữ những cảm xúc khó chịu khiến giấc ngủ của bạn không ngon, trằn trọc, mất ngủ. Sau một giấc ngủ đủ, dopamine sẽ tăng lên đấy!
Nghe nhạc cùng nhau: Một nghiên cứu năm 2011 về tác động của âm nhạc đối với dopamine cho thấy, mức độ dopamine trong não tăng 9% khi mọi người nghe các bài hát khiến họ thư giãn. Tình yêu của hai bạn hẳn gắn với nhiều bản nhạc chứ? Cùng nghe và nhớ lại ký ức thanh xuân của hai bạn đi.
Khen ngợi nhau: Các nghiên cứu cho thấy việc nhận được những lời khen sẽ kích thích não bộ giải phóng dopamine. Mỗi ngày tìm ra 2-3 điều tốt đẹp ở bạn đời mà khen nhau.
Cho nhau cơ hội để giúp đỡ nhau: Khi ta giúp đỡ một ai đó, não bộ cũng sẽ sản sinh ra dopamine. Hãy cho nhau cơ hội để bạn đời giúp đỡ ta. Cùng lúc có thể não bộ của ta cũng nhận được dopamine khi ta biết ơn bạn đời vậy.
Theo PNVN