Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón Quốc vương Campuchia

Nhịp sống - Ngày đăng : 17:19, 28/11/2024

Chủ tịch nước Lương Cường đã chủ trì lễ đón chính thức Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Chiều 28/11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón chính thức Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Đây là chuyến thăm lần thứ 4 đến Việt Nam của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni.

Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón Quốc vương Campuchia - 1

Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón chính thức Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (Ảnh: Thành Đông).

Trong hai ngày 28 và 29/11, Quốc vương Norodom Sihamoni sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến với tất cả các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam, qua đó góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ Việt Nam - Campuchia theo phương châm "Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài".

Thời gian qua, quan hệ Việt Nam và Campuchia tiếp tục phát triển tích cực. Quan hệ chính trị Việt Nam - Campuchia tiếp tục phát triển tốt đẹp.

Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước với các cơ chế hợp tác thiết thực được triển khai ngày càng hiệu quả, đưa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu.

Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón Quốc vương Campuchia - 2

Chủ tịch nước Lương Cường và Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni (Ảnh: Thành Đông).

Hợp tác trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng giữa hai nước được tăng cường. Hai bên luôn khẳng định không cho phép bất kỳ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của mình để gây phương hại cho an ninh của nước kia.

Trên cơ sở các Hiệp ước, Hiệp định và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, các cơ quan chức năng, chính quyền và nhân dân địa phương biên giới hai bên đang phối hợp tích cực triển khai công tác phân giới cắm mốc trên đất liền.

Năm 2019, hai bên đã ký hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia.

Chính phủ hai nước cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho kiều dân hai nước sinh sống trên lãnh thổ của nhau, phù hợp với luật pháp mỗi nước.

Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón Quốc vương Campuchia - 3

Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni (Ảnh: Thành Đông).

Hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển nhanh chóng và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia đạt 10,57 tỷ USD, tăng khoảng 10,88% so với cùng kỳ năm 2021.

Năm 2023, do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, kim ngạch thương mại hai nước chỉ đạt 8,6 tỷ USD, giảm 19,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, năm nay thương mại hai nước có dấu hiệu khởi sắc trở lại, đạt 8,3 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Hai bên đặt mục tiêu 20 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương trong thời gian tới.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia (sau Trung Quốc và Mỹ) và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN.

Đến nay, Việt Nam có 205 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia, đồng thời đứng thứ hai trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có đầu tư.

Các lĩnh vực hợp tác khác về giáo dục - đào tạo, giao thông - vận tải, văn hóa, y tế, viễn thông... cũng được quan tâm, đẩy mạnh. Hàng năm, Việt Nam cấp hàng trăm suất học bổng dài hạn cho sinh viên Campuchia sang học tại Việt Nam và số lượng sinh viên Việt Nam sang học tập tại Campuchia ngày càng nhiều.

Hai nước cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, nhất là ở các địa phương giáp biên giới.

Việt Nam thường xuyên tổ chức các đoàn bác sỹ tình nguyện sang khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân Campuchia; các bệnh nhân Campuchia khi sang khám và điều trị bệnh tại Việt Nam được hưởng mức lệ phí khám chữa bệnh như người Việt Nam.

Hai nước cũng phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng, nhất là Liên Hợp Quốc, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, cơ chế GMS, CLMV, ACMECS… góp phần nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước ở khu vực và trên thế giới.

Bạch Huy Thanh