Chồng làm "hậu phương" để vợ tập trung kiếm tiền
Gia đình - Ngày đăng : 07:44, 02/12/2024
1. Hiểu và tôn trọng cảm xúc của chồng
Một người chồng khi mất việc làm có thể cảm thấy tự ti, thấy mình vô dụng hoặc căng thẳng. Người vợ trong hoàn cảnh này hãy thấu hiểu và tôn trọng cảm xúc của chồng, để chồng chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình mà không ngắt lời hay phản bác.
Một lời động viên như "Em biết anh đang rất áp lực nhưng chúng ta sẽ cùng vượt qua" sẽ giúp chồng cảm thấy được ủng hộ. Tránh những lời nói vô tình như "Anh chỉ ngồi ở nhà, có làm được gì đâu".
Thay vào đó, hãy khẳng định rằng anh ấy vẫn là một phần quan trọng trong gia đình: "Em cần anh ở bên cạnh để cùng chăm sóc gia đình và tìm ra giải pháp tốt nhất".
2. Tránh so sánh và tạo áp lực
Một trong những điều gây tổn thương với người chồng khi mất việc làm là khi người vợ so sánh chồng với người khác, đặc biệt là những người đàn ông thành công hơn. Điều này không chỉ khiến người chồng cảm thấy bị hạ thấp mà còn làm tăng thêm áp lực.
Đừng nói những câu như: "Sao anh không được như chồng người ta?" hoặc "Nhìn chồng bạn em kìa, mất việc nhưng họ vẫn làm được bao nhiêu thứ". Thay vào đó, hãy khuyến khích chồng không ngừng cố gắng: "Em tin anh sẽ tìm được hướng đi mới vì em biết anh là người có khả năng".
3. Xây dựng sự cân bằng trong phân chia trách nhiệm
Khi vai trò kinh tế thay đổi, việc phân chia trách nhiệm trong gia đình cũng cần được điều chỉnh. Người vợ không nên gánh cả công việc kiếm tiền và việc nhà mà không có sự chia sẻ của chồng.
Hãy nói rõ với chồng về những việc anh ấy có thể đảm nhận như chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa. Và hãy biến sự đóng góp đó của chồng thành giá trị, không coi việc chồng ở nhà nội trợ là điều hiển nhiên mà trân trọng những việc làm đó.
4. Cùng nhau lập kế hoạch cho tương lai
Tình trạng mất việc làm chỉ là tạm thời. Điều quan trọng là vợ chồng cùng nhau tìm cách vượt qua và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Hãy ngồi lại với chồng để cùng xây dựng một kế hoạch, từ việc quản lý chi tiêu gia đình, tìm kiếm công việc mới cho anh ấy, đến việc tận dụng thời gian hiện tại để anh ấy học thêm kỹ năng mới.
Đồng thời khuyến khích chồng khám phá khả năng của bản thân, không chỉ trích mà động viên chồng thử sức với những cơ hội mới, như công việc bán thời gian, tư vấn hoặc kinh doanh.
5. Giữ sự hài hước và tích cực trong giao tiếp
Những áp lực trong giai đoạn này có thể làm không khí gia đình trở nên căng thẳng. Người vợ cần duy trì sự tích cực và hài hước để giảm gánh nặng tâm lý cho cả hai. Chia sẻ cùng nhau những niềm vui nhỏ như một câu chuyện hài hước ở công ty, một kỷ niệm vui trong quá khứ, hay đơn giản là nụ cười mỗi ngày.
Dành thời gian cùng nhau xem phim, đi dạo, hoặc nấu ăn cũng là cách kết nối tình cảm mà không cần quá nhiều chi phí.
6. Chăm sóc bản thân và giữ tâm lý tích cực
Là người vợ, bạn cũng cần chú ý đến sức khỏe của chính mình. Một người vợ mạnh mẽ, tự tin sẽ là chỗ dựa vững chắc cho chồng trong giai đoạn khó khăn.
Học cách quản lý căng thẳng như duy trì thói quen tập thể dục, đọc sách hoặc tham gia các hoạt động giúp thư giãn tinh thần. Nếu chính bạn cảm thấy áp lực, đừng ngại chia sẻ với bạn bè, người thân, hoặc tham gia các nhóm hỗ trợ.
Hãy nhớ rằng, thử thách chỉ là tạm thời, tình yêu và sự đồng hành sẽ giúp gia đình bạn vượt qua tất cả.
Theo Phụ nữ Việt Nam