Điểm tin Kinh doanh 2/12: Giá vàng: Giá vàng trong nước bình ổn tạm thời

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 02/12/2024

Giá khí đốt châu Âu tăng 21% trong tháng 11; Quốc gia nào đang mua vàng nhiều nhất thế giới?
572a3c2c-f5e0-464f-8d0c-f5b83f14f1feeu-headeroil-gas-1609804047496887925205.jpg

- Giá vàng: Giá vàng trong nước bình ổn tạm thời

Giá vàng chiều 1-12, theo ghi nhận thị trường vàng trong nước duy trì mức giá bình ổn so với ngày 30-11.

Vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng: 83,3 triệu đồng/lượng mua vào, 85,8 triệu đồng/lượng bán ra.

Vàng SJC Phú Quý: 83,3 triệu đồng/lượng mua vào, 85,8 triệu đồng/lượng bán ra.

Vàng DOJI tại Hà Nội và DOJI tại TP Hồ Chí Minh: 83,3 triệu đồng/lượng mua vào, 85,8 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn tròn trơn tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 83,3 triệu đồng/lượng mua vào, 85,8 triệu đồng/lượng bán ra.

Vàng PNJ tại TP Hồ Chí Minh: 83,5 triệu đồng/lượng mua, 84,6 triệu đồng/lượng bán ra.

Trong khi đó, giá vàng và bạc tăng đáng kể trong phiên giao dịch sáng thứ Sáu tại Mỹ, nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn khi căng thẳng địa chính trị tiếp tục nóng lên. Giá vàng giao tháng 2 tăng 20,40 USD, đạt 2.685,20 USD/ounce, trong khi bạc giao tháng 3 tăng 0,759 USD, đạt 31,315 USD/ounce.

Đồng USD suy yếu và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm trong tuần này cũng hỗ trợ cho đà tăng giá của các kim loại quý. Đặc biệt, chỉ số USD đã giảm mạnh nhất trong ba tháng qua, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chuyển dòng vốn vào vàng và bạc.

Tình hình địa chính trị đang đóng vai trò then chốt trong việc đẩy mạnh nhu cầu trú ẩn an toàn. Tại châu Âu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đe dọa tấn công các "trung tâm chỉ huy" ở thủ đô Kiev của Ukraine bằng tên lửa đạn đạo mới. Đồng thời, quan hệ hợp tác quân sự ngày càng sâu sắc giữa Nga và Triều Tiên cũng gây lo ngại.

- Dịp cuối năm thiếu thịt heo?

Vào dịp cuối năm sát các dịp lễ tết, đặc biệt Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân lại tăng lên.

Trả lời Báo điện tử VTC News, các cơ quan chức năng và Hiệp hội chăn nuôi đều khẳng định, dù nhu cầu tiêu thụ thịt heo dịp cuối năm tăng nhưng không đáng kể. Chúng ta cũng đã chủ động nguồn cung trong nước nên không thể thiếu thịt heo và giá heo hơi sẽ không biến động nhiều.

Báo cáo của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm nay tổng đàn heo của cả nước ước đạt 26 triệu con, tăng khoảng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, tổng sản lượng thịt heo dự báo vẫn đạt trên 5 triệu tấn.

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, để phục vụ nhu cầu thị heo dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, sau khi bão lũ xảy ra, từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 các doanh nghiệp, người chăn nuôi đã chủ động tái đàn để đảm bảo thời gian xuất chuồng. Do vậy, câu chuyện thiếu thịt heo dịp cuối năm sẽ khó xảy ra.

“Đến thời điểm này, tình hình chăn nuôi của các doanh nghiệp, trang trại vẫn khá ổn định. Hiện tổng đàn heo của cả nước khoảng 26 triệu con. Với tỷ lệ đàn heo hiện có, cơ bản đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo của thị trường trong nước từ nay đến cuối năm, kể cả dịp Tết Nguyên đán”, ông Thắng nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam cho biết, mặc dù dịch bệnh, bão lũ xảy ra và theo quy luật thị trường, giá thịt heo cuối năm sẽ tăng do nhu cầu liên hoan, hội nghị, cưới xin nhiều.

Tuy nhiên, hiện nay cơ cấu chăn nuôi đã thay đổi, các trang trại chăn nuôi của nông dân chỉ chiếm từ 20 - 30% tổng đàn heo của cả nước, còn các công ty chiếm tới 70 - 80% tổng đàn. Các công ty không thể tính toán như nông dân được, mà họ sẽ phải tính đường dài trong chăn nuôi nên sản lượng heo vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu.

- Giá khí đốt châu Âu tăng 21% trong tháng 11

Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng 21%, đạt khoảng 521 USD mỗi 1.000 m3 vào tháng 11, theo dữ liệu hợp đồng tương lai từ sàn giao dịch ICE London và tính toán của TASS.

Nguyên nhân chính của đợt tăng giá này bao gồm việc rút lượng khí đốt kỷ lục từ các kho dự trữ châu Âu trong bối cảnh nhiệt độ giảm mạnh, cùng với thông tin Nga dừng cung cấp khí đốt cho tập đoàn OMV của Áo và những rủi ro liên quan đến việc thanh toán khí đốt Nga do các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Gazprombank.

Vào ngày 31/10, giá hợp đồng khí đốt tương lai được giao dịch ở mức 432 USD mỗi 1.000 m3. Tuy nhiên, đến ngày 29/11, mức giá này đã tăng lên 521 USD, đánh dấu mức tăng 21% so với cuối tháng trước.

Theo các nhà phân tích, sự gia tăng này phản ánh các yếu tố rủi ro trong chuỗi cung ứng khí đốt châu Âu, vốn phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ Nga. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt liên quan đến thanh toán qua Gazprombank cũng làm dấy lên lo ngại về khả năng gián đoạn trong giao dịch khí đốt giữa Nga và các nước châu Âu.

Nhiệt độ giảm sâu hơn dự kiến tại nhiều khu vực đã khiến nhu cầu khí đốt sưởi ấm tăng đột biến. Điều này buộc các nước châu Âu phải sử dụng kho dự trữ khí đốt với tốc độ nhanh hơn thông thường, gây áp lực lớn lên thị trường năng lượng khu vực.

Trong bối cảnh khó khăn này, giới chuyên gia cảnh báo rằng giá khí đốt có thể tiếp tục tăng trong mùa đông nếu nguồn cung không được đảm bảo và thời tiết vẫn duy trì xu hướng lạnh giá.

hinh-11-164152502485280882381.jpg

- Quốc gia nào đang mua vàng nhiều nhất thế giới?

Với 100 tấn vàng mua vào năm 2024, Ba Lan đã trở thành quốc gia mua vàng lớn nhất thế giới.

Không chỉ Ba Lan, xung đột Nga - Ukraine cũng khiến Séc, Serbia và Hungary tăng cường tích trữ vàng.

Trong khi sự chú ý đổ dồn vào hoạt động mua vàng ồ ạt của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc - và sau đó là động thái đứng ngoài cuộc của quốc gia này khi giá vàng đạt mức cao kỷ lục - thì các quốc gia Đông Âu đã âm thầm nổi lên trở thành những người mua kim loại quý lớn nhất và là những người ngăn chặn đà tăng của giá vàng.

“Chúng ta cần giảm thiểu sự biến động”, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Séc Ales Michl nói với Bloomberg vào đầu tháng này sau chuyến thăm kho chứa vàng của nước này tại London. “Và để làm được điều đó, chúng ta cần một loại tài sản không có mối tương quan nào với cổ phiếu, và đó là vàng”.

Nhiệm vụ của ông Michl là tăng gấp đôi dự trữ vàng 100 tấn của đất nước trong 3 năm tới. Ông đã tăng lượng vàng nắm giữ của Cộng hòa Séc lên gấp 5 lần kể từ khi nhậm chức vào năm 2022.

“Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang tích trữ kho vàng của họ như một lá chắn chống lại các tác động từ bên ngoài như các cuộc chiến tranh thương mại tiềm tàng do nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Donald Trump gây ra và căng thẳng địa chính trị ở Ukraine và Trung Đông”, báo cáo của Bloomberg nêu rõ. “Nhưng những nhà bảo vệ tiền tệ Đông Âu đã cho thấy động thái tích trữ vàng vượt trội”.

Ba Lan là nước mua vàng lớn nhất trong số tất cả các ngân hàng trung ương trong quý II/2024. Quốc gia này có chung đường biên giới với Ukraine, là thành viên của NATO và là nước ủng hộ Kyiv trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Adam Glapinski, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ba Lan, đã tuyên bố rằng dự trữ vàng và ngoại tệ là biện pháp bảo vệ quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước. Dưới sự chỉ đạo của ông, Ba Lan đã tăng lượng vàng thỏi nắm giữ lên khoảng 420 tấn tính đến cuối tháng 9/2024, bằng khoảng một nửa tổng dự trữ của Ấn Độ.

“Chúng ta đang gia nhập câu lạc bộ những quốc gia sở hữu vàng lớn nhất thế giới”, Glapinski phát biểu trong một cuộc họp báo vào tháng 10, đồng thời nhắc lại mục tiêu tăng tỷ trọng vàng trong tổng dự trữ quốc gia lên 20%.

Séc cũng đang tăng cường mua vàng. "Ngân hàng trung ương tại Prague tự hào có khoảng 150 tỷ USD dự trữ ngoại hối - tương đương gần một nửa tổng sản phẩm quốc nội - một trong những tỷ lệ lớn nhất thế giới", báo cáo lưu ý.

Ngân hàng Trung ương Hungary đã tăng lượng vàng dự trữ thêm hơn 10% lên 110 tấn vào năm 2024.

Trong khi đó, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã cho hồi hương kho dự trữ vàng thỏi của nước này ở nước ngoài vào năm 2021. Năm nay, ông hứa sẽ mua vàng thỏi bằng "tất cả tiền thặng dư" còn lại trong kho bạc nhà nước "để đảm bảo an toàn trong thời kỳ khó khăn".

- Giá dầu thế giới ghi nhận tuần lao dốc

Giá dầu thế giới ghi nhận tuần lao dốc 3-5%. Sự trượt dốc của giá dầu trong tuần chịu tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến thỏa thuận ngừng bắn đạt được giữa Israel và Hezbollah.

Chu kỳ tăng, giảm theo tuần của giá dầu tiếp tục kéo dài sang tuần này. Sau tuần bật tăng hơn 5%, giá dầu tuần này lại đảo chiều, lao dốc, với dầu Brent giảm 3,1%, dầu WTI giảm 4,8%.

Sự trượt dốc của giá dầu trong tuần chịu tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến thỏa thuận ngừng bắn đạt được giữa Israel và Hezbollah.

Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, các báo cáo cho thấy Israel và Lebanon đồng ý với các điều khoản của một thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột Israel - Hezbollah đã khiến giá dầu “mất” hơn 2 USD.

Israel đồng ý thỏa thuận ngừng bắn với lực lượng Hezbollah ở Lebanon và thỏa thuận bắt đầu có hiệu lực từ ngày 27/11. Điều này đã làm giảm mức rủi ro của dầu và tiếp tục đẩy giá dầu trượt nhẹ khoảng 20 cent ở phiên giao dịch thứ 2 của tuần.

Giá dầu gần như đi ngang ở phiên giao dịch thứ 3 với dầu Brent tăng 2 cent, dầu WTI giảm 5 cent. Biến động trái chiều này của giá dầu là bởi báo cáo tồn kho xăng dầu của Mỹ tăng-giảm trái chiều, lo ngại về việc Mỹ giảm tiến độ cắt giảm lãi suất vào năm tới và giảm bớt lo ngại về nguồn cung.

Việt Báo (Tổng hợp)