Bộ GD&ĐT: Siết xét tuyển sớm, thí sinh có IELTS, ACT/SAT không bị ảnh hưởng
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 16:28, 30/11/2024
Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non của Bộ GD&ĐT hiện đang gây xôn xao dư luận với nhiều điểm mới đáng chú ý như: cơ sở đào tạo có thể xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp, tuy nhiên chỉ tiêu xét tuyển sớm do trường quy định không quá 20% chỉ tiêu từng ngành, nhóm ngành đào tạo.
Đại diện một số trường đại học cho rằng, quy định trên gây rào cản bất hợp lý, hạn chế quyền tự chủ của các trường. Trong khi đó, học sinh, phụ huynh bày tỏ hoang mang khi đã đầu tư cho con tham gia học và thi các loại chứng chỉ quốc tế, kỳ thi riêng để phục vụ mục tiêu xét tuyển sớm.
Trước những thông tin này, Bộ GD&ĐT đã lên tiếng giải đáp.
Theo Bộ GD&ĐT, việc đưa ra giới hạn 20% được căn cứ tình hình thực tiễn công tác tuyển sinh những năm qua, để việc xét tuyển sớm chỉ tập trung vào những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, hạn chế tác động đến việc học tập của học sinh ở kỳ học cuối cùng năm lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp THPT.
"Điều quan trọng nhất là tạo sự công bằng giữa các thí sinh khi tham gia vào ứng tuyển, không phải em nào cũng có khả năng tham gia xét tuyển sớm khi chưa hoàn thành chương trình lớp 12", Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Trong những năm qua, hầu hết cơ sở đào tạo phân bổ chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển, thậm chí cho từng tổ hợp môn xét tuyển. Từ đó áp dụng các tiêu chí xét tuyển để tính điểm xét của thí sinh và xác định điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho tới hết chỉ tiêu của từng phương thức, tổ hợp môn xét tuyển. Điều này giúp các trường có thể sử dụng xét tuyển sớm để chủ động hoàn thành kế hoạch tuyển sinh.
Tuy nhiên, cũng từ đây xuất hiện những vấn đề như chênh lệch điểm trúng tuyển một cách bất hợp lý giữa các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển, đồng thời đẩy điểm chuẩn của phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT lên rất cao (do chỉ tiêu dành cho phương thức này không còn nhiều). Điều này gây bất công bằng về cơ hội cho những thí sinh không có điều kiện tiếp cận nhiều phương thức xét tuyển.
Chính vì thế, dự thảo sửa đổi quy chế tuyển sinh lần này quy định thống nhất áp dụng quy đổi tương đương điểm xét của các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển về một thang điểm chung. Thống nhất đối với mỗi chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo, trên cơ sở đó xác định điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho hết chỉ tiêu của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo, trừ trường hợp xét tuyển thẳng, xét tuyển sớm các thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội.
"Dù ở giai đoạn xét tuyển sớm hay giai đoạn xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT, thí sinh vẫn có thể tham gia xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau đã và đang chuẩn bị. Như vậy, các thí sinh có điểm IELTS, ACT/SAT, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy... không bị ảnh hưởng", Bộ GD&ĐT khẳng định.
Từ hai năm nay, Bộ GD&ĐT cung cấp đầy đủ dữ liệu về kết quả học tập THPT (học bạ) và hỗ trợ các trường tổ chức kỳ thi riêng (như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…) đưa kết quả thi lên hệ thống tuyển sinh chung, tạo điều kiện thuận tiện cho các cơ sở đào tạo thực hiện xét tuyển trong đợt xét tuyển chung. Đồng nghĩa, dự thảo không hạn chế bất kỳ phương thức xét tuyển nào của các trường.
Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tham gia xét tuyển đại học. Vì vậy, việc đổi mới quy chế tuyển sinh nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo tác động tích cực tới việc dạy và học ở cấp trung học phổ thông, đặc biệt là lớp 12.