Thủ tướng: Phấn đấu tăng trưởng GDP khoảng 8%, hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc năm 2025
Kinh doanh - Ngày đăng : 15:06, 01/12/2024
Sáng 1/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.
Kiên quyết, kiên trì xóa bỏ cơ chế "xin - cho"
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong năm qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, cơ chế, chính sách, pháp luật, an ninh, trật tự…
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh thể chế, pháp luật vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", nhất là quan điểm, quy trình, phương thức, phương pháp xây dựng văn bản.
Bên cạnh đó, đầu tư nguồn lực tài chính, con người cho công tác xây dựng pháp luật chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn; tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vẫn thấp hơn so với một số nước trong khu vực; lãng phí niềm tin, thời gian, cơ hội, nguồn lực từ đất đai, đầu tư công, đầu tư tư nhân, tài nguyên, khoáng sản, lao động… còn nhiều.
Hay hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một số lĩnh vực, thị trường bất động sản còn gặp khó khăn; chi phí sản xuất còn cao; phân cấp, phân quyền còn nhiều vướng mắc và chưa triệt để, vẫn tập trung nhiều công việc cụ thể ở Trung ương; việc giải quyết ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, ngập úng tại các thành phố lớn còn chậm; sạt lở, ngập lụt, sụt lún, khô hạn vẫn là thách thức lớn; thiên tai, bão lũ diễn biến khó lường…
Rút ra các bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh, cần coi trọng thời gian, phát huy trí tuệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường đột phá, quyết liệt, quyết đoán, đúng thời điểm, trọng điểm là những yếu tố quan trọng.
Nói về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2025, Thủ tướng nhấn mạnh tiếp tục hoàn thiện thể chế là "đột phá của đột phá"; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Thủ tướng cam kết đẩy sắp xếp tổ chức bộ máy "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả", nhất là sắp xếp lại các cơ quan trong hệ thống chính trị ở Trung ương; đổi mới, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã...
"Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực; phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường của các cấp; kiên quyết, kiên trì xóa bỏ cơ chế "xin - cho", biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng Nhân dân. Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính", Thủ tướng nói.
Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải xây dựng đề án chuyển đổi số như Đề án 06.
Về kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; bội chi, nợ công trong giới hạn an toàn, hợp lý.
"Giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể về tốc độ tăng trưởng cho các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn, các địa phương là cực tăng trưởng để bảo phấn đấu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt khoảng 8% (và tạo đà phấn đấu mức 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030)", Thủ tướng đề cập.
Thủ tướng cũng cho biết, sẽ đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia; nghiên cứu khai thác hiệu quả không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm.
Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia; khẩn trương kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị.
Cụ thể như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM; phấn đấu cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong năm 2025, các cảng khu vực Lạch Huyện; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu; hoàn thành thủ tục đầu tư Cảng biển quốc tế Cần Giờ.
Thủ tướng nhấn mạnh, phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển. Xây dựng và chuẩn bị tốt các công trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia giai đoạn 2026-2030, bảo đảm không dàn trải, manh mún, giảm số lượng dự án đầu tư công, trong đó có không quá 3.000 dự án sử dụng nguồn ngân sách Trung ương.
"Tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân, xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và TP Đà Nẵng, khu thương mại tự do tại một số địa phương trọng điểm về kinh tế", Thủ tướng nói.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là minh chứng rõ ràng cho tư duy đổi mới
Truyền đạt chuyên đề "Tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế", Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội biểu quyết thông qua 18 luật, 21 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.
Ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, kế thừa, phát huy những ưu điểm, bài học kinh nghiệm của các nhiệm kỳ Quốc hội trước đây; lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, của doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là qua thực tiễn hoạt động, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những đổi mới ngay từ khâu chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8.
"Tư duy và phương thức tiến hành công tác lập pháp cũng được đổi mới sâu sắc theo hướng các luật ngắn gọn, rõ ràng; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính; chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"…", Chủ tịch Quốc hội nói.
Cùng với việc biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy tối đa nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới.
Đặc biệt, Chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là minh chứng rõ ràng cho tư duy đổi mới trong phát triển hạ tầng quốc gia, không tiếp cận đơn lẻ, cục bộ mà được hoạch định trên góc nhìn tổng thể, kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế, quốc phòng, an ninh, xã hội và môi trường.
"Đây không chỉ là một công trình giao thông mà còn là biểu tượng của khát vọng, tinh thần đổi mới và hành động quyết liệt, sẵn sàng vượt qua thách thức đề mở ra cơ hội lớn cho đất nước", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, thời gian tới, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới, bứt phá, chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó có việc tổ chức triển khai nhanh chóng, kịp thời các luật, nghị quyết vừa được thông qua, khẩn trương quán triệt tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật có hiệu quả, tạo hiệu ứng lan toả tích cực trong hệ thống chính trị và toàn dân...
"Quán triệt nghiêm yêu cầu cấp bách của công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn mới; gắn chặt công tác tư tưởng với công tác tố chức, cán bộ, tập trung nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và người lao động, trước hết là sự nêu gương của người đứng đầu tại từng cơ quan, đơn vị, tố chức", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Đồng thời tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống lãng phí của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Văn phòng Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề ra 4 giải pháp trọng tâm trong công tác phòng, chống lãng phí: nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; hoàn thiện thể chế phòng, chống lãng phí và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí; xây dựng văn hóa tiết kiệm, coi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, hằng ngày của mỗi cá nhân, tổ chức.