Đào tạo nhân lực xuất sắc để dẫn dắt ngành bán dẫn toàn cầu
Cuộc sống số - Ngày đăng : 18:56, 03/12/2024
Theo Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Nhấn mạnh yếu tố nhân lực trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, ông Vũ Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT&TT (Bộ TT&TT) khẳng định: “Con người là then chốt của then chốt”. Đây cũng là chủ đề xuyên suốt trong phiên thảo luận “Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn: Động lực mới cho Việt Nam và Hà Nội” ngày 3/12 tại Hà Nội. Sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2024 chủ đề “Đô thị Thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững”.
Ông Nguyễn Khắc Lịch thông tin, số lượng kỹ sư bán dẫn hiện nay của nước ta là khoảng 6.000 người và hoàn toàn có thể đạt mục tiêu đề ra thông qua đào tạo lại (reskill) và nâng cấp kỹ năng (upskill) cho những nhân sự đang làm trong các lĩnh vực gần gũi với bán dẫn. Thêm vào đó, chúng ta cũng có thế mạnh về STEM, toán học, tự nhiên.
Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực bán dẫn đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài, ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC), cho biết trên cơ sở thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với Synopsys, một trong các tập đoàn hàng đầu về kinh doanh bán dẫn, thành phố đã tiếp cận với các nhà đầu tư lớn như Nvidia, Marvell.
Lắng nghe tư vấn xuất phát từ chính nhu cầu của doanh nghiệp, cân bằng hài hòa với lợi ích của thành phố, Đà Nẵng đã soạn thảo Nghị quyết 136 và được Quốc hội thông qua ngày 26/6 với những cơ chế, chính sách đặc thù. Một trong số những nội dung nổi bật là thí điểm miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm đối với kỹ sư, quản lý, lao động làm việc trực tiếp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI. Ông Lê Hoàng Phúc nhận xét, đây là động lực thu hút nhiều nhân tài và chuyên gia đến với Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng hình thành liên minh đào tạo giữa Trung tâm DSAC với các trường đại học top đầu trên cả nước, xuất phát từ đơn đặt hàng của các doanh nghiệp và được doanh nghiệp sử dụng.
Liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - NIC (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ ra ba hướng ưu tiên: Đào tạo ngắn hạn, chuyển đổi kỹ sư từ các ngành gần sang ngành công nghiệp bán dẫn; phối hợp với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) để đào tạo giảng viên; tập trung vào hệ thống phòng lab quốc gia dùng chung và phòng lab cơ bản, tiêu chuẩn ở các trường đại học có thế mạnh.
Việc đào tạo nhân lực bán dẫn không đơn giản là đào tạo diện rộng, chuyên sâu mà cần có bài bản, hệ thống, xuyên suốt về mặt tư duy. Theo ông Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, điều quan trọng là phải đào tạo được những công dân làm việc được ngay trong thị trường lao động và “phải sống lâu, sống dài, giữ được động lực, kiến thức, kỹ năng”, tránh tình trạng “nghỉ hưu tuổi 35”.
Ông Trình nêu ra một bài toán khó, cần được tập trung đầu tư, đó là đào tạo được thạc sĩ, tiến sĩ, những người đi trước thị trường 10, 20 năm, có sản phẩm dẫn dắt xã hội trong tương lai.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc quốc gia Intel Việt Nam, cho rằng nên phân chia nguồn nhân lực chung và nguồn nhân lực xuất sắc. Ngành bán dẫn đòi hỏi nhân lực xuất sắc. Giáo dục đại học chỉ là một phần của câu chuyện mà phải có định hướng cao hơn như đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và đó là một sự đầu tư đặc biệt. Ông Thắng cho rằng Việt Nam cần chọn những ngành công nghiệp mũi nhọn để tập trung phát triển nguồn nhân lực, không chỉ trong 5-10 năm mà xa hơn nữa.
“Một khi đầu tư được nguồn nhân lực như vậy, chúng ta sẽ có cơ hội dẫn dắt hoặc nằm trong nhóm dẫn dắt của ngành bán dẫn toàn cầu. Đó mới là mục tiêu phát triển của quốc gia”, ông Phùng Việt Thắng nhấn mạnh.