Đang vận chuyển sơn dương quý hiếm đi bán thì bị bắt
Pháp luật - Ngày đăng : 18:12, 04/12/2024
Ngày 4/12, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, tổ công tác Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh này chủ trì, phối hợp với Công an huyện Quảng Ninh, Trạm kiểm lâm Trường Xuân (huyện Quảng Ninh) phát hiện vụ săn bắt, vận chuyển động vật hoang dã trái phép.
Theo đó, khoảng 16h ngày 03/12, các lực lượng kể trên thực hiện tuần tra, kiểm soát tại đường liên xã Trường Xuân, thuộc địa phận bản Khe Ngang (xã Trường Xuân) thì phát hiện ô tô mang BKS: 73C-000.69 đang chạy trên đường có biểu hiện nghi vấn nên ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra phương tiện.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định, người điều khiển ô tô kể trên là Trần Hữu Minh Đức (SN 2002, ở thôn Rào Trù, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh). Người cùng có mặt trên xe là Hồ Chum (SN 1991, ở bản Hang Chuồn – Nà Lâm, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh).
Đồng thời, lực lượng chức năng cũng phát hiện trên xe cất giấu một động vật còn sống, là sơn dương hoang dã và rất quý hiếm.
Sau đó, lực lượng thuộc Công an huyện Quảng Ninh cũng đấu tranh làm rõ nhóm người gồm Hồ Chum và Hồ Thân (SN 2001, ở bản Hang Chuồn – Nà Lâm, xã Trường Xuân) đã săn bắt cá thể sơn dương hoang dã này mang bán cho Trần Hữu Nhân (SN 1974, ở thôn Rào Trù, xã Trường Xuân) và Trần Hữu Minh Đức là người vận chuyển. Hiện Công an huyện Quảng Ninh thụ lý giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Được biết, sơn dương có tên khoa học Naemorhedus milneedwardsii, là loài động vật thuộc họ trâu bò, thuộc bộ ngón chẵn, phân bố đặc hữu ở vùng Đông Nam Á, chủ yếu là bán đảo Đông Dương, thuộc các quốc gia như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar.
Sơn dương thuộc nhóm IB theo nghị định 06 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Ở Việt Nam, số lượng của sơn dương ngày càng suy giảm do săn bắn và bẫy bắt thường xuyên, môi trường sống bị thu hẹp và chia cắt. Loài này đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và thuộc diện quý hiếm nguy cấp.