Quân sự thế giới hôm nay (30-11): Nga sản xuất hàng loạt tên lửa đạn đạo Oreshnik

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 06:25, 30/11/2024

Quân sự thế giới hôm nay (30-11-2024) có những nội dung sau: Nga sản xuất hàng loạt tên lửa đạn đạo Oreshnik; Nhật Bản hạ thủy tàu hỗ trợ đổ bộ YOKO; Máy bay không người lái đánh chặn HitchHiker của Mỹ hoạt động thử nghiệm tại Ukraine.

* Nga sản xuất hàng loạt tên lửa đạn đạo Oreshnik

Tên lửa đạn đạo Oreshnik của Nga hiện đang được sản xuất hàng loạt. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo như vậy trong cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) ngày 28-11.

Một tuần trước đó, ngày 21-11, Tổng thống Putin đã tiết lộ rằng lực lượng vũ trang Nga đã sử dụng một tên lửa đạn đạo tầm trung siêu vượt âm mới không mang đầu đạn hạt nhân để tấn công một địa điểm công nghiệp quốc phòng của Ukraine. Tên lửa này sau đó được xác định là Oreshnik.

Tên lửa đạn đạo Oreshnik có 6 đầu đạn, mỗi đầu đạn lại có 6 đầu đạn con. Ảnh: anewz.tv 

Do thiết kế của tên lửa Oreshnik có điểm tương đồng với tên lửa đạn đạo RS-26 Rubezh, nên nhiều khả năng Tập đoàn vũ khí tên lửa chiến thuật (KTRV) là nhà sản xuất tên lửa Oreshnik. KTRV đã rất thành công trong việc phát triển các hệ thống tên lửa hiện đại, bao gồm các loại tên lửa siêu thanh và tên lửa đạn đạo như tên lửa Kalibr và Iskander.

Tên lửa Oreshnik có cấu hình đầu đạn tinh vi. Tên lửa này mang theo 6 đầu đạn, mỗi đầu đạn có 6 đầu đạn con, một tính năng giúp tăng cường đáng kể khả năng tấn công nhiều mục tiêu với độ chính xác cao. Thiết kế nhiều đầu đạn này cho thấy Nga tập trung vào việc tạo ra vũ khí có khả năng áp đảo các hệ thống phòng thủ tên lửa, thường được tối ưu hóa để đánh chặn các đầu đạn đơn lẻ.

Việc sử dụng đạn con cũng cho thấy vai trò của tên lửa trong các cuộc tấn công chiến thuật và chiến lược. Bằng cách triển khai một loạt các đầu đạn nhỏ hơn trên một khu vực rộng lớn, Oreshnik có thể nhắm vào nhiều mục tiêu cùng lúc, bao gồm cơ sở hạ tầng quân sự, trung tâm chỉ huy và các khí tài có giá trị cao khác.

Theo ông chủ Điện Kremlin, tên lửa Oreshnik bay với tốc độ Mach 10, tương đương 2,5-3 km/giây.

* Nhật Bản hạ thủy tàu hỗ trợ đổ bộ YOKO

Hãng đóng tàu Naikai Zosen của Nhật Bản vừa hạ thủy tàu hỗ trợ đổ bộ YOKO đầu tiên theo đơn đặt hàng của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (JGSDF) tại xưởng đóng tàu Setoda, ở thành phố Onomichi, tỉnh Hiroshima. YOKO trong tiếng Nhật có nghĩa là "ánh nắng mặt trời".

Lễ hạ thủy tàu hỗ trợ đổ bộ YOKO. Ảnh: JGSDF 

Tàu hỗ trợ đổ bộ YOKO dài khoảng 120 m, độ mớn nước khoảng 4 m, lượng giãn nước tiêu chuẩn khoảng 3.500 tấn. Tàu có thủy thủ đoàn khoảng 40 người. Vận tốc tối đa của tàu là 28,8 km/giờ. Nó có thể được trang bị súng máy 12,7mm.

Được thiết kế để hỗ trợ nhiều nhiệm vụ, YOKO có công nghệ tiên tiến và cấu trúc đa năng có khả năng vận chuyển hàng hóa, phương tiện và nhân sự. Thiết kế của tàu nhấn mạnh vào tính linh hoạt trong hoạt động và tính bền vững về môi trường, phù hợp với cam kết của Nhật Bản đối với các sáng kiến xanh trong lĩnh vực quốc phòng. Hệ thống dẫn đường và liên lạc tiên tiến đảm bảo rằng tàu có thể hoạt động hiệu quả trong môi trường hàng hải đầy thách thức.

Việc hạ thủy tàu YOKO diễn ra chỉ một tháng sau khi Naikai Zosen hạ thủy tàu đổ bộ tiện ích đầu tiên, mang tên Nihonbare, cho JGSDF. Tàu đổ bộ tiện ích này dài khoảng 80 m, mớn nước khoảng 3 m và lượng giãn nước tiêu chuẩn khoảng 2.400 tấn.

* Máy bay không người lái đánh chặn HitchHiker của Mỹ hoạt động thử nghiệm tại Ukraine

Theo một báo cáo gần đây của tạp chí Newsweek, máy bay không người lái đánh chặn HitchHiker tiên tiến đang được thử nghiệm trên thực địa ở Ukraine.

Máy bay không người lái HitchHiker được thiết kế để phát hiện, phân loại và theo dõi các mối đe dọa trên không, cung cấp thông tin tình báo thời gian thực và độ chính xác trong việc vô hiệu hóa thiết bị bay không người lái (UAV) của đối phương. Dự án này đánh dấu sự hợp tác giữa IronNet - công ty hàng đầu trong lĩnh vực an ninh mạng do AI điều khiển, và Asterion Systems - chuyên gia về công nghệ chống UAV của Mỹ.

 Máy bay không người lái HitchHiker của Mỹ. Ảnh: Asterion Group

Máy bay không người lái HitchHiker có phạm vi hoạt động lên đến 200km, đạt tốc độ tối đa 450 km/giờ. Nó được phóng từ hệ thống Asterion Perimaster C4, một nền tảng chỉ huy và điều khiển tinh vi tích hợp dữ liệu cảm biến tầm xa. Hệ thống này định vị HitchHiker ngay phía sau các mối đe dọa đang đến, cho phép người vận hành kiểm tra trực quan các mục tiêu tiềm năng theo thời gian thực trước khi vô hiệu hóa chúng hoặc triệu hồi máy bay không người lái về căn cứ. Tính linh hoạt như vậy khiến nó trở nên có giá trị cho cả nhiệm vụ giám sát và hành động trực tiếp.

Một trong những tính năng nổi bật của HitchHiker là khả năng triển khai tự động từ các nền tảng cố định hoặc di động. Khả năng này cho phép nó phản ứng nhanh với các mối đe dọa.

Asterion Systems cũng đang phát triển phiên bản HitchHiker chạy bằng động cơ phản lực, có khả năng đánh chặn các mục tiêu ngoài tầm với của các mẫu chạy bằng điện hiện tại.

* Súng bắn tỉa mới của Thủy quân lục chiến Mỹ

Thủy quân lục chiến Mỹ đã chính thức đưa súng trường bắn tỉa Mk22 Mod 0, do Barrett Firearms sản xuất, vào hoạt động sớm hơn một năm so với dự kiến.

Súng bắn tỉa Mk22 Mod 0 Ảnh: Thủy quân lục chiến 

Súng trường bắn tỉa mới này cung cấp cho xạ thủ 3 tùy chọn cỡ nòng gồm 7,62mm tiêu chuẩn, 300 Norma Magnum và 338 Norma Magnum, cho phép người bắn lựa chọn loại đạn cho các nhiệm vụ cụ thể đòi hỏi khoảng cách xa hơn hoặc sức xuyên phá lớn hơn. Súng sử dụng hộp tiếp đạn 10 viên.

Việc thay thế nòng là điều không thể với các hệ thống trước đây, khi nòng bị hỏng sẽ khiến súng không sử dụng được, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, nhưng sự góp mặt của Mk22 đảm bảo rằng ngay cả khi nòng bị hỏng, Thủy quân lục chiến vẫn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Thủy quân lục chiến Mỹ dự định mua 250 khẩu súng trường Mk22 Mod 0 để thay thế súng trường bắn tỉa Mk13 Mod 7 và M40A6.

MAI HƯƠNG (tổng hợp)