Quân sự thế giới hôm nay (5-12): Nga công bố hình ảnh tên lửa siêu vượt âm 3M22 Zircon
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 08:28, 05/12/2024
Nga công bố hình ảnh tên lửa siêu vượt âm 3M22 Zircon
Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố hình ảnh thực tế mẫu tên lửa siêu vượt âm 3M22 Zircon trong một video trình diễn cảnh phóng từ một chiến hạm Nga. Đây là bước phát triển quan trọng, đồng thời khẳng định khả năng ngày càng tăng của Nga trong lĩnh vực chiến tranh siêu vượt âm.
Hình ảnh cắt từ video phóng tên lửa 3M22 Zircon từ một chiến hạm. Nguồn: Bulgarianmilitary |
Tên lửa 3M22 Zircon lần đầu được Tổng thống Nga Vladimir Putin giới thiệu vào năm 2018 như một loạt vũ khí tiên tiến. Mẫu tên lửa này đã trải qua giai đoạn thử nghiệm khắt khe vào cuối năm 2020, sau đó đạt được nhiều dấu mốc quan trọng với các vụ phóng thử thành công cả từ tàu mặt nước lẫn tàu ngầm trong năm 2021. Được xem như một loại vũ khí hiện đại vượt bậc, 3M22 Zircon được đánh giá là có khả năng thay đổi cục diện chiến tranh hiện đại.
Tên lửa 3M22 Zircon, có ký hiệu là SS-N-33 theo chuẩn NATO, là loại tên lửa chống hạm cơ động, hoạt động ở tốc độ siêu vượt âm lên tới Mach 9 (khoảng 11.000 km/giờ). Tốc độ vượt trội này giúp Zircon có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa chỉ trong vài phút kể từ khi được phóng đi. Zircon có tầm hoạt động lên tới 1.000km, tùy thuộc vào quỹ đạo bay. Khi bay ở độ cao thấp, nó có tầm bắn khoảng 500km.
Hệ thống động cơ hai giai đoạn của Zircon, bao gồm một bộ tăng tốc nhiên liệu rắn để khởi động và động cơ scramjet duy trì tốc độ siêu vượt âm. Tên lửa có thể mang đầu đạn thông thường lẫn đầu đạn hạt nhân và có thể được phóng từ nhiều vị trí khác nhau, như tàu mặt nước, tàu ngầm, và các bệ phóng trên đất liền.
Tốc độ cao, khả năng phóng linh hoạt khiến Zircon trở thành thách thức lớn đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại. Hiện không có công nghệ nào được chứng minh có thể chống lại các mối đe dọa siêu vượt âm một cách hiệu quả, đặc biệt khi Zircon được phóng từ khoảng cách xa.
Mỹ thử nghiệm mẫu tên lửa tấn công chiến thuật mới
Không quân Mỹ vừa tiến hành thử nghiệm một loại tên lửa chiến thuật không đối đất mới mang tên SiAW (Stand-in Attack Weapon). Thông tin này được công bố trên trang web chính thức của Căn cứ Không quân Eglin. Đây là lần thử nghiệm đầu tiên trong chương trình phát triển mẫu tên lửa chiến thuật mới, được thiết kế để thực hiện các cuộc tấn công tốc độ cao vào nhiều loại mục tiêu khác nhau, bao gồm cả mục tiêu đang di chuyển.
Trong cuộc thử nghiệm này, một máy bay chiến đấu F-16C thuộc Phi đội thử nghiệm số 40 đã được sử dụng. Chiếc F-16C mang theo một mô hình giả lập của tên lửa để kiểm tra các đặc tính khí động học và đảm bảo tên lửa rời khỏi máy bay đúng cách trong quá trình phóng.
Một máy bay chiến đấu F-16C của Phi đội thử nghiệm số 40 trong quá trình thử nghiệm tên lửa tấn công chiến thuật SiAW. Ảnh: Không quân Mỹ |
Tên lửa SiAW được phát triển dựa trên dòng tên lửa chống bức xạ AARGM-ER. Mặc dù tầm bắn chính xác của tên lửa chưa được công bố, nhưng có thể ước tính là vào khoảng 300km dựa trên các đặc điểm của phiên bản chống radar. SiAW sẽ được trang bị hệ thống dẫn đường bằng hồng ngoại, đảm bảo khả năng bám bắt mục tiêu chính xác ở giai đoạn cuối của hành trình, đồng thời có khả năng theo dõi và tấn công mục tiêu đang di chuyển.
Tên lửa này sẽ được phóng ở tốc độ siêu thanh, tạo ra thách thức không nhỏ cho các hệ thống phòng không tiêu chuẩn của quân đội trong việc đánh chặn. Dự án phát triển tên lửa SiAW do tập đoàn Northrop Grumman thực hiện kể từ năm 2022 theo yêu cầu của Không quân Mỹ.
Năm 2023, Northrop Grumman chính thức nhận được hợp đồng trị giá 705 triệu USD để phát triển tên lửa SiAW, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2026-2027. Ngoài ra, kế hoạch tích hợp tên lửa này lên máy bay chiến đấu F-35 cũng đang được tiến hành, cùng với các thành phần phụ trợ khác sẽ được lựa chọn ở các giai đoạn tiếp theo của chương trình. Trong tương lai, tên lửa này dự kiến cũng sẽ được triển khai trên các loại máy bay ném bom chiến lược B-21, máy bay chiến đấu F-15E và máy bay chiến đấu trên tàu sân bay F/A-18 Super Hornet.
Không quân Anh và Lockheed Martin đạt được bước tiến với Dự án DEIMOS
Trong một thông cáo báo chí mới đưa ra, Không quân Hoàng gia Anh (RAF) và cơ sở điều hành Chương trình Skunk Works của Tập đoàn Lockheed Martin đã đạt được một bước tiến quan trọng về thiết kế môi trường tác chiến đa miền thông qua Dự án DEIMOS.
Lần đầu tiên một máy bay chiến đấu F-35 có thể chia sẻ dữ liệu mật theo thời gian thực với một hệ thống Chỉ huy và Điều hành (C2) không phải của Mỹ, dựa trên công nghệ hệ thống mở.
Máy bay F-35 tham gia Dự án DEIMOS. Ảnh: UK Defence Journal |
Trong thử nghiệm này, chiếc F-35 cất cánh từ cơ sở của Lockheed Martin ở Fort Worth, Texas, đã truyền dữ liệu mật bằng cổng Hệ thống mở của Skunk Works thông qua đường truyền vệ tinh thương mại. Dữ liệu này sau đó đã được hệ thống C2 NEXUS của Không quân Hoàng gia Anh tiếp nhận thành công tại phòng nghiên cứu của Văn phòng Năng lực Phản ứng nhanh (RCO) thuộc Không quân Hoàng gia Anh ở Farnborough, Vương quốc Anh.
Thiếu tướng Chris Melville, người đứng đầu Văn phòng Năng lực Phản ứng nhanh, ca ngợi thành công của dự án: “Dự án DEIMOS là một thử nghiệm thành công rực rỡ giữa Mỹ và Anh, chứng minh khả năng lấy dữ liệu từ một chiếc tiêm kích F-35 đang hoạt động và chuyển dữ liệu này đến hệ thống của Không quân Hoàng gia Anh để khai thác. Đây là một bước tiến quan trọng hướng tới không gian chiến trường tích hợp và môi trường chỉ huy và điều hành hàng không trong tương lai".
Trong khi đó, ông John Clark, Phó chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Chương trình Skunk Works của Tập đoàn Lockheed Martin cho rằng đây thực sự là một bước đột phá: “Cuộc thử nghiệm này đánh dấu một bước đột phá trong hoạt động tác chiến đa miền, chứng minh khả năng chia sẻ dữ liệu mật của F-35 qua một cổng hệ thống mở với các đối tác nước ngoài. Chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh và cơ quan liên quan để đạt được kết quả này, qua đó nhấn mạnh sức mạnh của mối quan hệ đối tác trong việc thúc đẩy đổi mới".
Thành công của Dự án DEIMOS phản ánh cách tiếp cận hiệu quả của Văn phòng Năng lực Phản ứng nhanh thuộc Không quân Hoàng gia Anh trong việc thúc đẩy đổi mới nhanh chóng, bằng cách phối hợp chặt chẽ với các đối tác như Lockheed Martin và SiXWorks.
TRUNG THÀNH (tổng hợp)